Nông dân khốn đốn vì lúa "gốc đỏ" Trung Quốc

26/09/2005 00:24 GMT+7

Hàng ngàn hécta giống lúa lai Q.ƯU.1 vụ hè thu năm nay của nông dân Nghệ An gần như mất trắng. Sai sót của đơn vị cung cấp giống đã rõ ràng, nhưng họ vẫn giải thích loanh quanh, đổ lỗi cho nông dân và... trời!

Báo cáo của Trung tâm Khoa học kỹ thuật nông nghiệp và phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An) cho biết, vụ hè thu 2005 có 12 huyện trồng lúa lai Q.ƯU.1. Đây là giống lúa lai 3 dòng do Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp (CPVTNN) Nghệ An nhập từ tỉnh Trùng Khánh (Trung Quốc). Năm 2004, loại giống này được đưa vào khảo nghiệm ở huyện Diễn Châu, cho kết quả tốt. Vụ hè thu 2005, Sở NN-PTNT chủ trương cho khảo nghiệm loại giống lúa này trên diện rộng. Công ty CPVTNN Nghệ An đã bán ra 94,5 tấn lúa lai cho nông dân. Tuy nhiên, khi người dân mua giống về gieo mới phát hiện thân cây lúa có hai loại: gốc màu trắng và loại khác có gốc màu đỏ, trong khi bao bì hai loại đều hoàn toàn giống nhau. Thời gian sinh trưởng và đặc điểm cây lúa cũng khác nhau. Người dân phản ánh tới nhà cung cấp giống thì được trả lời gốc đỏ cũng là giống lúa Q.ƯU.1 và hướng dẫn bà con chăm sóc như loại gốc trắng. Đến kỳ thu hoạch, những hộ may mắn trúng phải gốc trắng thì thở phào trong khi trúng phải lúa gốc đỏ thì khóc ròng vì ruộng cứ trắng như cờ, lúa toàn hạt lép.

Đánh giá về giống lúa lai này, đơn vị cung cấp giống là Công ty CPVTNN Nghệ An lại cho rằng hai loại gốc trắng và gốc đỏ đều cho năng suất cao và khẳng định đây là giống Q.ƯU.1 thật. Đơn vị này viện dẫn một số ít xã "nhầm" phải giống gốc đỏ vẫn được mùa so với các loại giống khác để khẳng định loại giống này là tốt; còn những xã khác mất mùa là do sâu bệnh, do trời và do nông dân... chủ quan! Thế nhưng công ty này cũng thừa nhận hai loại giống trên có sự khác nhau về đặc điểm và thời gian sinh trưởng (giống gốc đỏ thân cây thấp hơn, trổ bông không đều, thời gian sinh trưởng dài hơn 5-7 ngày). Theo báo cáo của công ty, họ không hề biết có thêm một loại gốc đỏ lẫn lộn vào giống gốc trắng. Đây rõ ràng là sai sót rất lớn và cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất mùa ở diện tích lúa gốc đỏ.

Chủ tịch UBND xã Thanh Tường, huyện Thanh Chương bức xúc: "Dân chúng tôi thực hiện đúng lịch thời vụ, chăm sóc đúng kỹ thuật như hướng dẫn. Chế độ nước, thời tiết tốt tại sao năng suất lúa gốc đỏ chỉ có 3 tấn/ha, trong khi các giống khác lại cao hơn rất nhiều? Vậy thì nông dân sai ở đâu? Trời hại ở đâu?".

Báo cáo của Trung tâm Khoa học kỹ thuật NN-PTNT, đơn vị được Sở NN-PTNT giao trách nhiệm theo dõi, đánh giá về giống Q.ƯU.1, cho biết năng suất lúa lai gốc đỏ thấp hơn rất nhiều so với gốc trắng về tổng số hạt/bông. Tỷ lệ hạt lép ở giống gốc trắng là 20-38% trong khi ở gốc đỏ là 40-45%. Hai loại này có sự khác nhau rất rõ rệt về những chỉ tiêu theo dõi.

Ông Nguyễn Thọ Cảnh, Giám đốc Sở NN-PTNN tỉnh Nghệ An, cho biết sở đang yêu cầu Công ty CPVTNN phải nhờ cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đánh giá chất lượng thật của giống lúa lai Q.ƯU.1 gốc đỏ để có kết luận chính thức. Nếu sai sót do đơn vị cung cấp giống thì phải bồi thường sản lượng cho nông dân chứ không thể đổ lỗi cho ngoại cảnh và xuê xoa trách nhiệm trước thiệt hại rất lớn này.

Nguyễn Khánh Thành

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.