Yêu chính nơi mình sống

10/10/2008 11:59 GMT+7

Chỉ dòng sông Sài Gòn có nhiều rác tấp vào bờ kè, Đoan, Trường, Quyên… ở khu phố 1, P.An Khánh, Q.2, TP.HCM, nói: “Rác những nơi khác vứt dồn về đây đó, không đẹp chút nào”.

Khoảng vài năm trước thôi, những bạn nhỏ này cũng vô tư vứt rác xuống dòng sông. Còn nay, hằng tuần chính các bạn là người đi thu gom rác trong khu phố.

Cũng vậy, tại Trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10, học sinh bỏ rác vào nhiều thùng được phân loại đẹp mắt do chính mình vẽ. Thông điệp đơn giản “yêu nơi nào mình sống” có được từ hai chương trình bảo vệ môi trường âm thầm mà hiệu quả đang thực hiện tại TP.HCM.

Tờ giấy và cánh rừng

Một ngày hội vẽ và trang trí thùng rác (thích đựng gì trong thùng rác thì vẽ cái đó) diễn ra tại sân Trường THCS Nguyễn Văn Tố với sự hưởng ứng không chỉ của học sinh, giáo viên mà còn của đông đảo phụ huynh. Có lớp vẽ tới… tám thùng với nhiều loại rác: nilông, vỏ hộp sữa, giấy…

Thạc sĩ Nguyễn Thành Phát - phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố, người phát động chương trình - cho biết: “Để các em chơi trước đã, nếu thích thú các em sẽ tự nguyện làm đẹp ngôi trường của mình”. Bài học về “ích lợi của nước”, “rác nguy hiểm như thế nào” đã được lồng tự nhiên vào ngày hội đã thấm thía với từng học sinh hơn bất kỳ tiết học lý thuyết nào. Những thùng rác ở các chân cầu thang cùng với các loại rác xả tràn ra khỏi thùng ngày trước đã “biến mất” tự khi nào vì không còn cần dùng đến nữa. Các khẩu hiệu “cấm xả rác” cũng được gỡ xuống. Rác được bỏ gọn gàng trong thùng của lớp, khi đầy mang xuống những thùng rác đã phân loại của trường.

Thứ bảy 13-9 mới đây, chín vị hiệu phó chín trường THCS quận 10 đã bắt tay nhau: các trường sẽ hỗ trợ nhau làm những thùng rác phân loại như Trường Nguyễn Văn Tố. Tiếp theo đó, từng học sinh sẽ vẽ bảng thống kê số lượng rác một ngày của gia đình mình: hôm nay quăng bao nhiêu bịch nilông, chai lọ, giấy, hộp sữa… Sau 30 ngày có bản thống kê của từng lớp, nhân con số lên với toàn trường. Bài học rất rõ: một tờ giấy = bao nhiêu cây rừng; 1.000 bịch nilông/ngày sẽ tốn bao nhiêu tiền xử lý; bao nilông không phân hủy được nguy hại với môi trường ra sao...

Bài học môi trường từ thực tế

Người dân khu phố 1 và các khu phố lân cận thuộc P.An Khánh, Q.2 nay đã quen với hình ảnh mỗi chiều thứ ba, thứ bảy, trẻ em khu phố 1 đi thu gom bao nilông. Bà con chờ sẵn để đưa những bao rác nilông hoặc treo sẵn trước nhà để các em tự lấy. Huỳnh Phạm Nhật Trường - học sinh lớp 4D, Trần Lê Ái Quyên - học sinh lớp 5 E, đều thuộc Trường tiểu học Thủ Thiêm, liến thoắng cảm ơn những người cho bọc nilông rồi vui vẻ khoe: “Tụi con làm việc này từ năm học lớp 1 đó”. Chỉ hàng cây chạy dọc bên mép kênh chảy ra sông Sài Gòn, Nhật Trường nói: “Hồi đó con có tham gia trồng cây này đó nha”. Cây phượng nhỏ xíu giờ đã ra hoa, giàn bông giấy cũng đã lớn đầy màu sắc.

Câu chuyện bắt đầu cách nay bảy năm từ một người bạn của trẻ em nơi đây: anh Huỳnh Huy Tuệ, tiến sĩ, điều phối viên Tổ chức phi chính phủ cầu châu Á - Nhật Bản (BAJ). Ngày đó anh tới đây và không thể hình dung cái “xóm cây dương” nổi tiếng phức tạp này chẳng hề có một nhà vệ sinh, nói chi đến chuyện đừng quăng rác xuống sông, phân loại bao nilông và rác.

Không bằng bài giảng môi trường, anh đến với khu phố bằng công việc cụ thể. Ngày thứ nhất anh tới từng nhà “nhà bác có túi nilông cho cháu xin”. Bà con vui vẻ đưa. Ngày thứ hai vừa thấy anh, họ đã hỏi “Lại tới hả?” rồi cố gắng tìm trong nhà còn bao nilông nào không rồi mang ra. Ngày thứ ba có người nói “Quên, bỏ chung với rác rồi”… Đến ngày thứ tám đã có người treo sẵn bịch nilông trước cửa nhà.

Rồi anh cùng những tình nguyện viên tổ chức cho bọn trẻ thi vẽ, dạy chữ, học karatedo… Anh hỏi “Chỗ nào sạch nhất trong xóm?”. “Ven sông” - bọn trẻ nói. “Chỗ đó toàn là rác mà?”. “Buổi sáng sạch lắm thầy”. Sáng nước lên, dòng sông quả là sạch và đẹp. Thầy Tuệ phát cho các trò bút màu và giấy “vẽ chỗ nào sạch, chỗ nào bẩn”. Khi đã có bản đồ khu xóm, thầy hỏi “Chỗ bẩn này dọn không?”. “Mình dọn mai họ lại vứt rác thầy ơi”. “Họ vứt vào giờ nào?”. “Khoảng 5g chiều và 7g sáng”.

Thế là hằng ngày cứ vào hai giờ đó, thầy và trò ra ngay chỗ hay vứt rác… chơi bi và bà con giảm vứt rác. Rồi tất cả làm thùng rác như một trò chơi; được sơn, vẽ hẳn hòi trông đẹp mắt. Một bản đồ thu gom cũng được chính các em vẽ ra: nhà này có chó dữ, nhà này treo rác trước nhà, nhà này không cho rác phải làm thế nào để cho…

Cứ thế, chuyện vệ sinh khu phố thấm vào mọi người từ lúc nào. Ông Trương Văn Sinh, nhà số 10/1, khu phố 5, xoa đầu một đứa trẻ trong nhóm bảo: “Nhiều năm nay tui ủng hộ mấy nhỏ, cứ 3 giờ sáng là tui đã dậy quét dọn đường hẻm này rồi”.

Theo Đặng Tươi / Báo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.