Người Việt ở Kharkov

07/10/2005 00:36 GMT+7

Đi nhiều nơi, đến nhiều cộng đồng người Việt Nam ở khắp thế giới, mới thấy được 5.000 người Việt sống ở Kharkov - Ukraine là một cộng đồng tự tin, được người bản xứ tôn trọng và họ sống gắn bó với nhau đúng nghĩa như những người đồng hương ruột thịt.

Năm 1991, khi Liên Xô không còn nữa, các nước cộng hòa tuyên bố độc lập. Đa số bà con đi lao động theo Hiệp định hợp tác lao động 1981 và các sinh viên đi du học lâm vào tình trạng mất việc làm và học hành dở dang. Phần lớn bà con lao động thì thất nghiệp và du học sinh rơi vào tình trạng không có học bổng hoặc có nhưng không đủ sống. Các xí nghiệp không đủ tiền để mua vé cho bà con lao động về nước. Từ đó, bà con và các sinh viên Việt phải tự bươn chải kiếm sống.

Và hiện tượng di cư hiện nay đã trở thành xu thế toàn cầu. Những người Việt nhập cư vào Ukraine đã có một sự đóng góp không nhỏ cho thành phố Kharkov và cả Ukraine. Số lượng người Việt định cư tại Ukraine đông nhất là ở Kharkov, sau đó là Kiev (1.000 người), Odessa (1.000 người), Dozosk (150 người), Kherson (128 người), Krivoi-Rok (100 người)... Tất cả họ đều trở thành những người nhập cư đoàn kết và thương yêu, đùm bọc nhau. Có nhiều người thành đạt.

Phó giáo sư - tiến sĩ Vũ Dương Huân, Đại sứ Việt Nam tại Ukraine nói: "Từ Bộ trưởng Ngoại giao A.Zlenko đến lãnh đạo các tỉnh, thành phố đều khen ngợi bà con người Việt là cởi mở, chân tình, cần cù, sáng tạo, có tính tổ chức cao và chấp hành luật pháp tốt". Trong lĩnh vực kinh doanh, nhiều tập đoàn kinh tế của người Việt Nam đã trở thành những tập đoàn hàng đầu của Kharkov và Ukraine. Technocom của Phạm Nhật Vượng,


Sản phẩm mì ăn liền Mivina chiếm 90% thị phần tại Ukraine (ảnh: N.T.K)

Lê Viết Lam, Trần Minh Sơn mà họ đã đầu tư về Việt Nam với khách sạn Hòn Ngọc Việt ở Hòn Tre (Nha Trang) và tòa tháp đôi Vincom 21 tầng ở Hà Nội. Tất cả tiền đầu tư khoảng 80 triệu USD.

Siêu thị tên Barabasova ở Kharkov có 20 ngàn gian hàng sạch đẹp và hiện đại dành cho cả chợ Việt Nam lẫn cho người Ukraine và các cộng đồng khác có cổ phần rất lớn  của Technocom. Cả khu nhà mang tên Làng Việt Nam được xây dựng để bán cho bà con người Việt cũng khang trang không kém những tòa nhà xây dựng ở các nước châu u và Việt Nam hiện nay. Cái đánh giá trúng của công ty là họ xây dựng liền ba nhà máy mì ăn liền ở Kharkov và một ở Ba Lan. Một nhà máy gia vị, một trung tâm y tế Phương Đông do dược sĩ Mai Khắc Tố từ trong nước vừa sang làm giám đốc kiêm bí thư chi bộ của công ty. Một nhà máy in và một nhà máy sản xuất cạc-tông. Sản phẩm của tập đoàn này được bán ra 15 nước trên thế giới và đạt được những danh hiệu về chất lượng cao quốc tế cũng như trong nước như Chất lượng vàng, Chất lượng châu u, Sản phẩm số 1 Ukraine... Doanh thu của tập đoàn này đạt 10 triệu USD/tháng và họ đã giải quyết gần 4.000 lao động cho người Ukraine và người Việt. Thị trường rộng lớn và nhu cầu loại mì ăn liền ở Liên Xô và các nước Đông u trong điều kiện đời sống như hiện nay là rất lớn. Người Việt xây dựng các khu vui chơi giải trí, công viên nước, mua được các khu nghỉ mát ven sông Caltova trên vùng nghỉ mát Caltarưi Caltov. Tại tỉnh Trernopol, Công ty Vidona cũng đã xây dựng một nhà máy mì ăn liền có đến 1.500 công nhân. Một nhà máy mì ăn liền khác của Vinasun khai trương tháng 9/2003 tại TP Kanhev, tỉnh Trerkasư. Tại Kiev, có nhà máy in và một số nhà hàng Việt Nam.                   

