Bệnh viện của người gãy chân

17/12/2005 22:15 GMT+7

Một buổi sáng Sài Gòn trời mưa như trút nước, chiếc xe cấp cứu hú từng hồi còi làm người đi trên đường cả dạt vào trong nhường đường. Mọi người nhốn nháo khi thấy xe lao vào cổng Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (929 Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM). Một bệnh nhân nằm co ro trên chiếc ghế bố ở hành lang bệnh viện nhìn theo chậc lưỡi: "Càng ngày càng chật mà còn thêm bệnh nhân...".

Thủ tục "nghênh tiếp"

Quan sát từ bên ngoài, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (CTCH) trông cũng bề thế, tường được quét một lớp sơn màu vàng trông rất nổi bật. Thế nhưng khi đi vào bên trong mới thấy được sự "già cỗi" đến tội nghiệp của một bệnh viện lớn dù ở đây có một đội ngũ bác sĩ với trình độ chuyên môn cao.

Vào thăm người bạn đang nằm trong bệnh viện vào một ngày mưa tầm tã, chúng tôi mới thấy hết sự nhếch nhác của nó. Ngay chính giữa cổng ra vào, một cái vòi thoát nước từ trên tầng thượng của ký túc xá Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng chĩa xuống, nước dội xuống mặt đường cả ngày lẫn đêm, làm cho khu vực này lúc nào cũng ướt sũng. Trong các khu hành lang, các ghế bố, băng ca đặt ngổn ngang, bệnh nhân lẫn thân nhân nằm ngồi la liệt...

Người bạn của chúng tôi ở Tây Ninh mới nhập viện. Anh ta nằm trong căn phòng vừa đủ đặt 4 chiếc giường, một cái tủ màu xanh kê sát trong góc, mỗi lần mở ra đóng vào, hai cánh cửa rệu rã rớt từng mảng sơn đen sì. Trên trần nhà, chiếc quạt chậm chạp quay một cách yếu ớt. Đây là một trong những căn phòng bình dân với giá 50 ngàn đồng/ngày. Khi chúng tôi hỏi sao không nằm ở phòng "VIP" cho đỡ chật chội, anh bạn lắc đầu quầy quậy: "VIP chỉ hơn cái máy lạnh chứ có gì đâu. Khối người còn nằm ngoài hành lang kia kìa!".

Các loại giá và các kiểu "giường" nằm hành lang

Chẳng cần đợi đến lúc anh bạn giới thiệu, chúng tôi đã chứng kiến cái cảnh sống vật vờ của những bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang trước khi bước vào đây. Không phải vì chỗ ngoài hành lang chỉ 30 ngàn đồng/ngày nên người ta chen chúc nhau đông vậy đâu! Số là những người này thuộc diện "kẻ đến sau" nên đành chấp nhận nằm "bên lề” thôi. Mà nằm "bên lề" hành lang cũng có nhiều dạng. Dạng đến trước (nhưng hết phòng) thì được nằm băng ca, còn đến sau phải nằm ghế bố. Rồi những người đến sau nữa thì đành phải trải chiếu ngồi tựa lưng vào chân tường.

Bệnh viện CTCH xây dựng cách đây trên 40 năm. Cơ sở vật chất đã xuống cấp đến mức đáng báo động. Tình trạng ấy không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các bệnh nhân mà còn ảnh hưởng tới những thiết bị kỹ thuật hiện đại dùng cho chuyên môn, vì đó là những vật cần bảo vệ an toàn; lực lượng y bác sĩ cũng cần phải có một chỗ đàng hoàng để yên tâm chăm lo cho người bệnh. Nhưng tiếp xúc với chúng tôi, bác sĩ Trần Thanh Mỹ, Giám đốc BV tỏ ra lạc quan trước một lối ra mà ngành y tế TP.HCM đã mở. Theo ông, trước mắt BV đang tiến hành bắt tay vào việc sửa chữa lớn bằng nguồn kinh phí trên 4 tỉ đồng mà UBND TP.HCM đã duyệt cấp. Trong tương lai, một dự án trên diện tích hơn 4ha, với tổng vốn đầu tư hơn 100 tỉ đồng cũng sẽ được khởi động tại khu điều trị kỹ thuật cao ở quận Bình Tân, TP.HCM.

Chúng tôi nài nỉ anh bạn cố lết đi... giao lưu với các bạn phòng VIP để tìm hiểu. Mấy ngày nằm bẹp một chỗ, nay "được lời như cởi tấm lòng", anh ta xông xáo ra mở cửa. Nhưng hỡi ơi, một cảnh tượng nhốn nháo diễn ra trước mắt chúng tôi: Những người bệnh từ bên khoa Cột sống A và khoa Chi dưới đang cố "trườn" ra khỏi phòng, còn những người nằm ngoài hành lang nhổm cả dậy, cố di chuyển vào sát chân tường. Thì ra, từ sáng tới giờ trời mưa rả rích, đến gần trưa thì mưa thành "cao trào", cửa sổ của các phòng do "không khép bao giờ" nên nước từ ngoài cứ thế mà dội vào. Khổ cho các bệnh nhân, nếu có người thân thì còn được dìu ra, còn không thì... Có những người phải lom khom dợm từng bước, có người thì một chân, một nạng... nhảy lò cò. Một bệnh nhân quê Đồng Tháp cằn nhằn bà vợ: "Đi mua nước gì mà lâu thế, để nước mưa ướt cả cái chân đang bó bột!". Mấy anh chàng "ngồi nửa mông" (do một chân bị bó bột lên tận háng) đang đổ thừa trách nhiệm cho nhau, rằng: "Sao mày vào sau mà không mang theo bàn cờ (bàn cờ để giải trí)?". Anh chàng cắt tóc đầu đinh đưa tay áo lên quệt nước mưa trên mặt nói: "Tụi mày ngồi phía trong, lết vào dễ hơn, sao không huơ luôn đi...!".

