Mỹ sẽ "nâng cấp" kho vũ khí hạt nhân

21/10/2006 23:59 GMT+7

Sau chính sách "độc chiếm không gian", Mỹ lại tiến thêm một bước hướng tới việc xây dựng kho vũ khí hạt nhân mới nhỏ hơn nhưng đáng tin cậy hơn trong nửa đầu thế kỷ 21.

Ông T.D'Agostino, phụ trách các chương trình quốc phòng của Ủy ban An ninh quốc gia (NNSA), tuyên bố hôm 20/10 rằng chương trình có tên gọi "Complex 2030" sẽ sửa chữa và thay thế "những tiện nghi không hiệu quả, già cỗi và tốn kém" tại 8 địa điểm, bao gồm một số cơ sở có từ những năm 1940 trong khuôn khổ dự án Manhattan xây dựng những quả bom hạt nhân đầu tiên của Mỹ. Báo Washington Post dẫn lời ông D'Agostino nói rằng những địa điểm nói trên, chủ yếu tập trung ở các bang California, New Mexico, Texas và Tennessee là "không thích hợp về lâu dài".

Tuyên bố của ông D'Agostino được đưa ra giữa lúc chính quyền Bush đang thúc ép các đồng minh phải có những biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn các chương trình vũ khí hạt nhân ở CHDCND Triều Tiên và Iran mà họ cho rằng đã vi phạm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Cũng hiệp ước này kêu gọi Mỹ và các thành viên khác của "câu lạc bộ hạt nhân" phải cắt giảm kho vũ khí của mình, nhưng không đưa ra thời hạn chót cho việc thực hiện điều này.

Kế hoạch của Chính phủ Mỹ sẽ thay thế kho vũ khí hạt nhân gồm 6.000 đầu đạn già cỗi có từ thời chiến tranh lạnh bằng một kho vũ khí nhỏ hơn, đáng tin cậy hơn sẵn dùng trong nhiều thập kỷ. Mỹ cũng sẽ củng cố quy trình xử lý plutonium tại một trung tâm sẽ được xây dựng ở địa điểm hiện đang lưu giữ những nguyên liệu đặc biệt tương tự. Kế hoạch cũng bao gồm việc tháo gỡ toàn bộ uranium đã được làm giàu ở mức độ cao khỏi Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore tại California.

Điểm then chốt đối với kế hoạch của chính quyền Bush là một quyết định sẽ được đưa ra vào tháng 12 tới của NNSA về một thiết kế dành cho cái gọi là "đầu đạn thay thế đáng tin cậy" (RRW). Hai phòng thí nghiệm vũ khí hạt nhân quốc gia Mỹ, Los Alamos và Lawrence Livermore, đang cạnh tranh nhau trong việc thiết kế đầu đạn mới. Tuy nhiên, trước khi xúc tiến bất kỳ một đầu đạn mới nào, NNSA sẽ phải xin phép Quốc hội Mỹ cho phép để đi vào quá trình phát triển kỹ thuật thực thụ. Một đòi hỏi của thiết kế mới là nó phải dựa trên các "gói" hạt nhân đã được thử nghiệm trong quá khứ để Mỹ khỏi phải vi phạm thỏa thuận ngừng các cuộc thử hạt nhân dưới lòng đất trong khi vẫn bảo đảm RRW sẽ phát huy tác dụng.

Kế hoạch "Complex 2030" sẽ cho công chúng Mỹ cơ hội đầu tiên xem xét chương trình hạt nhân của chính phủ. Để xúc tiến kế hoạch, NNSA phải chuẩn bị các báo cáo về tác động môi trường ở 8 địa điểm nói trên, bao gồm những ý kiến đóng góp của người dân và tổ chức các cuộc "điều trần" tại từng địa điểm. Theo kế hoạch mới, trung tâm plutonium mới của Mỹ có thể bảo đảm cho việc sản xuất 2.200 RRW trong tương lai.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.