Thuế thu nhập cá nhân sẽ bị "siết"?

12/10/2006 23:39 GMT+7

Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sẽ được công bố để lấy ý kiến rộng rãi nhân dân trước khi đưa ra Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm 2007 và sẽ có hiệu lực từ 1.1.2009. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định như vậy sau phiên thảo luận cho ý kiến lần đầu vào dự thảo luật ngày hôm qua, 12.10.

Đa số các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với quan điểm của cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội rằng, mức khởi điểm chịu thuế sau khi giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế nên là 5 triệu đồng/tháng (60 triệu đồng/năm), và mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 2 triệu đồng/tháng. Với mức khởi điểm sau giảm trừ là 5 triệu đồng/tháng, nếu người nộp thuế có 3 người phụ thuộc phải nuôi dưỡng sẽ được giảm trừ 11 triệu đồng/tháng (5 triệu đồng cho bản thân và 6 triệu đồng cho người phụ thuộc). Theo Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, Chính phủ muốn mức giảm trừ cá nhân (mức khởi điểm chịu thuế) chỉ nên là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm) và mức giảm trừ cho người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng. Bởi theo ông Ninh: "Chính phủ muốn hướng tới thuế TNCN dần dần mức khởi điểm sẽ còn phải hạ xuống nữa để đến mức một người cứ hễ có khoản thu đều phải nộp thuế". Nhưng Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu nói: "Cứ cho khởi điểm là 4 triệu đồng thì Chính phủ phải giải thích cặn kẽ là vì sao, liệu có đủ lý lẽ để thuyết phục các đại biểu Quốc hội và người dân hay không? Bởi hiện nay mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cao là 5 triệu đồng thế mà đến năm 2009 lại là 4 triệu, trong khi trượt giá hàng năm là 7-8%".

Vấn đề được quan tâm nhất trong phiên thảo luận ngày hôm qua là có đánh thuế đối với khoản thu là lãi suất tiền gửi tiết kiệm hay không. Quan điểm của Chính phủ thiết kế trong dự thảo luật là sẽ thu thuế đối với trường hợp có lãi tiền gửi tiết kiệm vượt trên 5 triệu đồng/tháng với mức thuế suất là 5%. Nhưng tuyệt đại đa số các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phản đối điều này. Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu thẳng thắn: "Tôi không đồng ý đánh thuế lãi tiền gửi, chưa nói đến việc nó ảnh hưởng đến việc huy động vốn của ngân hàng, nơi cung cấp vốn chính cho cả nền kinh tế mà sẽ rất không khả thi. Người ta hoặc sẽ chia nhỏ khoản tiền để gửi ở nhiều tổ chức tín dụng hoặc nhờ người khác đứng tên gửi tiền". Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Trần Thị Tâm Đan cũng tỏ thái độ gay gắt: "Tôi không biết thu từ khoản này được bao nhiêu, nhưng bao nhiêu cũng không nên vì rất phản cảm. Đó là chưa kể đến việc nhiều người gửi tiền vào ngân hàng là người không có khả năng kinh doanh mà chúng ta lại đặt vấn đề đánh thuế cả khoản lãi đó thì không nên". Phó chủ tịch Nguyễn Văn Yểu mềm mỏng hơn: "Đánh thuế khoản lãi suất tiền gửi phải hết sức cân nhắc. Tôi đề nghị Chính phủ phải làm rõ thu thì chúng ta được gì, mất gì. Nếu thu, mỗi năm ngân sách được thêm bao nhiêu? Tức là Quốc hội phải có căn cứ để quyết định có đáng để hy sinh những vấn đề xã hội khác do việc chúng ta đánh thuế lãi suất tiền gửi gây ra hay không".

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trần Minh Tuấn:

“Thu thuế đối với lãi suất tiền gửi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc huy động vốn của các quỹ tín dụng, có nghĩa là ảnh hưởng đến sự đầu tư của ngân hàng đối với toàn bộ nền kinh tế. Chủ trương của Đảng và Nhà nước là khuyến khích người dân gửi tiền mà không phải giữ tiền, thực hiện chủ trương này thì ngân hàng đang khuyến khích người dân tăng cường giao dịch qua ngân hàng nếu bây giờ đánh thuế vào khu vực này sẽ làm hạn chế việc gửi tiền (người dân sẽ chuyển sang tích trữ vàng và ngoại tệ) và giao dịch qua ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Qua thống kê của chúng tôi, số tiền gửi 700-800 triệu đồng/người chỉ chiếm 30% số lượng sổ gửi tiền, tức là nếu có đánh thuế cũng không thu được là bao”.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh:

“Tôi không nghĩ việc thu thuế này lại ảnh hưởng lớn đến việc huy động vốn của các ngân hàng. Chúng tôi đã khảo sát tại 4 ngân hàng thương mại lớn mà tổng huy động vốn chiếm tới 38% thì số thuộc diện chịu thuế chỉ chiếm 3,6% tổng huy động vốn. Với lãi suất hiện nay, để có 5 triệu đồng lãi/tháng cần có khoảng 700 triệu đồng gốc mà phải có lãi 6 triệu đồng/tháng mới phải nộp 50.000 đồng thuế. Tôi nghĩ người ta sẽ không vì sợ mất 50.000 đồng mà bỏ 5.950.000 đồng tiền lãi”.

T.N

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.