Bóng đổ thầy, thầy đổ bóng!

27/12/2005 22:46 GMT+7

Từ 1999 đến nay, 17 hộ dân (khóm 6, phường 8, thị xã Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) có đất đai nhà cửa nằm kẹp giữa quốc lộ (QL) 53 và 60 phải sống phập phồng chờ bồi hoàn giải tỏa. Các hộ dân thắc mắc vì sao chủ đầu tư là Sở Văn hóa - Thông tin (VH-TT) và các ban ngành hữu quan tỉnh cứ hẹn lần hẹn lữa đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, gây khó cho dân xung quanh việc đền bù.

Bồi hoàn áp giá kiểu... tùy hứng

Năm 1998, tỉnh Trà Vinh có chủ trương xây dựng tượng đài "Toàn dân nổi dậy đoàn kết lập công" ở xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành, Trà Vinh (nay thuộc phường 8, thị xã Trà Vinh).  Nhưng khi giải tỏa mặt bằng phục vụ cho công trình, đại diện chủ đầu tư - ông Huỳnh Thanh Sơn, nguyên Giám đốc Sở VH-TT, không tiến hành đồng loạt mà chia ra nhiều giai đoạn để bồi thường, mỗi giai đoạn cách nhau 2 năm. Năm 1999 giá bồi hoàn cho 25/42 hộ như sau: đất khu vực I giá  150.000đ/m2, khu vực II giá 80.000đ/m2. Tới năm 2000, ông Sơn ký tiếp quyết định bồi hoàn cho 17 hộ dân còn lại theo đơn giá như trên song không tính gì đến chuyện phân bố khu tái định cư. Thời điểm này giá đất Trà Vinh biến động tăng vọt nên 17 hộ dân không đồng ý với lý do "nhận tiền bồi hoàn 100m2 mà không đủ mua lại 10m2 đất, lấy gì tái định cư ?".

Sự việc "đi không được ở không xong" cứ cù cưa kéo dài hàng năm trời gây khổ sở phiền hà cho 17 hộ dân về nơi ăn chốn ở và điều kiện sinh hoạt. Ngày 17/6/2005, UBND thị xã Trà Vinh mới ban hành quyết định thu hồi phần đất của 16 hộ gia đình và cá nhân đang sử dụng ở khóm 6, phường 8, thị xã Trà Vinh. Trước đó ngày 16/5/2005, UBND tỉnh đã ký quyết định số 25/2005/QĐ-UBND (QĐ 25) ban hành giá đất các loại tại tỉnh. Theo đó đoạn QL 53 tùy theo vị trí tọa lạc mà đơn giá đất thấp nhất từ 270.000- 450.000đ/m2 và cao nhất 900.000đ/m2; đoạn QL 60 đơn giá đất thấp nhất từ 216.000 - 360.000đ/m2 và cao nhất 720.000đ/m2. Đã có bảng giá đất mới nhưng Sở VH-TT và các ban ngành hữu quan vẫn cứ áp giá bồi hoàn và hỗ trợ cho 17 hộ một cách tùy tiện hết sức khó hiểu. Cùng nằm cặp QL 60 và 53 nhưng có hộ được bồi hoàn hàng trăm ngàn đồng/m2, lại có hộ chỉ được bồi hoàn vài chục ngàn đồng/m2. Không ít hộ còn nêu thêm thắc mắc: "Tại sao đất đóng theo thuế thổ cư, nhưng khi  bồi hoàn lại áp giá theo giá đất lâu năm khác?" thì một cán bộ lãnh đạo Sở Tài nguyên- Môi trường (TNMT) tỉnh trả lời tỉnh queo: "Chuyện đó qua bên thuế khiếu nại". Đa số các hộ bày tỏ bức xúc: bồi hoàn thì áp giá lung tung, phần lớn giá... bèo nhưng giá đất phải mua tại khu tái định cư (nằm gần QL 60, thuộc khóm 5, phường 8, thị xã Trà Vinh) lại chênh lệch trên... trời, 720.000 đ/m2, làm sao với tới !

