Vườn ươm công nghệ và chuyển giao công nghệ: Người bạn đồng hành của doanh nghiệp

23/12/2006 16:10 GMT+7

Vừa qua, Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM phối hợp với văn phòng đại diện của Viện công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH) tại TP.HCM và trường ĐH Bách Khoa TP.HCM tổ chức hội thảo “Vườn ươm công nghệ và chuyển giao công nghệ” tại khách sạn New World TP.HCM.

Tại hội thảo các chuyên gia Hàn Quốc và Việt Nam đã đóng góp những tham luận có giá trị để chuẩn hóa mô hình thương mại hóa kết quả nghiên cứu, ứng dụng, phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ và chuyển giao công nghệ phù hợp với tình hình hội nhập hiện nay.

Tại buổi hội thảo, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM, ông Phan Minh Tân phát biểu, trong tiến trình hội nhập này, đổi mới công nghệ - thiết bị là một yêu cầu cấp bách đối với các doanh nghiệp. Thực tế hiện nay chỉ có các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và một số doanh nghiệp nhà nước cỡ lớn mới có cơ sở hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ. Tuy nhiên, kinh phí các doanh nghiệp này đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu vẫn còn thấp (chiếm 0,5% doanh thu, trong khi các nước phát triển chiếm từ 5-10% doanh thu). Muốn phát triển công nghệ thì tất yếu phải gắn kết được hoạt động khoa học và công nghệ với hoạt động sản xuất.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Loan, Khoa quản lý công nghiệp - Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM cũng cho biết: “Sự yếu kém trong mối liên kết giữa đào tạo-nghiên cứu và sản xuất kinh doanh là một trong những nguyên nhân khiến cho nguồn lực không được sử dụng hiệu quả. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay các doanh nghiệp mới thành lập không có đủ nguồn lực hay điều kiện để tiếp cận các nguồn vốn, tư vấn quản lý-kỹ thuật-dịch vụ công nghệ. Do vậy việc hình thành các vườn ươm đang được xem như giải pháp cho vấn đề này. Mô hình vườn ươm công nghệ đã trở nên phổ biến ở các nước phát triển và đang phát triển. Vườn ươm sẽ đóng vai trò cầu nối cho các liên kết giữa doanh nghiệp và trường đại học-viện nghiên cứu”.

Khái niệm vườn ươm tuy còn khá mới mẻ ở Việt nam. Tuy nhiên, do tầm quan trọng của mô hình này trong việc liên kết các nhà sản xuất với các nghiên cứu khoa học nên thời gian qua một số mô hình vườn ươm đã được hình thành ở Hà Nội và TP.HCM. Đến nay, số lượng vườn ươm đã lên đến 7 với qui mô và đối tượng ươm tạo khác nhau. Theo báo cáo của Bộ kế hoạch và đầu tư đến tháng 6/2005, cả nước có khoảng 125.000 doanh nghiệp thành lập mới với qui mô vừa và nhỏ thì hẳn số lượng vườn ươm ít ỏi kể trên không đủ để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Do đó, nếu Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ được thành lập thì sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho những doanh nghiệp còn non trẻ.

Kinh nghiệm tại Hàn Quốc cho thấy các vườn ươm đa số gắn liền với Đại học, các Viện như Kitech Kist, Kaist, các công ty lớn như Samsung, LG... đưa nhanh các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, thương mại hóa. Đặc biệt, một số vườn ươm của Hàn Quốc đặt cơ sở hoạt động tại nước ngoài, tại những nơi các công ty Hàn Quốc có khả năng nhận nhiều đơn đặt hàng như Mỹ, Anh Quốc, Trung Quốc, như các vườn ươm của iPark, Samsung... Vườn ươm không có nghĩa là chỉ là một tòa nhà cung cấp các dịch vụ ươm tạo thụ động như cho thuê văn phòng, cung cấp vốn mồi... mà hầu hết các vườn ươm đều có phần tư vấn nhân lực mạnh, có khả năng tạo mạng liên kết cần thiết cho sự nghiệp kinh doanh ở gia đoạn đầu của incubatee (người được ươm tạo).

Tại Hàn Quốc, đăc biệt là tại KITECH mô hình vườn ươm hoạt động rất có hiệu quả và thực hiện tốt chức năng là nghiên cứu, hỗ trợ, chuyển giao và phát triển công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính vì vậy, Viện KITECH mong muốn kết hợp với Việt Nam xây dựng vườm uơm công nghệ thúc đẩy sự phát triển khoa học & công nghệ và hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc phát triển bền vững.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa với cạnh tranh ngày càng gay gắt, doanh nghiệp muốn tồn tại, phát triển phải có sự khác biệt của mình về công nghệ của sản phẩm chào bán. Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu khoa học - công nghệ Việt Nam thực sự đang trên đường trở thành là người đồng hành cùng các doanh nghiệp.

Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.