Lãnh đạo TP Hải Phòng "cho không" doanh nghiệp hơn trăm tỉ đồng

07/10/2007 22:20 GMT+7

Báo Thanh Niên từng có bài viết về những sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý đất đai đang diễn ra tại khu đô thị mới Ngã Năm - sân bay Cát Bi, một trong những dự án lớn của TP Hải Phòng. Những sai phạm trên còn chưa được UBND thành phố xử lý thì mới đây, hàng loạt những sai phạm khác lại được phát hiện.

Ngày 31.3.2003, UBND TP Hải Phòng ban hành Quyết định số 654/QĐ - UB để ưu đãi đặc biệt cho 5 trường hợp đầu tư vào khu đô thị mới Ngã Năm - sân bay Cát Bi  "nhằm làm kích cầu đầu tư tạo sự hấp dẫn của dự án".

Trong số các dự án được ưu đãi có dự án của Công ty TNHH Thùy Dương và Công ty TNHH du lịch và đầu tư EIE.  Công ty Thùy Dương được giao hơn 16.000m2 tại lô 20A, mặt đường trục chính Lê Hồng Phong của khu đô thị này. Với sự ưu đãi này, Công ty Thùy Dương chỉ phải nộp ngân sách 20,5 tỉ đồng tiền sử dụng đất (trung bình gần 1,3 triệu đồng/m2). Công ty EIE được giao hơn 30.000m2 (sử dụng trong 70 năm) tại lô 20A có  hai mặt đường chính Lê Hồng Phong, Nguyễn Bỉnh Khiêm và chỉ phải nộp 22,4 tỉ đồng (trung bình hơn 700.000đ/m2).

Căn cứ mà UBND TP Hải Phòng viện dẫn để tính giá trị sử dụng đất thấp như nêu trên là quy định tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định 198 của Chính phủ: "Trường hợp người được giao đất thực hiện bồi thường hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi theo quy định tại Điều 3 Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 3.12.2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, thì được trừ số tiền đã bồi thường đất, hỗ trợ đất vào tiền sử dụng đất phải nộp, nhưng mức trừ không vượt quá tiền sử dụng đất". Đối chiếu với quy định trên, chỉ những công ty bỏ tiền ra làm phương án giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư mới được đối trừ. Trong khi  cả hai Công ty Thùy Dương và EIE đều không hề tự đầu tư cơ sở hạ tầng, không tự đền bù, san lấp... mà được giao mặt bằng đã được Nhà nước đầu tư đầy đủ điều kiện thuận lợi, và do vậy không thuộc diện được ưu đãi.

Mặt khác, quyết định thu hồi và giao đất số 2803, ngày 2.12.2005 cho Công ty EIE đã ghi rõ: "Thu hồi 30.130m2 đất thuộc quyền quản lý của Ban quản lý dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Ngã Năm - sân bay Cát Bi". Quyết định số 2552 ngày 4.11.2005 cho Công ty Thùy Dương cũng tương tự. Như vậy diện tích đất này đã được giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng bằng ngân sách nhà nước, Công ty EIE cũng như Công ty Thùy Dương không hề đầu tư giải phóng mặt bằng, san lấp, cũng không phải là đối tượng trực tiếp chi trả đền bù... nên không thuộc đối tượng điều chỉnh của quy định trên.

Thế mà UBND TP Hải Phòng vẫn cho phép đối trừ tiền giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng... với mức 4 triệu đồng/m2, trong đó bao gồm: chi phí đóng góp hạ tầng chung 497.000đ/m2, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng 3.270.000đ/m2, chi phí san lấp mặt bằng 82.000đ/m2, chi phí về cơ sở hạ tầng trong hàng rào của dự án là 213.000đ/m2. 

Thực chất, 4 triệu đồng để giải phóng mặt bằng, đầu tư san lấp, xây dựng hạ tầng... cho mỗi một mét vuông ở khu đô thị này đã được Ban quản lý dự án Ngã Năm - sân bay Cát Bi chi từ tiền ngân sách. Như vậy với diện tích hơn 40.000m2 đất cấp cho Công ty Thùy Dương và EIE (theo giá đất được quy định tại đường Lê Hồng Phong là 6 triệu đồng/m2 sau khi giảm trừ theo các tuyến), thì hai doanh nghiệp này phải nộp gần 200 tỉ đồng tiền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước. Nhưng bằng sự ưu đãi thông qua Quyết định 654/QĐ-UB, những doanh nghiệp này chỉ phải nộp ngân sách hơn 40 tỉ đồng. Như vậy UBND thành phố Hải Phòng đã "cho không" doanh nghiệp hơn trăm tỉ đồng. Và với cách ưu đãi gây thiệt hại ngân sách nhà nước như thế, vị lãnh đạo nào của UBND TP Hải Phòng phải chịu trách nhiệm?

Đông Bắc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.