Một bà già đưa bàn tay run run đỡ lấy cặp lồng cơm ông già đang ăn. Cái trứng vịt kho với cà chua bị nước mưa "rửa sạch" trở nên trắng toát. Bà khó nhọc xoay cái chân bó bột của chồng theo dọc bờ tường cho đỡ ướt, rồi cầm cái muỗng, xắn từng miếng cơm đút vào miệng chồng.

Một anh chàng bị té lầu gãy xương sống đang nằm trên băng ca ngoài hành lang liếc xéo đám người đang chen lấn tránh mưa mà từng chút, từng chút nhẹ nhàng đẩy anh dạt dần ra ngoài mưa. Hình như không ai để ý đến vẻ khó chịu trên gương mặt anh ta. Anh ta nhập viện tối hôm trước, do chưa có phòng, chưa có người nhà, nên đành nằm ngoài hành lang chờ có chỗ trống... Anh bạn của chúng tôi xua tay: "Không giao lưu, dao búa gì hết, về, về thôi!".

Nỗi buồn phòng VIP

Chúng tôi dắt díu nhau qua một phòng VIP bên khoa Cột sống B. Đúng thật, loại phòng này chỉ hơn ở cái máy lạnh, giá 90 ngàn đồng/ngày. Gọi là "phòng VIP" cho nó oai, chứ thực chất vẫn là cái quạt trần cũ kỹ, một cái tủ tróc sơn và một cái cửa sổ xếp, thanh còn thanh mất, được che bằng một miếng vải xanh nay đã chuyển sang màu đen. Phòng có máy lạnh mà vẫn có thể hưởng khí trời một cách tự do. Phòng VIP có một cái "hơn" mà anh bạn chúng tôi vô cùng khoái chí, đó là được thưởng ngoạn cảnh mây trời ngay... trong nhà vệ sinh. "Phòng VIP gì mà nhà vệ sinh không có mái che!". Dù chúng tôi có giải thích cách nào anh ta cũng ngửa mặt lên trời cười chế giễu.

Khoa Hồi sức cấp cứu cũng bị thấm dột. Ảnh: CTV

Lần này đến lượt anh "bệnh nhân" phòng VIP dụ chúng tôi đi xem phòng dịch vụ. "Phòng dịch vụ là những căn phòng được trang bị tương tự phòng VIP, chỉ khác là toilet nằm ngay cửa ra vào và có mái che" - sau khi ngắm nghía căn phòng, anh bạn của chúng tôi rút ra một định nghĩa như vậy. Gọi là "phòng dịch vụ" vì những bệnh nhân ở đây sẽ được phục vụ theo ý muốn. Với những loại phòng này, giá sẽ là 130.000 đồng/ngày. Các nhân viên sẽ phục vụ tận tình khi người bệnh có yêu cầu. Một bác quê ở Quảng Ngãi đã nằm đây được 5 ngày, khen: "Chưa thấy một phòng nào mà lý tưởng như phòng này. Được phục vụ theo yêu cầu, mà mưa vẫn không... ướt hết cả phòng" (chỉ dột một số nơi). Sau một hồi nhỏ to tâm sự, ông bác xứ Quảng còn "tiếp thị" thêm: "Còn có loại phòng "siêu dịch vụ", khi cần gì, cứ bấm chuông, khỏi phải kêu, giá là 180.000 đồng/ngày". Phòng đó như thế nào? Thay vì trả lời trực tiếp, ông bạn vui tính bảo chúng tôi quan sát kỹ cái phòng này. Anh bạn "bệnh nhân" nhanh nhảu: "Phòng siêu dịch vụ là một loại phòng tương tự phòng dịch vụ...", tôi huých vào sườn anh ta: "Biết rồi, khổ quá, nói mãi!".

Khi ra về, ngang qua khu vực Phòng khám của bệnh viện, chúng tôi thấy chị bán nạng gỗ đang ngồi lọt thỏm trong "góc nhọn" của một căn phòng hình tam giác. Chị đang thiu thiu ngủ, những người đến chọn nạng khó nhọc lắm mới giơ được cái nạng lên, thọc qua song cửa sổ đánh thức chị. "Trời mưa cứ mặc trời mưa", các bệnh nhân vẫn kiên nhẫn trùm áo mưa kín đầu chờ đến lượt mình.

Nguyễn Thiệu Bảo Thiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.