Bóng đổ thầy, thầy đổ bóng !

"Khiếu nại miết, Hội đồng đền bù mới tính cho mình cái giá chấp nhận được. Nhưng khi muốn nhận tiền để sớm di dời ổn định cuộc sống, đến gặp mấy ông có chân trong Hội đồng, mấy ổng cứ biểu chờ, rồi sau đó tìm gặp riết thì ông này đổ qua cho ông kia, kiểu như mấy ổng chơi trò xí gạt mình" - ông Phan Quốc Nam, cựu chiến binh, nói trong bực bội. Ông đưa ra cho PV Thanh Niên xem hai tờ biên bản thỏa thuận đền bù mà các thành viên của Hội đồng đền bù (gồm đủ đại diện của các ngành hữu quan: Sở VH-TT, Sở TNMT, Sở Tài chính-Vật giá (TCVG), Thanh tra tỉnh...) đã đưa cho ông và ông Lê Thanh Hưởng ký ngày 22.7.2005 để minh chứng rồi chua chát nhận xét: "Cũng vì 2 tờ giấy này mà tụi tui bị bà con chung quanh hiểu lầm là tính "xé lẻ" kiếm ăn riêng chớ đâu ngờ tụi tui đều bị cho... leo cây!".

Lý giải về khúc mắc trên, trong cuộc gặp chúng tôi vào ngày 13/12, Giám đốc Sở VH-TT Nguyễn Trúc Phong nói: “Việc đền bù chậm trễ là bởi phải tuân thủ đúng quy trình, phải chờ UBND tỉnh có quyết định thu hồi đất tổng thể 17 hộ rồi UBND thị xã ra quyết định thu hồi đất từng hộ thì Sở chúng tôi mới có phương án chi trả tiền”. Riêng 2 hộ ông Nam, ông Hưởng, thấy bức xúc chuyện đền bù đi tới đi lui vất vả, Sở đã làm văn bản đề nghị tỉnh ưu tiên bồi hoàn cho họ trước (?). Ông Phong hứa cung cấp văn bản này cho PV nhưng khi chúng tôi quay lại nhận ông lại bảo không còn có để đưa vì văn bản đã bị UBND tỉnh hủy bỏ (?). Đề cập đến thắc mắc tại sao ở khu tượng đài, đất giải tỏa cùng một vị trí nhưng lại được áp giá đền bù khác nhau và chênh nhau quá lớn, ông Phong biện bạch: Tuy Sở VH-TT là chủ đầu tư nhưng việc áp giá đền bù như thế nào là do Sở TNMT và Sở TCVG quyết định. Thế nhưng khi tìm đến Sở TCVG, vị cán bộ Sở có chân trong Hội đồng đền bù giải tỏa lại thanh minh với chúng tôi rằng: Việc áp giá đền bù không do ngành TCVG, ngành chỉ dựa đúng căn cứ pháp luật về giá để tính toán cho các diện tích đất đền bù do chính Sở TNMT phân loại. Còn khi đến Sở TNMT, chuyên viên tổng hợp Đặng Văn Mừng, người được lãnh đạo Sở ủy quyền tiếp chúng tôi thì một mực cải chính: Việc phân định loại đất để đền bù, mình ngành chúng tôi không dám tự quyết mà là do toàn thể Hội đồng (đền bù giải tỏa mặt bằng - NV) quyết định, trong đó có sự tham gia của Thanh tra tỉnh nên muốn nắm thông tin đầy đủ cần đến gặp... Thanh tra (!).

Thế là, đi lòng vòng một loạt cơ quan hữu quan, chúng tôi chịu, không làm sao làm rõ câu trả lời cho câu hỏi: Vì sao đất giải tỏa cùng một vị trí nhưng áp giá đền bù lại quá chênh nhau, quá nhiều kiểu giá... Và trong lòng khó thoát nỗi băn khoăn: cái cách hành xử kiểu bóng đổ thầy, thầy đổ bóng như trên liệu có phải là hệ quả của một điều gì đó không minh bạch?

Khoa Chiến - Thanh Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.