Tượng đài ẩn số chưa có lời giải

30/12/2008 23:43 GMT+7

Đó là tinh thần của các ý kiến trong cuộc hội thảo mang tên Điêu khắc ngoài trời trong thời kỳ hội nhập và phát triển do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 29.12 tại Hà Nội.

Thống kê được đã là đáng mừng

Theo lời đề dẫn do nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh trình bày, cả nước hiện có 361 tượng đài, nhiều nhất có TP.HCM: 23 công trình, Hà Nội: 20 công trình. Có 5 tỉnh không có tượng đài, 3 tỉnh chỉ có một tượng đài. Theo nhà phê bình Lê Quốc Bảo, chỉ riêng việc thống kê được trong cả nước có bao nhiêu tượng đài đã là một điều rất đáng mừng!

Nhà phê bình Phạm Trung cho rằng dù chỉ có hơn 360 tượng đài. Nhưng dư luận lâu nay nói hàng nghìn cũng có lý do. Là vì cái nào cũng gần giống cái nào, nên ít mà hóa nhiều! Tuy nhiên, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam trấn an rằng việc cảnh báo về thực trạng tượng đài còn chưa muộn. Chúng ta vẫn có thể dỡ ra làm lại như ở Thượng Hải (Trung Quốc), TP này đã phá bỏ 70% tượng đài để làm mới.

Cũng theo lời đề dẫn, Việt Nam từng tổ chức 13 trại điêu khắc ngoài trời, công bố 400 tác phẩm. Song theo nhà điêu khắc Nguyễn Hiền (Thừa Thiên-Huế), con số tương ứng phải là 18 và 500. Ý kiến này được nhà phê bình Phạm Trung nhất trí và cho rằng số liệu ban tổ chức công bố là của năm 2006! Không khó để tìm lý do của sự sai lệch này: từ trước đến nay, chúng ta chưa có quy chế về tổ chức trại sáng tác điêu khắc nên các trại kiểu này chưa được quy về một mối, dẫn đến tình trạng mạnh gạo thì điêu, nhiều tiền thì khắc, khiến cơ quan tổng hợp gặp khó khăn.

Tác giả chỉ là "người làm thuê"?

Nhà điêu khắc Đào Châu Hải đặt vấn đề, điêu khắc là một chuyên ngành nghệ thuật gắn liền với văn hóa, kiến trúc, cảnh quan, môi trường nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức. Theo ông Hải, người làm điêu khắc phải có giấy phép hành nghề chuyên nghiệp chứ không chỉ là bằng cấp. Tuy nhiên, gần như 100% đều chưa có chứng chỉ này.

Dưới góc độ các hội đồng thẩm định, cơ cấu thành phần là việc rất quan trọng, nhưng lâu nay, các hội đồng chủ yếu do chủ đầu tư mời mà không có vai trò của cơ quan quản lý thống nhất. Về vai trò của tác giả, ông Hải cho rằng nhà điêu khắc trong nhiều trường hợp chỉ là "người làm thuê" cho chủ đầu tư. Có khi còn phải thực hiện những chỉ đạo chẳng hạn công nông binh phải cầm búa, liềm, súng như thế nào, trí thức phải đeo kính ra sao.

Như để bổ sung cho nhận xét này, nhà phê bình Nguyễn Đỗ Bảo lấy ví dụ tượng đài Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh ở phố Hàng Dầu trước cổng đền Ngọc Sơn: Ban đầu tượng chỉ có hai nhân vật, một chiến sĩ cầm súng, một thiếu nữ áo dài cầm gươm. Nhưng sau đó, lãnh đạo thành phố đặt vấn đề về vai trò của người công nhân lao động Hà Nội. Thế là có thêm người công nhân quỳ gối cầm khẩu súng trường bên trái một cách gượng gạo.

Chưa được quan tâm

Trong bản tham luận Điêu khắc ngoài trời, một ẩn số chưa có lời giải, nhà phê bình Lê Quốc Bảo cho biết, ông rất băn khoăn vì không thấy Hà Nội hay TP.HCM có chỗ cho tượng đài. TP Hà Nội tuyên bố sẽ xây tượng chiến thắng Nguyên Mông, nhưng đặt ở đâu thì chưa biết. Ông Bảo kể: một lần cùng học trò tắm biển ở Quy Nhơn, nhìn lên thì thấy một tượng đài chiến thắng! May sao, gần đây TP này đã dẹp cái bãi tắm để giữ sự trang trọng của không gian tượng đài.

Quyết liệt hơn, nhà phê bình Nguyễn Đỗ Bảo cho rằng chúng ta chưa hề có quy hoạch về tượng đài trong cả nước. Tượng đài vì thế chưa được quan tâm mà tùy thuộc vào túi tiền của địa phương, nơi nào có kinh phí nhiều thì làm nhiều, làm to và ngược lại.

Bà Bùi Như Hương, nhà phê bình mỹ thuật thì nêu vấn đề ở một khía cạnh khác: cách đây 3 năm, Viện Mỹ thuật cũng đã có một hội thảo tương tự nhưng không đi đến đâu và hy vọng rằng cuộc hội thảo này sẽ không rơi vào quên lãng.

Lưu Quang Phổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.