Cuộc đua công nghệ robot EU - Nhật Bản

12/10/2005 21:45 GMT+7

Việc các thế hệ robot có xuất xứ từ Nhật Bản tinh vi, gọn nhẹ và giống người chinh phục thị trường robot thế giới khiến Liên minh châu u (EU) như "ngồi trên lửa". Không để đối thủ qua mặt, EU đã quyết định phải "tăng tốc" trong cuộc đua này.

Sốt ruột

"EU phải trụ vững vị trí đi đầu trong công nghệ chế tạo robot và mở rộng ứng dụng của nó vào các ngành dịch vụ, an ninh, hàng không... EU không thể để thị trường robot với  tiềm năng rất lớn rơi vào tay Mỹ, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc". Những dòng chữ này đã xuất hiện trên một trang web về nghiên cứu robot vừa được các công ty của EU đưa ra. Đây cũng là nội dung của cuộc họp phát động các chương trình nghiên cứu về robot của các thành viên EU hồi tuần rồi. Trong bối cảnh quy mô sản xuất robot của thế giới hiện lớn gấp đôi so với 5 năm trước, đạt giá trị 11 tỉ USD mỗi năm và dự kiến đến năm 2025, con số này sẽ tăng gấp 6 lần, giới chức EU đã nhìn nhận một thực tế là dù có những thế mạnh riêng nhưng số lượng robot do khối sản xuất có mặt trên thị trường quốc tế còn khá khiêm tốn (35%) và chủ yếu là sản phẩm robot công nghiệp. Đã vậy, con số này đang giảm xuống trong khi tiềm năng về thị trường robot công nghiệp rất lớn. Chỉ riêng ở châu u, mức độ ứng dụng robot vào các ngành hiện chỉ mới chiếm 15%. Do vậy, việc phát triển ngành sản xuất robot không chỉ giúp hiện đại hóa nền công nghiệp của EU mà còn củng cố thế mạnh và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế lục địa già.

Xu hướng robot gần gũi với con người  

Mỗi năm EU chi 100 triệu USD cho nghiên cứu và phát triển robot, tương đương với Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi Mỹ mỗi năm chi 500 triệu USD.

Phải chăng EU "say đắm" quá lâu với thế mạnh về robot mang tính học thuật, chuyên phục vụ nghiên cứu hoặc trong các ngành y tế, năng lượng, an ninh và quốc phòng mà để cho các đối thủ như Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc qua mặt trong lĩnh vực robot giống người. Thời gian gần đây, Mỹ và Nhật Bản liên tục tung ra các thế hệ robot mới thông minh hơn, có bề ngoài giống người hoặc các con vật hơn. Không thuần túy với chức năng giải phóng con người khỏi công việc lao động chân tay nặng nhọc, nhàm chán hoặc mạo hiểm như trước đây, chúng đã trở nên quen thuộc và có mặt ở khắp mọi nơi, làm nhiều công việc từ công nhân vệ sinh, đến thư ký riêng và thậm chí là lễ tân... Bản báo cáo thường niên của Liên Hiệp Quốc về robot trên thế giới vào năm 2004 cho biết đến cuối năm 2007 sẽ có 4,1 triệu robot giúp việc nhà, 2,5 triệu robot giải trí tại nhà so với hiện nay là 137 ngàn robot. Tháng 9 vừa rồi, Công ty Mitsubishi Heavy Industries (Nhật Bản) đã tung ra robot "ôsin" giống người được gọi là Wakamaru. Không chỉ nhận biết được 10 gương mặt, hiểu rõ 10 ngàn từ, nó có thể cảnh báo trộm và làm cả công việc của một thư ký riêng như ghi chép thông tin, lên lịch, nhắc nhở chủ nhân về các cuộc hẹn trong ngày... Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cũng đang phát triển các robot kích thước nhỏ có hình dạng như những con kiến để làm việc theo nhóm. Chúng có thể linh động biến đổi hình dạng để thích nghi với việc đi lại trên mọi địa hình.

EU phải làm gì?

Cao ủy phụ trách Xã hội và Truyền thông của EU V.Reding cho rằng mặc dù Ủy ban châu u (EC) đã đặt ra các nền móng về tài chính mạnh mẽ hơn cho việc nghiên cứu robot, nhưng một số thành viên của EU không mặn mà lắm với kế hoạch này. Theo bà Reding, công nghệ sản xuất robot sẽ mai một dần do nạn thất nghiệp và những đợt sa thải hàng loạt. Trong khi đó, theo Giám đốc phát triển công nghệ của EU tại Bỉ U.Dahlsten, đổi mới chính là liều thuốc cho công nghệ robot của EU và việc phối hợp nghiên cứu giữa sản xuất robot học thuật và robot công nghiệp chính là giải pháp mà EU nghĩ đến. Lúc này, Công ty Hàng không vũ trụ châu u (EADS), Tập đoàn phát triển phần mềm BAE Systems và Tập đoàn công nghệ Philips đã nghĩ đến việc bắt tay nghiên cứu và phát triển các loại robot gần gũi với con người.

Uyên Phi
(Theo BBC, Euroactiv)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.