Thế hệ “hết tháng nhẵn tiền”

14/11/2009 15:42 GMT+7

Balinghou - dịch ra tiếng Việt là “hậu 80”, là nhóm từ được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc để chỉ thế hệ trẻ sinh ra sau năm 1980. Thế hệ Balinghou thường xuyên được nhắc đến bởi họ được sinh ra trong bối cảnh rất đặc biệt của Trung Quốc.

Thứ nhất, họ là những đứa con đầu tiên của đất nước Trung Quốc thời mỗi gia đình chỉ được sinh một con. Thứ hai, họ trưởng thành trong giai đoạn Trung Quốc tiến hành cải cách. Bối cảnh này tác động mạnh mẽ đến tính cách, nếp sống, nếp nghĩ của họ, đặc biệt là của những bạn trẻ sống ở các thành phố lớn.

Trung tâm thương mại khổng lồ Xi Dan, nằm gần quảng trường Thiên An Môn, lúc nào cũng tấp nập. Hàng hóa ở đây nhiều vô kể: quần áo, giày dép, túi xách các loại, đồ mỹ phẩm, đồ điện tử... Hàng nhãn hiệu lớn của châu u cũng có. Hàng cao cấp của Trung Quốc cũng có. Hàng bình dân cũng có.

Khách hàng chủ yếu là thanh niên dưới 30 tuổi, thanh niên thế hệ hậu 80. Mua sắm là mối quan tâm, giải trí hàng đầu của họ. Quan niệm về chi tiêu hoàn toàn thay đổi ở những người sinh ra sau cải cách này. Nếu như các bậc anh chị chỉ sinh ra trước đó vài năm vẫn giữ nếp nghĩ là làm ra được gì chủ yếu để dành cho con cái về sau, thì sang thế hệ này giới trẻ ưu tiên hàng đầu cho những nhu cầu của riêng họ.

Và họ chi tiêu không mấy đắn đo. Như Hứa Mỹ Tử, một nhà báo trẻ sinh năm 1983, nói: “Khi tôi thấy một túi xách tay đẹp, mặc dù phải chi mất một nửa tháng lương nhưng tôi vẫn mua vì biết rằng khi túng bấn sẽ có bố mẹ chu cấp thêm. Đằng nào thì của bố mẹ tôi rồi cũng là của một mình tôi thôi”. Hứa Mỹ Tử tự nhận mình là một phần tử “hết tháng nhẵn tiền”, giống như rất nhiều bạn trẻ cùng thế hệ.

Năm 1978, khởi đầu với chính sách kinh tế thị trường, kinh tế nước này không ngừng tăng trưởng từ đó. Điều kiện sống của người dân, đặc biệt ở các thành phố lớn, được cải thiện rõ rệt. Mỗi gia đình chỉ được sinh một con nên một đứa trẻ sinh ra là được cả hai họ nội, ngoại chăm bẵm cả về vật chất lẫn tinh thần.

Lớn lên trong bối cảnh này, giới trẻ hậu 80 cảm thấy mình đương nhiên phải được hưởng những gì tốt đẹp nhất của cuộc sống mà không nhất thiết phải có nỗ lực của riêng mình. Xã hội Trung Quốc cũng từ đó chuyển đổi nhanh chóng từ lối sống tập thể chủ nghĩa sang lối sống cá nhân chủ nghĩa. Vì vậy thế hệ hậu 80 còn có một tên gọi khác là thế hệ “Tôi”.

Cái “tôi” đang từ chỗ không tồn tại đến chỗ thế hệ hậu 80 thiết lập cho nó một chỗ đứng “oai vệ”. Oai vệ đến mức phần đông những thanh niên này bị quy là mắc “hội chứng ông hoàng, bà chúa con”. Họ bị chỉ trích là quá ích kỷ và thực dụng.

Ngoài các khu mua sắm ra thì các quán bar, phòng nhạc cũng là nơi thanh niên Trung Quốc hay lui tới để tiêu tiền. Ở các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh và Thượng Hải, có vô số những “sân chơi” kiểu này cho giới trẻ. Điều đó cũng là hiển nhiên khi số dân Trung Quốc dưới 29 tuổi chiếm 45% dân số cả nước. Những cuộc vui của họ có thể kéo dài tới 1, 2 giờ sáng là chuyện bình thường.

Nhịp sống của thanh niên thành thị Trung Quốc có thể nói tương đồng với nhịp sống của thanh niên châu u. Đó là một trong những kết quả của chính sách mở cửa của Trung Quốc. Văn hóa Tây u được giới trẻ nước này hấp thụ nhanh. Quan niệm về hôn nhân, gia đình và tình dục ở thế hệ hậu 80 khác xa với thế hệ trước. Nếu trong những năm 1980 không tới một nửa số sinh viên tán đồng quan hệ tình dục tiền hôn nhân thì nay con số này đã vượt quá 90%, gần sát với tỉ lệ ở châu u.

Xã hội Trung Quốc phát triển nhanh đến chóng mặt. Nhanh tới mức khoảng cách giữa các thế hệ đôi khi biến thành vực thẳm. Fan Xiao Jing sinh năm 1981. Sau khi tốt nghiệp đại học điện ảnh trong nước, cô đi du học ba năm tại Pháp. Đó cũng là lần đầu tiên cô ra khỏi biên giới Trung Quốc. Tuy nhiên, cô gái này không hề cảm thấy bỡ ngỡ khi đặt chân lên xứ người. Xiao Jing khẳng định: “Ngược lại, tôi cảm thấy mình giống như cá dưới nước vậy”.

Trở về nước, cô được nhận vào làm việc tại Đại sứ quán Pháp ở Bắc Kinh. Một công việc được coi là “danh giá” với thu nhập cao so với mặt bằng ở xã hội Trung Quốc. Hai gia đình nội, ngoại đều rất hài lòng về sự thành đạt của cô. Tuy nhiên, Xiao Jing bắt đầu nghĩ đến việc tìm một hướng đi mới.

“Gia đình tôi không hiểu nổi tại sao tôi lại muốn từ bỏ công việc hiện nay. Nhưng bản thân tôi cảm thấy có áp lực phải làm cuộc sống của mình thú vị hơn. Đó là một điểm khác biệt giữa thế hệ hậu 1980 với những thế hệ trước. Chúng tôi dám mạo hiểm hơn. Trước đây người ta không dám nghĩ đến chuyện thay đổi những gì đã được sắp đặt sẵn, vì không có cơ hội để biết rằng trong cuộc sống có nhiều lựa chọn đến thế”.

Theo Hoàng Trung Kiên / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.