Phản ứng dây chuyền

12/10/2006 00:47 GMT+7

Vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, cho dù bên ngoài có xác nhận hay không, là bằng chứng mới nhất về quyết tâm kiên định chính sách trong vấn đề hạt nhân và trong quan hệ với Mỹ, đồng thời cũng còn có thể là sự khởi đầu cho hàng loạt động thái khác nữa không chỉ ở khu vực và không chỉ thuần túy trong vấn đề hạt nhân.

Trước tiên là tình thế khó xử của Mỹ và Trung Quốc. Mọi nỗ lực gây áp lực của Mỹ  đến nay không khuất phục được CHDCND Triều Tiên, gây chiến tranh hay dùng biện pháp quân sự thì Mỹ hiện không dám. Trung Quốc buộc phải tỏ thái độ găng hơn với CHDCND Triều Tiên nhưng cũng không thể hòa đồng quan điểm và chủ trương với Mỹ.  Chắc rồi đây Mỹ và Trung Quốc sẽ phối hợp với nhau nhiều hơn. Nhật Bản và Hàn Quốc vừa để ngỏ khả năng chạy đua hạt nhân, vừa sẽ tăng đồng thuận, bớt dị biệt trong quan hệ với Trung Quốc.

Iran sẽ nhìn vào phản ứng và đối sách của Mỹ và dư luận đối với CHDCND Triều Tiên để xác định bước đi tiếp theo trong chương trình hạt nhân của mình. Không  ít quốc gia khác ở khu vực đó nhìn vào bước đi của Iran để quyết định  tham gia chạy đua hạt nhân hay không. 

Các nước lớn rồi sẽ hợp tác với nhau nhiều hơn trong vấn đề hạt nhân, sẽ chuyển dịch từ mục tiêu “không phổ biến hạt nhân” sang ưu tiên cho “chống phổ biến hạt nhân” để bảo vệ độc quyền hạt nhân của mình. Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT) trên thực tế không phát huy được tác dụng vì ngay đến chính các cường quốc hạt nhân cũng không thực hiện nghiêm chỉnh: họ không giải trừ vũ khí hạt nhân và không sẵn sàng giúp các nước khác sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình, có nước vẫn không phê chuẩn hiệp ước cấm thử hạt nhân.  Công bằng sao được trong quan hệ quốc tế khi chính những quốc gia không thực hiện một hiệp ước quốc tế lại đòi các quốc gia khác phải thực hiện nó. Vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên cũng còn là một phản ứng mới trong chuỗi phản ứng dây chuyền đó.

K.N

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.