Tuyên phạt Nguyễn Gia Thiều 20 năm tù

30/11/2005 20:21 GMT+7

Sáng nay, TAND TP HCM đã tuyên phạt Nguyễn Gia Thiều, giám đốc Công ty Đông Nam 20 năm tù về hai tội buôn lậu và trốn thuế. Ngoài hình phạt trên, Hội đồng xét xử (HĐXX) còn tuyên buộc Thiều phải nộp 148 tỷ đồng tiền buôn lậu, nộp phạt bổ sung một lần giá trị tiền trốn thuế và tiền trốn thuế là gần 200 tỷ đồng. Cùng mức án trên, HĐXX cũng đã tuyên tịch thu sung vào công quỹ số tiền 200.000 USD mà Hà Kiều Anh cho là của gia đình mình. Xem video clip phiên toà xét xử >>> Tịch thu, sung công 200.000 USD mà Hà Kiều Anh cho rằng của mình

Theo HĐXX, từ năm 1999 đến 2002, Nguyễn Gia Thiều đã nhập lậu trên 39.000 chiếc điện thoại di động bằng nhiều hình thức như gửi bưu điện, gửi phi công, tiếp viên... có tổng trị giá gần 149 tỷ đồng. Hơn nữa, với danh nghĩa Đông Nam Việt Nam, Nguyễn Gia Thiều đã ký hợp đồng với Đông Nam Hong Kong (do Bùi Thiên Kim - chị dâu của Thiều, làm Giám đốc) để mua hàng tuồn lậu vào trong nước bán trốn thuế gần 100 tỷ đồng bằng cách khai thấp giá trị hàng hóa so với thực tế, không báo cáo thuế, lập 2 hệ thống sổ sách kế toán... Ngoài ra, Thiều còn có một số sai phạm khác như chỉ đạo nhân viên giả chữ ký của Hà Kiều Anh, giả chữ ký của chính Thiều trên các thư từ cảm ơn khách hàng và một số giấy tờ khác. Hành vi phạm tội của Thiều là đặc biệt nghiêm trọng với vai trò chủ mưu, thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt, dùng tiền để lôi kéo, mua chuộc người khác cùng phạm tội, trong đó có 11 cán bộ hải quan nên cần phải có mức hình phạt tương xứng.

Đối với khoản tiền 200.000 USD mà Hà Kiều Anh đề nghị xem xét trả lại vì cho rằng đó là tiền của gia đình mình, HĐXX nhận định: Hà Kiều Anh và Nguyễn Gia Thiều đã có mối quan hệ vợ chồng về mặt pháp lý. Trước khi bị bắt, Thiều đã dọn về nhà của Kiều Anh sinh sống. Quá trình thẩm vấn tại tòa cho thấy, Hà Kiều Anh không biết mã số két sắt đựng số tiền trên mà phải nhờ cán bộ điều tra gọi điện cho Thiều để xin mã số mở két. Lập luận của Hà Kiều Anh và luật sư cho rằng do lúc công an khám xét, tâm trí hoảng loạn nên không nhớ, theo HĐXX là "có thể chấp nhận được nhưng lại mâu thuẫn khi Thiều không phải là chủ nhân của chiếc két, cũng đang bị dẫn giải, khám xét lại có thể nhớ mã số két của người khác". Hơn nữa, lời khai của Hà Kiều Anh về nguồn gốc của khoản tiền trên tại cơ quan và tại phiên tòa luôn mâu thuẫn nhau. Vì vậy, HĐXX nhận định, Hà Kiều Anh không phải là chủ két sắt, khoản tiền trên là của Nguyễn Gia Thiều nên cần thu giữ để thi hành án.

Về khoản tiền trên 8,4 tỷ đồng trong tài khoản của Hà Kiều Anh tại Techcombank, VKS đề nghị tòa xem xét, xử lý vì cho rằng đó là tiền của Thiều chuyển vào. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng, trả lời thẩm vấn, Thiều thừa nhận có chuyển tiền vào tài khoản của vợ nhiều lần nhưng cho đó là tiền của Kiều Anh nhờ chuyển, số sách kế toán của Công ty Đông Nam cũng không thể hiện số tiền này, vì vậy, chưa đủ căn cứ để xác định đây là khoản tiền thu lợi bất chính của Nguyễn Gia Thiều. Hơn nữa, đến giờ, Hà Kiều Anh đã sử dụng số tiền này vào mục đích của mình. 

Cũng theo HĐXX, các bị cáo nguyên là cán bộ kiểm hóa hải quan Nội Bài đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm hóa để hàng lậu tuồn vào Việt Nam nhưng xét sai phạm có mức độ nên không cần thiết phải cách ly các bị cáo ra khỏi xã hội.

Ngoài ra, HĐXX còn kiến nghị VKSND Tối cao phục hồi điều tra, làm rõ sai phạm trong quá trình kiểm hóa của một số nhân viên Chi cục Hải quan Nội Bài như Phạm Thị Dung, Cù Anh Dũng, Phạm Thái Hà, Đinh Quang Hưng, Phạm Minh Tuyết... Những cán bộ này trước đó từng bị đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng xét thấy chưa đủ căn cứ hoặc giá trị hàng kiểm hóa không lớn nên đã được đình chỉ điều tra.

HĐXX cũng kiến nghị Tổng công ty Hàng không Việt Nam rút kinh nghiệm trong việc quản lý nhân viên ở các chuyến bay nước ngoài. Trong vụ án này các tiếp viên và phi công đã có những sai phạm giúp sức cho Thiều vận chuyển điện thoại lậu bằng con đường xách tay nhưng không bị xử lý hình sự.

    Mức án của các bị cáo:

Nhóm bị cáo phạm tội buôn lậu:

- Nguyễn Quang Hoan (nhân viên Công ty TNHH TB Hà Nội), Lê Văn Nhân (nhân viên Chi cục Hải quan Nội Bài): 7 năm tù.

- Huỳnh Tiến Dũng (giám đốc trung tâm dịch vụ chuyên nghiệp thiết bị viễn thông, thuộc Công ty xuất nhập khẩu máy, TP HCM), Đào Lê Anh (trợ lý khai thác văn phòng chi nhánh hàng không Việt Nam tại Lào): 6 năm

- Nguyễn Đăng Chiểu (Nhân viên hải quan ga đường sắt Quốc tế Yên Viên Hà Nội), Vũ Hữu Thiều (nhân viên kho hàng xí nghiệp thương mại mặt đất sân bay Nội Bài): 5 năm

- Đặng Mạnh Quyền (nhân viên Chi cục Hải quan Nội Bài): 4 năm.

- Nguyễn Đình Hiếu (nhân viên Chi cục Hải quan Bưu điện Hà Nội) và Đỗ Liên Anh (nhân viên Công ty Đông Nam): 3 năm.

- Nguyễn Thị Vinh Quang (nguyên cán bộ Cục Hải quan TP HCM): 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Nhóm bị cáo phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng:

- Vũ Công Năm, Cao Văn Nhật, Nguyễn Văn Thụ (đều là nhân viên Chi cục Hải quan Nội Bài), Lương Thị Dương và Trần Hồng Thái (nhân viên Chi cục Hải quan Nội Bài) nhận mức án từ 18 tháng đến 3 năm án treo.

Ngoài ra, HĐXX tuyên buộc các bị cáo phải nộp lại toàn bộ số tiền đã thu lợi bất chính.

TNO (tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.