Nối dài sự sống

28/11/2010 09:38 GMT+7

Đa số người xin hiến xác đều thanh thản với việc trao gửi thân thể mình cho mục đích nghiên cứu khoa học. Họ hy vọng sự sống của con người sẽ ngày càng kéo dài và sau khi hiến xác, họ cũng được nối dài sự sống.

Cách đây gần 3 tháng, Trường ĐH Y Hà Nội tổ chức tri ân những người đã và sẽ dự định hiến xác cho Bộ môn Giải phẫu làm phương tiện nghiên cứu, giảng dạy. Lễ tri ân được tổ chức một phần còn nhằm để dư luận quan tâm, chú ý hơn tới lĩnh vực hiện đang khủng hoảng vì thiếu phương tiện nghiên cứu này.

Ngày càng hiếm
 
Việc không đủ tử thi để thực hành gây nhiều khó khăn trong công tác nghiên cứu, thực hành ở Bộ môn Giải phẫu, nếu kéo dài có thể gây ảnh hưởng tới chất lượng giảng dạy ở môn y học cơ sở quan trọng này. “Trước đây, khi chưa có hành lang pháp lý quy định cách xử lý những tử thi vô thừa nhận, Viện Giải phẫu ĐH Y Hà Nội có thể dùng những xác ấy. Tuy nhiên, hiện tất cả đều phụ thuộc vào sự tình nguyện của những người hiến thi thể mình do nguồn xác vô thừa nhận giờ gần như không còn”- PGS-TS Nguyễn Văn Huy, Trưởng Bộ môn Giải phẫu, lo lắng.
 
Mỗi năm, trung bình các giảng viên dạy thực hành trên 8 xác hiến trong khi nguồn cung ngày càng ít dần. Với quan niệm Á Đông, động chạm đến người sau khi chết là tối kỵ, nói gì đến việc để người ta mổ xẻ. Quan niệm này cản trở lớn đến việc hiến xác. Nhiều người xin hiến xác nhưng thân nhân lại ngăn cản vì sợ sẽ không bao giờ gặp lại người thân nữa. “Vào các ngày rằm, mùng một, nhiều gia đình có thân nhân hiến xác thường đến viện thắp hương, “trò chuyện” với người thân. Chúng tôi luôn chào đón họ”- thạc sĩ Nguyễn Văn Nghĩa, giảng viên Bộ môn Giải phẫu, cho biết.
 
Theo thạc sĩ Nghĩa, những tử thi đã được phẫu tích xong có hai hướng xử lý: Viện Giải phẫu sẽ chế ra bộ xương làm dụng cụ học tập cho sinh viên; nếu gia đình không đồng ý thì hỏa táng. Trong Viện Giải phẫu có phòng tang lễ và tưởng niệm để tổ chức lễ cầu siêu cho người hiến xác và một bàn thờ chung dành cho họ. Cứ đến ngày rằm, mùng một, giảng viên, kỹ thuật viên, nhân viên của viện thường tới thắp hương tưởng niệm người đã khuất.
 
“Họ đã gửi gắm thi thể của mình cho khoa học, giúp chúng tôi có phương tiện học tập, nghiên cứu. Tri ân họ là việc đương nhiên, cần phải làm”- thạc sĩ Nghĩa nhận xét.
 
Những lá thư day dứt
 
Mười năm nay, Bộ môn Giải phẫu ĐH Y Hà Nội nhận được gần 300 đơn, thư bày tỏ nguyện vọng hiến xác và hiện đã tiếp nhận 10 thi thể. Những lá đơn, thư xin hiến xác có cả nam lẫn nữ, trẻ lẫn già. Đa số người xin hiến xác đều thanh thản với việc trao gửi thân thể mình cho mục đích nghiên cứu khoa học song cũng không ít người có nhiều tâm trạng.
 
PGS-TS Nguyễn Văn Huy cho biết hầu như tuần nào ông cũng nhận được vài lá thư bày tỏ nguyện vọng hiến xác. Trong đó, có một lá thư cứ làm ông suy nghĩ và day dứt mãi. “Một phụ nữ quê Nam Định tâm sự rằng chồng bà mất cách đây vài năm và giờ bà không có nơi nào nương tựa. Hằng tháng, bà chỉ nhận khoản lương hưu ít ỏi. Bà có 2 con nhưng đều đã lập gia đình và bỏ mặc mẹ. Người phụ nữ cho biết bà đã rơi vào tình trạng bế tắc, trầm uất trước khi viết thư xin hiến xác” – PGS-TS Huy nhớ lại.
 
