Ngân hàng 'ế' ngoại tệ

07/12/2013 09:00 GMT+7

Ngược với mọi năm, tín dụng ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng năm nay giảm mạnh ngay trong mùa cao điểm, dẫn đến tình trạng "ế" ngoại tệ đang diễn ra ở nhiều ngân hàng.

Ngược với mọi năm, tín dụng ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng năm nay giảm mạnh ngay trong mùa cao điểm, dẫn đến tình trạng "ế" ngoại tệ đang diễn ra ở nhiều ngân hàng.

 Ngân hàng 'ế' ngoại tệ
Dư nợ cho vay bằng ngoại tệ của hệ thống NH đang giảm trong khi thời điểm này các năm trước tăng mạnh - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thông thường vào cuối năm, nhu cầu vay ngoại tệ trong ngân hàng (NH) gia tăng khá mạnh bởi đây là thời điểm các doanh nghiệp (DN) xuất - nhập khẩu đẩy mạnh việc mua nguyên liệu, hàng hóa. Thế nhưng, tình hình năm nay hoàn toàn ngược lại. Dù chỉ còn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, DN vẫn khá thờ ơ với việc vay vốn ngoại tệ. Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), cho biết: “Dư nợ cho vay bằng ngoại tệ của Sacombank hiện giảm khoảng 30% so với đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu là quy định hạn chế DN vay ngoại tệ do NHNN ban hành hồi đầu năm (DN phải có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ mới được vay - PV)”. Tình hình cho vay ngoại tệ của các NH khác cũng tương tự. Ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc phụ trách nghiệp vụ toàn cầu, kinh doanh vốn và ngoại hối NH HSBC VN, nhìn nhận nhu cầu vay vốn của DN năm 2013 còn yếu nên vay vốn ngoại tệ suy giảm. Ngoài ra, do lãi vay vốn VND đã giảm mạnh trong năm nên nhiều khách hàng chuyển qua vay VND thay vì vay USD để tránh rủi ro tỷ giá. Thực tế hiện nay, một số NH đang chào cho vay ngoại tệ với lãi suất (LS) 3 - 7%/năm kỳ hạn ngắn, trong khi LS vay tiền đồng ở mức 6 - 8,5%/năm. LS vay không chênh lệch nhiều, trong khi tỷ giá được cho rằng có thể tăng tối đa 2% đến cuối năm nên DN có tâm lý e ngại vay USD.

 

Lúc khó khăn, sức tiêu thụ chưa được cải thiện thì dù lãi suất có giảm, bản thân doanh nghiệp vẫn sẽ thắt lưng buộc bụng và phải tính toán để giảm vốn vay đến mức tối thiểu

Một DN chế biến gỗ tại Bình Dương

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết trong 10 tháng đầu năm 2013, cho vay ngoại tệ của các NH trên địa bàn TP.HCM giảm tới 20,57%. Lý do là đối tượng DN được vay ngoại tệ bị thu hẹp. Dư nợ tín dụng ngoại tệ giảm nên nhu cầu mua ngoại tệ của DN khi đến hạn thanh toán cũng giảm khoảng 30%.

Trước nhu cầu vay ngoại tệ của DN giảm mạnh, nhiều chuyên gia dự báo mức LS huy động USD của các NH có thể giảm về mức 0%/năm, quan hệ huy động - cho vay trong NH nhanh chóng sẽ chuyển sang mua - bán ngoại tệ. Hiện LS huy động USD của các NH là 0,25%/năm đối với tổ chức và 1,25%/năm đối với cá nhân. Theo quy định, các NH được phép chuyển đổi nguồn vốn ngoại tệ sang tiền đồng với tỷ lệ 20% vốn tự có để cho vay.

Doanh nghiệp không dám mạo hiểm

Một lý do quan trọng khác dẫn đến tín dụng ngoại tệ giảm mạnh là "sức khỏe" của các DN làm hàng hóa xuất khẩu vẫn ngày càng yếu đi. Dịp cuối năm là thời điểm các công ty sản xuất sắt thép chuẩn bị hàng cho mùa cao điểm xây dựng vào sau Tết m lịch. Theo ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt, với chu kỳ sản xuất và tiêu thụ bình thường thì ngay từ đầu tháng 12 các công ty phải tăng cường nhập khẩu nguyên liệu để có sản phẩm gối đầu khoảng 4 tháng. Thời điểm này những năm trước, Thép Việt nói riêng và các công ty trong ngành nói chung gặp nhiều khó khăn trong việc vay ngoại tệ nhập hàng; trong khi năm nay họ khá nhàn vì “dự báo sức tiêu thụ sản phẩm sắt thép, vật liệu xây dựng trong năm 2014 vẫn không có gì khả quan hơn so với năm nay”. Việc chuẩn bị nguyên liệu vì thế cũng chỉ ở mức độ trung bình. “Mức tiêu thụ của chúng tôi không bị giảm nhiều nhưng phải giảm mạnh lượng hàng tồn kho để giảm chi phí nên nguyên vật liệu nhập khẩu cũng phải giảm nhiều. Do đó nhu cầu vay USD cũng giảm khoảng 30% so với những năm trước. Năm 2014, thị trường xây dựng chắc cũng chưa thể khởi sắc trở lại nên DN không thể mạo hiểm để hàng tồn kho cao”, ông Thái nói.

