"Hàng Trung Quốc, sản xuất tại châu Âu"

15/10/2006 23:01 GMT+7

Người Trung Quốc đang đến, dưới tiêu đề này, tạp chí Newsweek số mới nhất loan báo về cuộc đổ bộ hùng hậu của các công ty Trung Quốc vào cựu lục địa. Không phải thông qua những lô hàng quần áo, đồ chơi, giày dép… giá rẻ nữa, mà người Trung Quốc xuất hiện với tư cách là những nhà đầu tư thực thụ.

Vẫn còn đó những pháo đài đích thực từ thời Trung cổ, những món ăn đặc trưng của xứ Tuscan (Ý), nhưng chỉ cần thả bộ trong thành phố công nghiệp Prato là thấy ngay sự thay đổi đột ngột về văn hóa. Ngôn ngữ nghe thấy trong các quán cà phê không còn là tiếng Ý nữa, mà là tiếng Hoa. Phố xá giăng đầy các biển hiệu tiếng Hoa, la liệt các tờ báo tiếng Hoa. Trong vòng mấy năm lại đây, số cư dân người Hoa của thành phố đã tăng từ khoảng trăm người lên đến một vạn. Hơn 2.000 doanh nghiệp do người Hoa sở hữu đang làm hồi sinh ngành công nghiệp dệt lay lắt của địa phương.

Cách đó khoảng một ngàn cây số về phía bắc, thành phố Alvkarleby của Thụy Điển đang chờ ngày khánh thành một công trình biểu tượng mới. Gần con đường cao tốc chạy qua thành phố, một doanh nhân Trung Quốc đang xây một trung tâm du lịch và thương mại trị giá 10 triệu euro, kèm thêm một ngôi chùa và một pho tượng Phật khổng lồ. Trong vòng 4 năm qua, số dự án đầu tư của Trung Quốc vào Thụy Điển đã từ 0 tăng lên hơn 50. Đến cuối năm nay, Trung Quốc sẽ vượt qua Đức để trở thành quốc gia đầu tư lớn nhất vào Thụy Điển.

Trong làn sóng toàn cầu hóa, người Trung Quốc đang tìm đến châu u. Năm ngoái, Liên minh châu u đã thay thế Mỹ để trở thành bạn hàng lớn nhất của Trung Quốc. "Chúng tôi đang quá tải, đặc biệt là 10 tháng qua" - ông Ying Feng, người quản lý một nhà băng ở London chuyên huy động vốn cho các doanh nghiệp Trung Quốc cho biết. "Khi tôi lập một hiệp hội kinh tế về Trung Quốc 10 năm trước, mọi người còn không biết Trung Quốc nằm ở đâu. Nay thì ai cũng muốn xí phần".

Tất nhiên những con số tuyệt đối về đầu tư của Trung Quốc tại châu u còn nhỏ (riêng Đài Loan còn đầu tư nhiều hơn cả đại lục), nhưng biểu đồ tăng trưởng đang lên thẳng đứng. Theo hãng tư vấn Ernest & Young, tổng số dự án của Trung Quốc tại châu u đã tăng gấp 5 lần kể từ năm 2000. Những dự án mới nhất bao trùm nhiều lĩnh vực, từ một liên doanh lắp ráp xe đạp ở CH Czech cho đến việc hãng viễn thông khổng lồ China Telecom niêm yết trên thị trường chứng khoán châu u. Riêng thành phố Hamburg của Đức đã đón trên 350 công ty Trung Quốc.

Người châu u cũng rất tích cực thu hút đầu tư từ Trung Quốc. Cách đây 4 năm, chỉ có Anh đặt một văn phòng về đầu tư tại Trung Quốc. Hiện nay thì nước nào cũng có. Thủ tướng Romano Prodi vừa dẫn 700 doanh nghiệp sang Bắc Kinh để bàn cách biến nước Ý thành "cửa ngõ đi sang phương Đông". Tại London, địa điểm đầu tư số 1 của Trung Quốc, người ta đang tính xây dựng hẳn một khu phố kinh doanh Trung Quốc, ở phía đông của khu phố tài chính. Tại Áo, chính phủ tài trợ để xây dựng một Công viên công nghiệp Trung Quốc trị giá 100 triệu euro.

Về phía Trung Quốc, Bộ Thương mại nước này lập hẳn một danh sách những thị trường đầu tư hứa hẹn nhất, trong đó châu u xếp đầu bảng. Trong một số trường hợp, nhà đầu tư Trung Quốc thích nhắm vào các thương hiệu lớn nhưng đang gặp khó khăn. Hãng xe hơi nổi tiếng Rover hiện nằm trong tay tập đoàn ô tô Nam Kinh. Năm ngoái, tập đoàn mô tô lớn nhất Trung Quốc Qianjiang thâu tóm Benelli nổi tiếng của Ý với loại xe ga đặc trưng.

Sự thịnh vượng của các doanh nhân và nhà đầu tư Trung Quốc khiến một số người ở châu u lo ngại vì sợ bị cạnh tranh. Những người dân ở Prato biết rất rõ điều này. Mặc dù những ông chủ Tàu tuyển dụng một vài người dân địa phương, nhưng họ vẫn thích dùng người lao động đưa từ Trung Quốc sang, chủ yếu vì lương thấp hơn nhiều. Người ta có thể đùa rằng, chiếc nhãn gắn trên sản phẩm may mặc của Prato nên được đổi thành "Made by China in Italy" (hàng Trung Quốc sản xuất tại Ý).

V.L (theo Newsweek)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.