Vẽ chân dung người phụ trách

27/11/2009 11:38 GMT+7

Đã qua bảy lần tổ chức, hội thi Olympic cánh én trở thành sân chơi đầy sức cuốn hút với những ai đã chọn cho mình công việc tổng phụ trách Đội. Vòng chung kết cuộc thi diễn ra hôm nay, 27-11.

Qua rồi cái thời cách nghĩ “chỉ cần hát hay, múa giỏi là có thể trở thành phụ trách thiếu nhi”. Chân dung tổng phụ trách Đội đang dần được vẽ ra từ hội thi này đã cho thấy ngoài kỹ năng sinh hoạt, người phụ trách Đội còn phải am tường nhiều kỹ năng khác, đặc biệt không thể thiếu nghiệp vụ sư phạm.

Nâng cao kỹ năng

Chương trình thi được thiết kế đa dạng, từ trắc nghiệm kiến thức tổng quát đến ứng dụng kỹ năng thực tế, nếu không chuẩn bị tốt thí sinh khó hoàn thành.

Tổng phụ trách Đội Trường THCS Hoa Lư (Q.9, TP.HCM) Hà Quốc Kiệt cho rằng chương trình thi như vậy đảm bảo kiểm tra được các kỹ năng toàn diện với một tổng phụ trách. “Tôi thấy năm nay ban tổ chức nhấn mạnh đến kỹ năng ứng dụng thực tế chứ không chỉ kiểm tra lý thuyết, như vậy sẽ giúp thí sinh có kỹ năng tốt hơn” - anh nói.

Hôm nay sẽ chọn ra tổng phụ trách Đội giỏi nhất Hội thi Olympic cánh én lần 7-2009 do Thành đoàn và Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM tổ chức, khởi động từ tháng 9. Từ trên 500 tổng phụ trách tham dự vòng loại tại cơ sở, 12 tổng phụ trách có điểm số cao nhất qua hai chương trình thi đã cùng tranh tài vòng chung kết. Lễ đăng quang của tổng phụ trách xuất sắc nhất dự kiến được tổ chức ngày 27-11 tại công viên Tao Đàn. Đây là hội thi được tổ chức hai năm/lần, dành cho các tổng phụ trách Đội.

Nếu chương trình 1 kiểm tra kiến thức tổng quan, nghi thức Đội thì ngay chương trình 2 thí sinh đã “bầm dập” với hai ngày của đời sống trại, trong đó các thí sinh khá bất ngờ với phần thi nút dây. Thay vì kiểm tra thắt các loại nút dây như trước đây thì năm nay cuộc thi đòi hỏi thí sinh phải biết mỗi loại nút dây được dùng trong trường hợp nào.

“Ban tổ chức phát cho mỗi thí sinh hai cái thau, hai cái xô và yêu cầu dùng các loại nút dây để cố định từng loại lại với nhau, đề thi dạng như vậy khá thú vị” - anh Bùi Bá Tòng, tổng phụ trách Đội Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.11), cho biết.

Nhưng chương trình 3 mới là bài thi... khó nuốt nhất. “Lần đầu tiên phải soạn giáo án đứng lớp trong một tiết học, lo lắm! May nhờ hồi đó mình có học được cách làm giáo án và các bước tiến hành một tiết dạy đúng nghiệp vụ sư phạm” - thí sinh Huỳnh Như Nguyễn, cán bộ Hội đồng Đội Q.3, nói. Đây cũng là phần thi hoàn toàn mới so với các lần tổ chức trước đây, được 12 thí sinh vào chung kết đầu tư nhiều.

Thử thách còn ở phần thi tổ chức một hội trại hai ngày. Các thí sinh phải làm việc từng nhóm ba người. Họ hoàn toàn không được biết trước trại sinh là các bạn nhỏ mồ côi, lang thang, sống các cơ sở xã hội. Phần này kiểm tra khả năng thu hút thiếu nhi mà người phụ trách nào cũng cần có, nhất là khi đối tượng dự trại hơi bướng hơn trẻ bình thường.

Đòi hỏi chuyên sâu

Dù được đánh giá là nặng nhưng nhiều thí sinh được hỏi vẫn cho rằng nội dung thi cần đổi mới hơn. Tổng phụ trách Đội Trường THCS Đoàn Kết (Q.6) Đặng Hải Đăng cho biết “đã năm lần lọt vào chung kết hội thi này và thấy một số nội dung thi vẫn như lần đầu tham gia”. Anh đề xuất: “Kiểm tra khả năng vận dụng thực tế rất cần thiết, nhưng nên có phần thi và trang bị cho tổng phụ trách về kỹ năng sống, nhất là kỹ năng sống áp dụng cho thiếu nhi vì điều này đang là nhu cầu lớn”.

“Hội thi phải góp phần nâng cao nghiệp vụ sư phạm cho thí sinh nhiều hơn, vì thực tế phần lớn tổng phụ trách Đội còn yếu kỹ năng này. Trong khi nếu không có nghiệp vụ sư phạm, vai trò của tổng phụ trách trong nhà trường cũng yếu thế” - anh Hà Quốc Kiệt nói.

Phó trưởng ban tổ chức hội thi Vũ Anh Tuấn cho biết sẽ tính toán lại việc thêm bớt nội dung thi ở lần sau, vì nhu cầu của học sinh thay đổi từng ngày, thực tế sinh hoạt Đội trong trường học cũng khác nhiều, do đó kỹ năng và chân dung người tổng phụ trách Đội cũng phải được phác họa khác đi so với trước.

Quốc Linh/ Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.