Luật phải quy định để tòa độc lập với cơ quan hành chính

23/10/2010 23:34 GMT+7

Trong ngày làm việc hôm qua 23.10, Quốc hội (QH) nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tố tụng hành chính, dự thảo Luật thanh tra (sửa đổi) và thảo luận về 2 dự thảo này tại hội trường.

Thảo luận về dự thảo Luật Tố tụng hành chính, đa số các ý kiến phát biểu đều tập trung vào các quy định về thẩm quyền của tòa án giải quyết các khiếu kiện hành chính, thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán khi phát hiện sai lầm nghiêm trọng, cơ quan quản lý nhà nước về thi hành án hành chính…

Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ QH Trần Thế Vượng (Hải Dương) cho rằng cần phải mở rộng thẩm quyền tối đa cho tòa án, kiến nghị sớm thành lập tòa án khu vực, phải độc lập thật sự với cơ quan hành chính; cần có tòa án khu vực thay cho quận, huyện, không gắn với cấp hành chính, để tránh việc thi hành án hay quyết định bản án nhưng không thực hiện được do đối tượng phải thi hành án là cấp trên của người, tổ chức thi hành án. "Việc thi hành bản án phải do cơ quan hành chính thực hiện chứ không thể giao đội thi hành án. Bởi thực tế cho thấy đội thi hành án không thể đôn đốc cấp trên của mình thực hiện quyết định bản án, nhất là khi đối tượng có thể là ông chủ tịch tỉnh hay thành phố", ông Vượng nói.

Ý kiến này được chính Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Thu Ba chia sẻ. Bà Thu Ba cho rằng luật cần có các quy định để đảm bảo triệt để tính độc lập của thẩm phán.

Về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), nhiều ý kiến lo ngại việc tổ chức thêm cơ quan thanh tra chuyên ngành vừa làm tăng biên chế, tăng kinh phí, vừa tạo thêm trung gian giữa khâu phát hiện, kiểm tra và xử lý vi phạm, từ đó sẽ giảm chất lượng của công tác thanh tra, kiểm tra trong quản lý ngành, lĩnh vực. Hơn nữa, nếu có tổ chức thêm cơ quan thanh tra thì với biên chế như hiện nay cũng không thể thực hiện được. Vì vậy, việc tổ chức cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực cần phải có quy định cụ thể, phù hợp để tránh chồng chéo trong hoạt động. Thanh tra chuyên ngành chỉ nên có ở một số bộ, tổng cục và cục như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng không nên tổ chức cơ quan thanh tra chuyên ngành mang tính độc lập với cơ quan quản lý chuyên ngành. Cơ quan quản lý chuyên ngành phải thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trên cơ sở cán bộ quản lý được bổ nhiệm, khi tiến hành thanh tra thì các cán bộ này trở thành thanh tra viên và thực thi nhiệm vụ thanh tra. Quy định cụ thể, rõ ràng hơn nữa nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan thanh tra để tránh chồng chéo, trùng lặp...

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng cần rút kinh nghiệm trong hoạt động thanh tra từ vụ Vinashin và kiến nghị mở rộng thẩm quyền của thanh tra viên trong việc thanh tra đột xuất, thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các tổ chức và cá nhân.

            Thành Lương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.