Huy động toàn lực ngăn chặn dịch cúm gia cầm

05/11/2005 00:38 GMT+7

Ngày 4.11, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 15/2005/NQ-CP về các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm H5N1 và đại dịch cúm A H5N1 ở người. Bản nghị quyết nêu rõ: từ cuối năm 2003 đến nay, tại nhiều nước và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam đã xuất hiện dịch cúm gia cầm H5N1.

Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), toàn cầu đang đứng trước nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm A H5N1 ở người. Hiện nay chưa có vắc-xin và thuốc đặc hiệu đề phòng cúm A H5N1 ở người, còn thuốc kháng vi-rút Tamiflu để điều trị và dự phòng cúm A (H5N1) chưa được xác định rõ ràng, sử dụng theo chỉ định của bác sĩ; chưa được sản xuất ở nước ta; giá đắt, nhu cầu sử dụng lớn và việc cung cấp có nhiều khó khăn. Đại dịch có nguy cơ xảy ra nếu mọi người không chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch của ngành y tế và ngành thú y. Chính phủ chỉ đạo thực hiện khẩn cấp một số nhiệm vụ cấp bách sau: 1. Thông qua Kế hoạch hành động khẩn cấp khi xảy ra dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế phối hợp với các bộ ngành liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên chính phủ, bổ sung, hoàn chỉnh trong đó lưu ý thêm một số nội dung về: kinh phí, dự trữ trang thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất... quy định trách nhiệm và sự phối hợp của các bộ ngành, địa phương để triển khai thực hiện. 2. Căn cứ vào kế hoạch hành động khẩn cấp, các bộ ngành, UBND các cấp, cơ quan, đơn vị phải khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động cụ thể của mình để triển khai thực hiện. Việc này phải được coi là nhiệm vụ đột xuất, cấp bách của các cấp ủy đảng, chính quyền, trách nhiệm của mỗi người dân và phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện. 3. Chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết và huy động toàn lực đề phòng, chống dịch cúm A H5N1 ở người. Bộ Y tế, các bộ ngành liên quan, các địa phương chỉ đạo tất cả các đơn vị, cơ sở y tế từ T.Ư (kể cả lực lượng quân đội, công an) đến tỉnh thành, huyện, xã phải chủ động, chuẩn bị lực lượng và phương tiện chuyên môn, có biện pháp phòng, chống cụ thể. Đối với các bệnh viện tuyến tỉnh, tất cả các khoa lây đều phải chuẩn bị giường bệnh, cơ sở điều trị cúm, máy móc, trang thiết bị, thuốc. Đối với hệ thống y tế dự phòng, các viện vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur T.Ư chuẩn bị diễn tập, dự trữ cơ số thuốc cúm, vật tư, hóa chất chống dịch, tổ chức các đội lưu động, đề phòng khi đại dịch xảy ra. Các trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh phải thực hiện tốt việc phát hiện sớm, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch, có kế hoạch để điều hành các hoạt động khi phát hiện có ca bệnh đầu tiên từ cơ sở. 4. Kiên quyết xóa bỏ mầm bệnh, khống chế, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên gia cầm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, UBND các tỉnh thành và bộ ngành có liên quan tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo và thực hiện kịp thời các biện pháp phòng chống đã được Chính phủ thông qua, trong đó tập trung chỉ đạo kiên quyết, đồng bộ các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêm phòng vắc xin và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật về thú y. Nghiêm cấm việc chế biến và bán tiết canh gia súc, gia cầm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm; Tạm dừng nhập khẩu gia cầm (kể cả chim cảnh), sản phẩm gia cầm tươi sống và lông vũ chưa qua xử lý hóa chất. Nếu phát hiện gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu thì tịch thu, tiêu hủy và xử lý nghiêm khắc đối với chủ hàng; Thường xuyên cập nhật thông tin diễn biến về dịch cúm gia cầm và dịch cúm A H5N1 ở người trên thế giới, hợp tác và tranh thủ sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học nước ngoài nhằm ngăn chặn không để dịch xảy ra và dập dịch có hiệu quả nếu xảy ra dịch...

(TTXVN)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.