Theo ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty CP giấy Sài Gòn, hiện thị trường chưa có dấu hiệu nào cho thấy mức tiêu thụ tăng lên vào cuối năm. Bên cạnh đó, trong thời buổi thắt chặt chi phí nên DN cũng hạn chế tỷ lệ hàng tồn kho mà chỉ sản xuất theo số lượng hàng bán ra được. Vì vậy, nhu cầu vay vốn, cả USD lẫn tiền đồng, để nhập khẩu nguyên vật liệu đều giảm đi so với những năm trước đây. Đại diện một DN chế biến gỗ tại Bình Dương cũng cho biết khi kinh tế phát triển, hàng bán nhiều thì DN sẽ mạnh dạn đi vay tiền để sản xuất. “Còn lúc khó khăn, sức tiêu thụ chưa được cải thiện thì dù LS có giảm, bản thân DN vẫn sẽ thắt lưng buộc bụng và phải tính toán để giảm vốn vay đến mức tối thiểu. Đặc biệt, khi dự báo việc điều chỉnh tỷ giá USD của NHNN có thể diễn ra trong thời gian tới thì DN càng hạn chế việc vay USD vào thời điểm này để tránh rủi ro tỷ giá”, doanh nhân này nói.

NHNN khẳng định không điều chỉnh tỷ giá

Trái với thực trạng nhiều ngân hàng đang “ế” ngoại tệ, những ngày gần đây, giá USD trong hệ thống NH thương mại có xu hướng tăng đều đặn mỗi ngày từ 5 - 20 đồng/USD. Ngày 6.12, giá mua USD tiền mặt - chuyển khoản và giá bán USD tại Vietcombank lên 21.130 - 21.130 - 21.150 đồng/USD, ACB lên 21.100 - 21.120 - 21.160 đồng/USD... Trưởng phòng ngoại hối một NH cổ phần cho hay nguyên nhân khiến giá USD tăng trong đợt này chủ yếu từ nhu cầu mua USD trả nợ các hợp đồng vay ngoại tệ của DN, chứ nhu cầu mua USD để thanh toán hàng hóa, dịch vụ không tăng nhiều. Chính vì vậy mà đợt tăng giá USD hiện nay chỉ mang tính chất tạm thời, không có cơ sở tăng mạnh như các năm trước vào thời điểm cuối năm.

Chiều 6.12, NHNN đã có thông tin chính thức khẳng định không có cơ sở điều chỉnh tỷ giá và NHNN sẽ không điều chỉnh tỷ giá từ nay cho đến hết năm 2013. Theo NHNN, trong thời gian vừa qua, tỷ giá giao dịch trên thị trường liên NH diễn biến khá ổn định, thấp hơn tỷ giá mua vào của NHNN. Vì thế, NHNN đã mua vào ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối với số lượng lớn. Hai ngày gần đây, tỷ giá có xu hướng tăng nhẹ, nhưng cung cầu ngoại tệ vẫn ở mức cân bằng. Nhập siêu của VN 11 tháng ở mức thấp (96 triệu USD, tương đương 0,08% tổng kim ngạch xuất khẩu), trong đó tháng 11 VN xuất siêu 50 triệu USD. Cán cân vãng lai thặng dư liên tục từ đầu năm tới nay, đến cuối quý 3/2013 là khoảng 7,2 tỉ USD, tương đương khoảng trên 4% GDP và là mức thặng dư rất cao so với những năm trước đây. Dự báo cán cân thanh toán tổng thể cả năm sẽ thặng dư ở mức 2,5 - 3 tỉ USD. Bên cạnh đó, doanh số giao dịch, trạng thái ngoại tệ và hoạt động mua bán ngoại tệ của các tổ chức tín dụng diễn biến bình thường, thanh khoản thị trường tốt, không có gì đột biến... Như vậy, có thể thấy diễn biến tỷ giá trong vài ngày gần đây chủ yếu xuất phát từ yếu tố tâm lý, kỳ vọng điều chỉnh tỷ giá do tác động từ những nhận định, đánh giá về điều hành tỷ giá tại bản báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô 11 tháng năm 2013 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

Theo ông Phạm Hồng Hải, nhiều khả năng tỷ giá USD/VND sẽ không vượt qua mức 21.250 đồng/USD vào cuối năm 2013 và 21.500 đồng/USD vào năm 2014. Trước đó, Trung tâm nghiên cứu của NH TMCP Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) đưa ra mức dự báo giá USD cuối năm 2014 ở khoảng 21.400 - 22.000 đồng/USD. 

T.Xuân

Thanh Xuân - Mai Phương

 >> Bỏ quy định cấm cho, tặng ngoại tệ
>> Các ngân hàng mua ròng ngoại tệ
>> Doanh nghiệp vay vốn ngoại tệ giảm
>> Giữ tiền đồng hay ngoại tệ ?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.