Tìm đất xây trường, “hành trình” khổ ải

08/10/2007 22:58 GMT+7

Nhiều năm nay, quỹ đất cho giáo dục đã trở thành nỗi bức xúc “bền bỉ” chưa được giải quyết thấu đáo. Mặc dù Chính phủ và các cấp chính quyền đều có nhiều văn bản, quyết định, quy hoạch, tuyên bố... về việc dành quỹ đất cho giáo dục, nhưng trên thực tế để các trường có được đất là điều không hề đơn giản.

Gần chục năm vẫn... dang dở

Trường ĐHDL Văn Lang được thành lập cách đây 12 năm, thì cũng gần chừng ấy năm dự án đầu tư xây dựng trường ở khu vực Bến Hải, P.5, Q.Gò Vấp (TP.HCM) vẫn... giậm chân tại chỗ. Lý do là việc giải phóng mặt bằng cho tới nay (năm thứ 9) vẫn... chưa biết sẽ hoàn thành khi nào.

Được biết, dự án với diện tích 52.700m2 này đã có quyết định giao đất của Thủ tướng Chính phủ từ năm 1998. Cũng theo quyết định này, trọng trách tổ chức giải phóng mặt bằng thu hồi đất được giao cho UBND TP.HCM. Tính đến hết năm 2006, UBND TP.HCM đã có nhiều văn bản chỉ đạo, và mới đây nhất, bằng Văn bản số 594/TB-VP (ngày 14.9.2006) đã chấp thuận thu hẹp quy mô dự án để dành một phần đất làm khu tái định cư tại chỗ cho những hộ dân có đất bị thu hồi. Tuy nhiên, vấn đề còn ở chỗ, một số hộ dân có đất bị thu hồi không chịu nhận tiền đền bù cũng như nền nhà tái định cư và giao đất để thực hiện dự án. Mặc dù trường đã bỏ ra cho dự án này trên 10 tỉ đồng, nhưng tất cả vẫn chỉ là... đang chờ.


Mô hình trường học - ký túc xá - chung cư cho giảng viên của trường CĐ Bách Việt tại huyện Nhà Bè - Ảnh: M.Q
Một cán bộ của trường ĐHDL Văn Lang cho biết: "Nghị quyết 73 của Chính phủ cũng như Nghị quyết 05/2005/NQ-CP đã quy định, Nhà nước (chính quyền địa phương) có trách nhiệm cấp đất cho các trường ngoài công lập xây dựng trường hoặc cho thuê dài hạn cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên thực tế trong nhiều năm qua thì trong cả 2 trường hợp trên, trường phải đi xin qua nhiều cửa, nhiều cấp nhưng chưa có hiệu quả".

Song những trường không đợi Nhà nước cấp hay cho thuê đất mà tự đi mua thì lại rủi ro chuyện khác. Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM nằm trên đường Trịnh Đình Thảo, P.Hòa Thạnh (Q.Tân Phú) thì ngay cạnh trường có một khu đất trống, một phần trồng rau muống, rộng 6.186m2. Trường đã có nhiều công văn gửi lên UBND TP.HCM và UBND Q.Tân Bình (trước đây) về việc được giao hoặc cho thuê dài hạn lô đất để mở rộng trường vì theo quy hoạch khu vực này là đất dành cho giáo dục và trường có đề án nâng thành ĐH tư hoạt động theo mô hình ĐH không vụ lợi. Trong khi chưa nhận được sự trả lời của các cấp chính quyền thành phố, thì một công ty TNHH đề nghị để họ đứng ra mua từ các hộ tư nhân sở hữu và góp vào đầu tư cho trường.

Theo đó, mỗi bên đầu tư 50%, tính ra trường phải góp 12 tỉ đồng. Như bắt được vàng vì thấy có một đơn vị tư nhân quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, nhà trường làm văn bản gửi các cơ quan chức năng xin giúp đỡ để việc mua bán được thuận lợi cũng như trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất xây dựng theo quy hoạch quỹ đất cho giáo dục. Nhưng đến đầu tháng 6.2007, phía công ty TNHH đã đề nghị trường hoặc là thay đổi phần đầu tư của nhà trường chỉ còn 10% (thay vì 50% như thỏa thuận) hoặc nhà trường có thể đầu tư 100% nhưng với giá đất là 35 tỉ đồng (thay vì 24 tỉ đồng như thỏa thuận).

