Nghi vấn quanh cái chết của bà Bhutto

30/12/2007 00:53 GMT+7

Pakistan tiếp tục đối mặt với bất ổn và chia rẽ sau khi chính phủ đưa ra những lời giải thích gây tranh cãi về cái chết của cựu Thủ tướng Benazir Bhutto.

Che giấu sự thật?

Theo Hãng tin AP, Chính phủ Pakistan hôm qua ra thông cáo tái khẳng định tuyên bố mà họ đưa ra  trước đó một ngày rằng bà Bhutto thủ lĩnh của đảng Nhân dân Pakistan (PPP) thiệt mạng không phải do bị bắn chết hoặc do trúng mảnh đạn từ vụ nổ, mà là do bị nứt sọ khi đụng đầu vào cửa sổ trên mui xe lúc cúi hụp xuống trong vụ nổ. Phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Pakistan Javed Cheema nói rằng 3 phát đạn bắn ra đều không trúng Bhutto khi bà vẫy chào những người ủng hộ qua cửa sổ trên mui chiếc xe - vốn được thiết kế chống đạn và chống bom. Ông Cheema nói rằng bà Bhutto có thể không chết nếu bà ngồi trong xe. Ông cũng buộc tội al-Qaeda thực hiện vụ ám sát khi cho biết cơ quan tình báo của nước này đã chặn được một cuộc gọi của Baitullah Mehsud, được coi là thủ lĩnh của al-Qaeda ở Pakistan, đưa ra những lời chúc mừng sau vụ ám sát. "Đó là một hành động tuyệt vời. Họ là những chàng trai can đảm vì đã giết bà ta" - lời được cho là do Mehsud nói trong đoạn băng mà tình báo Pakistan thu được.

Tuy nhiên, đảng PPP hôm qua đã bác bỏ lời giải thích của chính phủ. Họ cho rằng đó là "những lời nói dối" và buộc tội chính phủ che giấu sự thật. Phát ngôn viên của bà Bhutto, Sherry Rehman - người đã tắm cho bà trước khi chôn cất - nói với Hãng tin AFP: "Có một vết thương  lớn do đạn bắn từ phía sau ót và xuyên ra phía trước". Luật sư của bà Bhutto và là một quan chức cao cấp của PPP Farooq Naik cũng chỉ trích chính phủ: "Đây là lời nói càn nực cười và nguy hiểm bởi nó che giấu điều thực sự xảy ra" và cho biết bà Bhutto trúng viên đạn thứ hai ở bụng. Bà Bhutto từng chỉ trích mạnh mẽ các tay súng có liên quan đến al-Qaeda, vốn bị buộc tội thực hiện nhiều vụ đánh bom ở Pakistan, và đã nhận được không ít lời hăm dọa. Bà cũng buộc tội các phần tử thuộc cơ quan tình báo Pakistan dính líu vào âm mưu áám sáát bà bất thành hồi tháng 10.

Maulana Omar, phát ngôn viên của thủ lĩnh Baitullah Mehsud, cũng đã lên tiếng bác bỏ sự dính líu vào vụ ám sát bà Bhutto hôm 27.12. "Đây là một âm mưu của chính phủ, quân đội và các cơ quan tình báo", Omar phát biểu qua điện thoại từ một địa điểm bí mật ở Waziristan, nơi nhiều thủ lĩnh al-Qaeda đang ẩn náu.

Hành động đáng ngờ của chính quyền

Một cuộc điều tra độc lập quốc tế về cái chết của bà Bhutto cũng là yêu cầu được ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Mỹ Hillary Clinton đưa ra hôm 28.12. Bà cũng chỉ trích ông Musharraf vừa thất bại trong việc đưa Pakistan trở lại dân chủ, vừa không trấn áp được al-Qaeda và Taliban. Tuyên bố của bà được đưa ra giữa lúc có nhiều phê phán nhằm vào ông Musharraf và chính sách của Mỹ với Pakistan, một đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố.