Điều tôi mừng là họ không chỉ dừng lại ở sự thành công về lĩnh vực kinh doanh mà họ còn có một hội đồng hương và một hội Việt kiều rất độc đáo. Họ chia sẻ nhau từ công ăn việc làm, giúp nhau xây dựng một lối sống thương yêu, đùm bọc và nương tựa nhau. Hội Việt kiều lập ra một bản Hương ước với tất cả các điều khoản quy định để làm sao mỗi một người  trong cộng đồng đều trở thành một con người tốt, sống hữu ích. Tờ Tuần tin Quê hương với nội dung thông tin về tình hình trong nước và cộng đồng rất sốt dẻo (có rất nhiều tin đăng lại từ Thanh Niên) đồng thời sử dụng để phê phán một ai đó vi phạm luật pháp và đạo đức. Ví dụ phê phán tệ ăn cắp, quỵt nợ hoặc có hành động trái đạo lý. Tờ báo như một cơ quan ngôn luận tập hợp, đoàn kết và góp phần định hướng cho cộng đồng một nếp sống  đạo đức, hướng về đất nước và tương thân, tương trợ nhau.

Hiếm có một cộng đồng người Việt nào ở nước ngoài với chỉ trên dưới 8.000 người mà được cộng đồng người Hoa vốn có trên 20.000 người ở Ukraine muốn xin gia nhập sinh hoạt chung, vì họ thấy ở đó như một mái ấm của tình thương yêu. Trong số 5.000 người Việt ở Kharkov có đến 1.000 trẻ em, vị thành niên, hàng nghìn sinh viên sang học tại các trường đại học lớn như Bách khoa, Kinh tế, Tổng hợp, Y Dược và Hàng không vũ trụ. Họ được sinh hoạt ở một liên chi đoàn có đến 340 đoàn viên, gồm 13 chi đoàn. Những buổi sinh hoạt của giới trẻ ở đây thông qua phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, mang tên Về nguồn, Duyên dáng Việt Nam và các hội thi rất hấp dẫn.

Nhìn lá cờ Việt Nam bay phất phới trên cổng chợ Barabasova cùng với các lá cờ của các nước bạn bè, lòng những người Việt ở đây cảm thấy tự hào và hãnh diện. Không có người Việt nào quay lưng lại với đất nước. Mỗi khi trong nước gặp thiên tai, lũ lụt, giúp công tác xóa đói giảm nghèo, bà con đã gửi hàng chục nghìn USD về cứu trợ trong nước, thông qua Quỹ Ngôi sao phương Đông của Hội Việt kiều Kharkov.

Theo Chủ tịch Hội Người Việt Kharkov Nguyễn Văn Thành thì mọi người Việt Nam sống ở Kharkov, những bà con phạm lỗi lầm, gây tranh chấp đều có ban hòa giải và căn cứ theo những điều luật trong Hương ước "vì một cộng đồng trong sạch, vững mạnh" do hội tự soạn và được bà con thông qua để có biện pháp phạt bằng cách nộp tiền để làm từ thiện. Mức phạt nặng nhẹ tùy theo hành động vi phạm lần đầu hay tái phạm. Đó cũng là một cách răn đe rất hiệu quả mà chưa cần đến luật pháp nước sở tại.

Cái quý nhất đối với cộng đồng mà ít một nước khác có được là họ chiếm được cảm tình và sự nể trọng của người bản xứ. Hi hữu lắm mới xảy ra trộm cắp và chích choác, không có nạn băng đảng. Nhiều gia đình ở Việt Nam đã gửi con cái bị nghiện ngập qua Kharkov và Ukraine để "cai". Song hành với công ăn việc làm của bà con, các doanh nghiệp Việt ở đây lập ra nhà trẻ và Trường mẫu giáo Mùa Xuân để cho các trẻ em Việt Nam học song ngữ. Họ mời các cô giáo từ Việt Nam sang dạy tiếng Việt và học sử Việt Nam.

Một môi trường hạnh phúc, và nói như  Đại sứ Vũ Dương Huân và các đồng sự của ông ở Tòa đại sứ Việt Nam tại Kiev: "Ở đây, đất lành chim đậu".

Nguyễn Công Khế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.