PGS - TS Mai Hồng Quỳ (quyền Hiệu trưởng ĐH Luật TP.HCM): Thừa quy hoạch mà thiếu giải pháp 

Ngày 21.9.2007, Bộ GD-ĐT đã có quyết định phê duyệt "Đề án quy hoạch phát triển tổng thể trường ĐH Luật TP.HCM đến năm 2020". Theo quy hoạch này, đến năm 2020, quy mô đào tạo trường ĐH Luật TP.HCM là 10.600 sinh viên ĐH chính quy, 1.600 học sinh hệ trung cấp và 4.000 học viên sau ĐH; quy hoạch tổng thể với diện tích 40 ha. Kinh phí triển khai xây dựng trường chia thành 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 2007-2010 là 380 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 200 tỉ đồng (chiếm 52,6%). Ngày 18.5.2007, UBND TP.HCM đã có Văn bản số 2983 chấp thuận chủ trương bố trí đất cho trường ĐH Luật TP.HCM và trường ĐH Kinh tế TP.HCM trong khu vực quy hoạch tập trung các trường ĐH-CĐ, TCCN tại P.Long Phước, Q.9, TP.HCM, giao cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc làm việc với UBND Q.9 làm quy hoạch chi tiết 1/2.000. Nhưng UBND Q.9 làm quy hoạch tổng thể phải làm chung với các dự án khác. Nếu vậy có thể sẽ kéo dài, đến năm 2010 mà chưa có quyết định giao đất cho trường thì trường sẽ không được giải ngân 200 tỉ đồng của giai đoạn 2007-2010, kéo theo nhiều trở ngại khác của các giai đoạn tiếp theo. Vì vậy nhà trường đang đề nghị: trên cơ sở quy hoạch chung tổng thể đã được phê duyệt, đề nghị cho phép trường ĐH Luật TP.HCM và trường ĐH Kinh tế TP.HCM được thực hiện nhiệm vụ làm quy hoạch chi tiết 1/2.000 và nên có quyết định tạm giao đất để trường làm quy hoạch và những công việc khác liên quan đến việc chuẩn bị đầu tư.

Nhựt Quang (ghi))

Theo văn bản của nhà trường gửi cho các cơ quan chức năng báo cáo sự việc thì có khả năng đơn vị phối hợp đã thay đổi ý định tốt đẹp ban đầu, khi họ có được văn bản đề nghị ủng hộ của nhà trường với các cấp chính quyền để mua bán đất và cả khi giá đất lên. TS Lê Tuệ, Hiệu trưởng nhà trường bức xúc: "Không chỉ là việc giá đất lên họ rút lại ý định muốn đầu tư, mà có khi chỉ mượn việc nhà trường ủng hộ ban đầu để dùng chiêu bài đó xin làm thủ tục giấy tờ phục vụ việc quy hoạch đất cho giáo dục, nhưng khi nhắm mua được thì họ tìm cách chuyển đổi mục đích sử dụng khác". Vụ việc vẫn chưa biết đến đâu, nhưng trường vẫn thiếu chỗ học và ao rau muống vẫn trồng rau muống!

Đền bù giải tỏa - bài toán đau đầu

Trường CĐ Bách Việt có 2 hec-ta đất tại huyện Nhà Bè đã phải mất cả năm trời tập trung vào việc đền bù giải tỏa mới xong. Dân không chấp nhận giá đền bù của Nhà nước, vì thế trường phải tự thỏa thuận với dân nhiều mức giá khác nhau, có hộ gia đình phải vận động vài tháng mới xong. Theo dự định ban đầu, năm 2008 trường sẽ hoàn thành khu trường học - ký túc xá - chung cư cho giáo viên nhưng đến nay vẫn còn quá nhiều vướng mắc.

