Phát hiện nhiều sai sót trong Chương trình 135

30/10/2008 23:45 GMT+7

Hôm qua (30.10), tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo công bố kết quả kiểm toán Chương trình 135.

Theo đó, hàng loạt những thiếu sót, bất cập cả về chính sách lẫn trong thực tiễn đã được chỉ ra. Cơ quan Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tiến hành kiểm toán Chương trình 135 (chương trình phát triển kinh tế- xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi) giai đoạn II, triển khai năm 2007, tại Yên Bái, Phú Thọ, Sơn La, Hòa Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Kon Tum, Long An, Trà Vinh.

Trong báo cáo tóm tắt kết quả kiểm toán, ông Lê Minh Khái, Phó tổng KTNN đã chỉ ra rằng, hầu hết các địa phương chưa xây dựng được quy chế hoặc cam kết về quản lý tài sản hình thành từ chương trình cho các nhóm hộ dân được thụ hưởng. Điều này là nguyên nhân dẫn đến việc quản lý và sử dụng vốn còn nhiều bất cập, khiến dự án ở một số nơi không phát huy hiệu quả. Cụ thể: Tỷ lệ bò, dê chết với tỷ lệ cao 20-33,3% (ở tỉnh Kon Tum); trồng chuối sai thời vụ gây thiệt hại (tỉnh Phú Thọ). Cũng theo cơ quan kiểm toán, nhiều công trình hoàn thành bàn giao từ năm 2005, 2006 nhưng đến thời điểm kiểm toán (năm 2007) vẫn chưa đưa vào sử dụng nên có nhiều hạng mục bị xuống cấp, hư hỏng gây lãng phí vốn đầu tư.

KTNN cũng kiến nghị cơ quan chức năng kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tổ chức để xảy ra các sai phạm như ở huyện Mộc Châu (Sơn La) cán bộ phụ trách triển khai chương trình đã nghiệm thu trước khối lượng tại các công trình, thực hiện giám sát khi chưa đủ năng lực. Ở huyện Văn Chấn (Yên Bái) có tình trạng bán vật tư đầu tư cho Chương trình 135, quyết toán kinh phí vượt so với thực tế thực hiện... Huyện Thanh Sơn và Yên Lập (tỉnh Phú Thọ) có tình trạng giữ lại tiền của dân, lập chứng từ quyết toán không phù hợp với thực tế phát sinh...

Tuy nhiên, KTNN cũng đánh giá các công trình đầu tư về giao thông, thủy lợi của Chương trình 135 giai đoạn II năm 2007 đã góp phần giảm khó khăn trong việc đi lại, nước sinh hoạt và nước tưới trong nông nghiệp cho người dân. 97% trong tổng số 2.083 người dân của 10 tỉnh được phỏng vấn cho rằng nên kéo dài thời gian thực hiện chương trình.

Tổng kinh phí được duyệt cho Chương trình 135 giai đoạn II (2006-2010) là 16.000 tỉ đồng. Riêng năm 2007 đã giải ngân 1.498 tỉ đồng.

Thanh Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.