Truyền hình Pakistan hôm qua đưa tin Tổng thống Pervez Musharraf đã gọi điện cho ông Asif Ali Zardari, chồng của bà Bhutto và hứa rằng sẽ đưa những kẻ giết hại bà ra trước công lý. Cảnh sát Pakistan đã đến hiện trường vụ ám sát để tìm manh mối. Thế nhưng, bên cạnh đó chính phủ Pakistan lại có những hành động gây nghi ngờ và vì vậy càng khiến những "cáo buộc ngược" nói trên của PPP và cả al-Qaeda càng có sức thuyết phục hơn.

Theo AP, hôm 27.12, chính quyền cho biết bà Bhutto chết vì bị thương do trúng đạn của một thanh niên và tên này sau đó nổ bom tự sát. Sáng 28.12, một bác sĩ chữa trị cho bà Bhutto lại cho biết bà tử vong do trúng mảnh bom ở sọ. Tuy nhiên, tối cùng ngày, ông Cheema, phát ngôn viên của Bộ Nội vụ, cho biết cả hai thông tin trên đều không chính xác. Đó là sự nghi ngờ thứ nhất nhằm vào chính quyền Pakistan.

Sự nghi ngờ khác đến từ việc nhà chức trách Pakistan không thực hiện khám nghiệm tử thi đối với bà Bhutto mà chỉ tiến hành kiểm tra từ bên ngoài. Ông Cheema cho biết chồng bà Bhutto không cho chính quyền Pakistan mổ xác bà để tránh mạo phạm. Tuy nhiên, chính ông Zardari sau đó phát biểu với Hãng tin PTI (Ấn Độ) rằng gia đình ông phản đối việc khám nghiệm tử thi vì nghĩ rằng hành động đó đã quá muộn. Ông cũng chỉ trích chính phủ chơi trò đùn đẩy trách nhiệm và can dự vào một cuộc tranh luận mà ông cho là ngu xuẩn. Ông cũng kêu gọi một cuộc điều tra do một cơ quan quốc tế như Scotland Yard (cảnh sát Anh) tiến hành. Tuy nhiên, hôm qua ông Cheema tuyên bố không cần nước ngoài hỗ trợ điều tra.

Nỗ lực cứu vãn tình hình

Chính phủ Mỹ đang liên hệ với các đảng phái chính trị Pakistan và các đồng minh nhằm cứu vãn tình hình Pakistan sau vụ ám sát bà Bhutto. Giới chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ đã trao đổi với Anh, Canada, Pháp... về việc tiếp tục thúc đẩy con đường dân chủ ở Pakistan. Các nhà ngoại giao Mỹ cũng đã liên lạc với đại diện của PPP, các đảng ủng hộ ông Musharraf và cựu thủ tướng Nawaz Sharif.

Mỹ vẫn muốn Pakistan xúc tiến bầu cử đúng kế hoạch nhưng theo Hãng tin BBC, nếu xét đến những vụ bạo lực kể từ sau khi bà Bhutto bị ám sát (đã có 38 người chết, 53 người bị thương, hàng ngàn tòa nhà bị đốt phá...), cuộc bầu cử khó có khả năng diễn ra vào 8.1.2008 như đã định. Ủy ban bầu cử Pakistan hôm qua thừa nhận tình trạng bất ổn hiện nay ở Pakistan đã ảnh hưởng đến công tác bầu cử và họ sẽ họp bàn vấn đề này vào ngày mai. Khả năng hoãn bầu cử cũng sẽ được bàn đến. Cũng trong ngày mai, đảng PPP của bà Bhutto sẽ nhóm họp để quyết định có nên kêu gọi hoãn bầu cử hay không.

Hôm qua, một ngày sau khi bà Bhutto được đưa về nơi an nghỉ cuối cùng, chính quyền đã cho triển khai binh lính ở Karachi và nhiều nơi khác ở tỉnh Sindh để ngăn chặn bạo động. Dù Tổng thống Musharraf đã ra lệnh mạnh tay với những người gây bạo động nhưng các vụ phản đối, cướp bóc, đốt phá vẫn diễn ra nhiều nơi.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.