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng trường ĐH Hồng Bàng chia sẻ: "Quả thực không đơn giản để lấy đất. Trường chúng tôi được cấp 15 hec-ta bên cạnh 2 trường ĐH Kinh tế tài chính và ĐH Sư phạm TDTT T.Ư2. Chính quyền khu Nam SG rất nhiệt tình hỗ trợ, chỉ khó nhất là tiếp xúc đàm phán với dân. Nhiều trường đã treo bảng tên nhưng chưa thể tiếp xúc với dân".

Còn "vô vàn khổ ải" nữa mà các trường phải vượt qua như: vốn, thủ tục ra giấy hồng (trường Bách Việt bắt đầu xin từ năm 2003 đến 2006 mới xong), xin giấy phép xây dựng... mà nếu không quyết liệt và táo bạo thì không thể làm nổi. Các trường cho biết, vốn kích cầu vẫn  "chưa ăn thua", hơn nữa để vay được phải mất rất nhiều thời gian, phải có tài sản thế chấp, có dự án khả thi...

Theo Nghị quyết số 10/2007/NQ-CP về việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006 - 2010) của TP.HCM, hiện trạng đất dành cho giáo dục TP.HCM năm 2005 là 942 ha, đến năm 2010 là 2.575 ha. Quy hoạch chủ yếu ởã Q.8, Q.Bình Chánh, Củ Chi, Q.9, Nhà Bè, Q.2. Như vậy quỹ đất thì đã có, nhưng thực tế thì...

Nên chăng, Nhà nước đầu tư vào các trường ngoài công lập dưới hình thức "góp vốn bằng đất" - như một phần vốn cố định để xây dựng trường dân lập chứ không phải "cấp đất". Như thế, các trường không phải đi xin và Nhà nước sẽ hưởng lãi theo kết quả hoạt động của trường. Hoặc nếu thực hiện chủ trương cấp đất thì Nhà nước sẽ thu hồi đất cho mục đích công cộng và góp đất vào xây dựng trường. Khi đó, Nhà nước sẽ thu hồi vốn đầu tư này trong khoảng thời gian dài, chẳng hạn là 20 năm. Từ kết quả hoạt động của mình, hằng năm các trường sẽ trả dần tiền đất như là nghĩa vụ tài chính. Sử dụng quỹ đất cho trường công lập như là một sự bao cấp, còn cho trường ngoài công lập như một khoản đầu tư. Được như vậy, các trường ngoài công lập mới mong có đất và hơn nữa, có đất đủ rộng để xây dựng mặt bằng đạt chuẩn của một trường đại học.

Bà Hoàng Thị Hồng Hải, Trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Phú (TP.HCM): Nên đền bù theo giá thị trường

Thực tế, tất cả các quận huyện đều gặp khó khăn trong quy hoạch mạng lưới trường học nên số lượng trường đạt chuẩn quốc gia của TP.HCM thấp hơn so với các tỉnh thành khác rất nhiều.

Có những địa phương không có đất công hoặc còn rất ít thì phải chú trọng quy hoạch, di dời các đơn vị sản xuất ô nhiễm không được phép hoạt động trong nội thành, khu dân cư; nhà xưởng, kho hàng sử dụng lãng phí không đúng mục đích, mua lại đất của dân... Tuy nhiên vấn đề khó khăn chính ở chỗ giá đất đền bù, nếu đền bù theo giá nhà nước thì không đơn vị và cá nhân nào chấp nhận. Nên chăng chúng ta quy hoạch đất xây trường học theo cách quy hoạch lộ giới đường, tức là đền bù đúng giá thị trường. Có như vậy mới mua lại được đất. Ngoài ra những dự án chung cư với hàng ngàn căn hộ, tăng số lượng học sinh tại khu vực đó phải bắt buộc chủ đầu tư phải xây trường học trong khuôn viên hoặc ở vị trí khác trong quận để đáp ứng nhu cầu cho trẻ đến trường.

 Hiện nay, Q.Tân Phú đã hoàn thành và được TP duyệt quy hoạch mạng lưới trường học theo 2 giai đoạn 2010 và 2020. Tuy nhiên, đến năm 2010 mạng lưới trường học cũng chưa thể đáp ứng được nhu cầu trường lớp học 2 buổi/ngày.

Bích Thanh (ghi))

 Mỹ Quyên - Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.