Không ít người rơi vào hoàn cảnh cô đơn, thậm chí không ai chôn cất khi chẳng may có mệnh hệ gì nên đành gửi gắm cả thể xác và linh hồn cho khoa học. “Tôi trả lời tất cả những người xin hiến xác nhưng không phải nhận được đơn, thư nào cũng vui mừng. Có khi nhận đơn rồi mà lòng mình vẫn nặng trĩu nhiều ngày sau đó”- ông Nghĩa tâm sự. Với người đàn bà bất hạnh nêu trên, ông hồi đáp: “Chúng tôi không mong bà chết đi để có xác mà mong bà sớm sống hòa thuận với con cái và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống”.
 
Để lại chút gì cho đời
 
Tại lễ tri ân những người hiến xác, chúng tôi gặp một đôi vợ chồng trung niên đến bên thi thể một người còn rất trẻ. Họ đứng lặng hồi lâu rồi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về Nguyễn Quang Duy, con trai duy nhất của gia đình. “Chúng tôi tự hào về Duy, vẫn thấy con trai mình như đang còn đi học xa nhà” - bà Đào Thị Hương, mẹ Duy, nghẹn ngào. Bà Hương nhớ lại: “Những ngày điều trị ung thư máu tại bệnh viện, khi biết không thể qua khỏi, Duy đã bàn với chị gái: “Em sẽ hiến thi hài để giúp các sinh viên học tập, nghiên cứu chữa bệnh”. Khi Duy mất đi, gia đình tôn trọng nguyện vọng của cháu”. 
 
Nguyễn Quang Duy vốn học rất giỏi, là du học sinh tại Mỹ ngành công nghệ thông tin. Trước khi hiến thi thể cho khoa học, Duy thường đến thăm Viện Giải phẫu để tìm hiểu xem quyết định của mình có ý nghĩa như thế nào. Giờ thì Duy đã hiện diện mỗi ngày trong từng tiết thực hành của sinh viên khóa đầu tiên Trường ĐH Y Hà Nội. “Vóc dáng anh ấy khá chuẩn, sinh viên tụi em thực hành rất dễ hiểu”- Hùng, sinh viên hệ bác sĩ đa khoa, nhận xét.
 
Cũng trong lễ tri ân này, chúng tôi còn gặp Nguyễn Thị Minh Trang, người có cha đã tình nguyện hiến thi thể. “Em rất tự hào về nghĩa cử của bố. Trước khi mất, bố đã nhiều lần tìm đến Viện Giải phẫu. Dường như hiểu được ý nghĩa của việc mình sẽ làm nên bố đã quyết định đem thi thể mình hiến cho khoa học. Bố hy vọng qua nghiên cứu những người đã chết, khoa học sẽ tìm cách kéo dài tuổi thọ của người sống. Và như vậy, những người đã hiến xác như bố dường cũng được kéo dài sự sống” .
 
Vâng, những người hiến xác cho khoa học đều tin rằng sự sống của họ sẽ được “nối dài” sau khi đã trở về thế giới bên kia. 
 

Chết nhưng sẽ rất vui!
 
Dài thì hàng chục trang, ngắn chỉ chưa đầy trang giấy nhưng những đơn, thư xin hiến xác giống nhau ở chỗ người viết đều bày tỏ nguyện vọng ký thác thứ duy nhất có ích, có ý nghĩa còn lại sau khi chết của họ cho khoa học.
 
Trong một lá thư, một thanh niên nêu rõ chiều cao, cân nặng và cả đôi mắt cận thị của mình rồi lo lắng: “Viện có nhận xác cháu không? Nhận được thư này, nếu không may cháu bị sao, cô chú cứ thấy bộ phận nào trong cơ thể cháu còn dùng được thì lấy cho người khác. Dù chết đi nhưng cháu sẽ rất vui khi biết mình làm được việc có ích...”.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.