Cô bé “trị bệnh” buồn ngủ trong lớp

02/07/2013 03:00 GMT+7

Với dụng cụ “Học môn khoa học tự nhiên lớp 2” tự chế, Phan Lê Ánh Dương (8 tuổi, ngụ ở H.Hóc Môn, TP.HCM) mong muốn không khí lớp học bớt uể oải.

Có ý tưởng vì… điểm kém

Tháng 6 vừa qua, Phan Lê Ánh Dương đã đoạt giải ba cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu nhi TP.HCM 2013 với sản phẩm sáng tạo “Học môn khoa học tự nhiên lớp 2”. Chia sẻ về mô hình này, Ánh Dương hồn nhiên kể: “Khi thi học kỳ, con bị điểm thấp do ghi lộn những loại cá. Cá thu, cá ngừ con ghi là cá nước ngọt; còn cá ba sa, cá rô phi... thì ghi là cá nước mặn. Ghi sai nên con tức quá, suy nghĩ phải làm cái gì đó để vừa học vừa chơi cho dễ nhớ”.

Sau giờ học, Dương cặm cụi đi gom nhặt những vỏ hộp sữa và những hộp xốp. Tiếp đó, cô bé cắt, vẽ thành hình những con cá nước ngọt và nước mặn (dựa theo hình ảnh những loại cá tìm kiếm được trên internet). Cô bé nhận xét: “Trên lớp, chúng con thường giở sách ra chép bài. Ngay những tiết học về khoa học tự nhiên, chúng con cũng chỉ được xem những hình vẽ in không rõ nét trên đó. Vì vậy, con thấy không khí lớp học dễ buồn ngủ hoặc học xong không nhớ nổi loài nào với loài nào”. Ánh Dương giới thiệu về mô hình của mình: “Trong tiết học, cô giáo sẽ treo một bức tranh có vẽ sông vẽ biển và ghi tên những loại cá. Gần đó, có một cái rổ đựng những con cá giả. Cô gọi tên loại cá nào, học sinh sẽ thi nhau chạy lên lấy cá trong rổ gắn vào bức tranh cho khớp. Học như vậy, không khí của lớp sôi động hơn, tụi con sẽ vui hơn và nhớ lâu hơn”.

 
Phan Lê Ánh Dương với những sản phẩm bảo vệ môi trường - Ảnh: Như Lịch

Bảo vệ môi trường từ lúc 5 tuổi

Chị Lê Thị Huệ, mẹ của Phan Lê Ánh Dương, cho biết: “Hồi 5 tuổi, Dương coi trên ti vi thấy hình ảnh một học sinh bị ung thư nặng sắp phải lìa đời, dù cha mẹ cô bé đã bán hết nhà cửa để chữa bệnh. Sau khi nghe giải thích môi trường bị ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến bệnh ung thư của con người, cháu cứ day dứt mãi”.

Và đó không phải là những cảm xúc thoáng qua nhất thời của một đứa trẻ. Theo chị Lê Thị Huệ, mỗi khi thấy rác thải là Ánh Dương hay thắc mắc với hàng loạt câu hỏi: “Rác này dùng làm gì hả mẹ?”, “Sao người ta không tận dụng vỏ gói mì tôm mà đốt nó hôi quá vậy mẹ?”… Một hôm, người mẹ bất ngờ khi thấy Ánh Dương tỉ mẩn ngồi xếp bông hoa rất đẹp từ một số loại giấy phế thải. Với sự hướng dẫn bước đầu của mẹ, Ánh Dương đã tạo rất nhiều móc khóa hay những vật dụng xinh xắn trong nhà từ việc tái sử dụng những loại rác thải. Trong những lần hội chợ, triển lãm, cô bé mạnh dạn đứng bán những sản phẩm của mình để gây quỹ từ thiện và mua sách vở. Bên cạnh đó, Ánh Dương còn tạo ra một số đồ dùng học tập dành tặng những học trò nghèo vùng nông thôn.

Suốt 3 năm nay, Dương liên tục đoạt nhiều giải thưởng sáng tạo. Năm 6 tuổi, cô bé đoạt giải ba cuộc thi thiết kế thời trang giấy của một công ty. 7 tuổi, với sản phẩm “Thùng rác bốn ngăn - khu vui chơi giáo dục kỹ năng sống”, Ánh Dương giành được giải ba cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu nhi TP.HCM. Với ý tưởng kinh doanh những sản phẩm làm từ rác thải để bảo vệ môi trường, Ánh Dương đã đoạt giải nhì cuộc thi “Bé xinh của mẹ” do Nhà thiếu nhi TP.HCM tổ chức.

Một trong những ý tưởng tâm huyết của cô học trò nhỏ Phan Lê Ánh Dương là xây dựng khu vui chơi cho bệnh nhân ung thư. Cô bé đang ấp ủ ước mơ rất ngộ nghĩnh và cũng rất… môi trường, đó là: Cả gia đình Dương sẽ đi vòng quanh trái đất bằng xe đạp. Trên đó, người mẹ ngồi trước cầm tay lái, người cha bị khiếm thị ngồi sau, còn Dương dĩ nhiên ngồi giữa hai người!

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.