Mô hình giáo dục 1+2+n

17/11/2009 11:10 GMT+7

(TNO) Trước thực trạng nhu cầu xã hội đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, mà sinh viên (SV) lại thiếu các kỹ năng cần thiết cho công việc, cuộc sống (kỹ năng "mềm"), tiến sĩ Huỳnh Văn Thông, Giám đốc Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp và phát triển nguồn nhân lực, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM mong muốn hướng đến với mô hình giáo dục: 1 (bằng CĐ hoặc ĐH) + 2 (vi tính và ngoại ngữ) + n (kỹ năng).

>> Thiếu kỹ năng sống (Kỳ 1): Thói quen ỷ lại, thiếu định hướng

Nhiều trường ĐH, CĐ đã đưa các môn học liên quan đến kỹ năng "mềm" vào chương trình ngoại khóa hoặc chính quy với nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhằm mục tiêu hướng nghiệp và rèn luyện thêm kỹ năng cho SV trước khi tốt nghiệp. 

Từ năm 2007, sau một hội thảo về phương pháp tư duy ở bậc ĐH, trường ĐH Hoa Sen nhận thấy sự cần thiết phải có một môn học chính quy trong chương trình đại cương cho cả hệ ĐH và CĐ, hướng dẫn một số kỹ năng tư duy, nhận diện và giải quyết vấn đề cho SV nên đã thành lập bộ môn “tư duy phản biện”, cô Nguyễn Thanh Nga, Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng của trường cho biết. Môn học này bước đầu đã giúp SV nâng cao tinh thần phản biện, năng động và biết cách thể hiện mình hơn.

Thạc sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt cho biết tất cả các ngành đào tạo của trường đều có môn học về kỹ năng giao tiếp. Ngoài các kiến thức chung mỗi ngành, còn đi sâu vào những nội dung khác nhau như: ngành Thư ký văn phòng được chú trọng thêm về các kỹ năng ngoại giao, lễ tân; ngành Mạng máy tính và truyền thông đi sâu về kỹ năng làm việc nhóm; ngành Thiết kế thời trang chú trọng vào kỹ năng giao tiếp khách hàng…

Thạc sĩ Thành khẳng định, đưa môn kỹ năng "mềm" vào chương trình chính thức là rất cần thiết, tuy còn gặp một số khó khăn về thời gian phân bố các môn học trong học phần theo chương trình khung của Bộ GD-ĐT. Theo ý kiến của thạc sĩ Thành, trước hết nên bố trí các môn học về kỹ năng "mềm" trong chương trình ngoại khóa hoặc bổ trợ, nhằm cập nhật kiến thức mới, bổ sung kỹ năng cho thích hợp với yêu cầu của doanh nghiệp.

Là cán bộ giảng dạy bộ môn “kỹ năng giao tiếp” cho SV ngành Địa lý, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, tiến sĩ Thông nhận ra sự khác biệt rõ rệt trong hành vi giao tiếp, ứng xử của SV sau khi được học bộ môn này. Từ cách thể hiện thái độ với giáo viên, cho đến kỹ năng trình bày trước lớp trong những buổi học thuyết trình hoặc đơn giản chỉ là tự giới thiệu về mình.

Do đó, có học về kỹ năng vẫn tốt hơn cho SV, dù đó là chương trình chính khóa, ngoại khóa hay khóa học phải trả tiền. “Tôi mong muốn các trường đặt vấn đề này như là một trong những “trọng tâm công tác”, đừng thả nổi, khiến SV mất tự tin và rất khó tìm việc làm sau khi tốt nghiệp”, tiến sĩ Thông chia sẻ.

Trao đổi về chương trình giáo dục định hướng cho SV, tiến sĩ Thông nhận định có hai giai đoạn chính, gồm giáo dục định hướng và tái định hướng. Giai đoạn đầu dành cho tân sinh viên, nhằm tạo cảm hứng giúp SV hòa nhập môi trường ĐH (khác với môi trường phổ thông vì tự học là chủ yếu), tìm hiểu phương pháp học tập và nghiên cứu ở hệ ĐH, kế đến là những kiến thức ban đầu về nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp hoặc những vấn đề ứng dụng liên quan đến chuyên môn học.

Giai đoạn cuối năm 2 ở hệ ĐH, tức là chuẩn bị vào chuyên ngành, chính là thời điểm bắt đầu cho chương trình tái định hướng bằng việc nhận diện chi tiết và điều chỉnh nếu phát hiện SV đi lạc hướng. Cụ thể là giúp SV xác định rõ về nghề nghiệp sau khi ra trường, về sở trường, khả năng cũng như những kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình...

Cẩm Thúy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.