Trường CĐ bán công Công nghệ và quản trị doanh nghiệp (TP.HCM): Đào tạo 5 ngành khi chưa có phép

23/10/2008 23:58 GMT+7

Vừa qua, lãnh đạo Ban quản lý khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, Ban giám hiệu trường CĐ bán công Công nghệ và quản trị doanh nghiệp đã ra Hà Nội giải trình với Bộ GD-ĐT xung quanh vụ việc trường này đào tạo 5 ngành trong khi chưa có quyết định mở ngành của Bộ GD-ĐT.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Ngô Kim Khôi (ảnh), Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết: 

Tại buổi làm việc này, Ban giám hiệu trường CĐ bán công Công nghệ và quản trị doanh nghiệp đã thừa nhận sai phạm khi đào tạo tới 5 ngành từ năm 2002 khi chưa có phép. Điều này thể hiện sự lỏng lẻo, yếu kém trong quản lý của Ban lãnh đạo khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM cũng như của ban giám hiệu nhà trường.

* Bộ GD-ĐT đã có chỉ đạo như thế nào để đảm bảo quyền lợi của sinh viên (SV) đã và đang theo học các ngành đào tạo khi chưa có phép, thưa ông?

- Quan điểm chỉ đạo của Bộ là phải đảm bảo quyền lợi của SV trên cơ sở hợp pháp. Đối với những SV đã nhận bằng từ các khóa trước thì không truy xét lại, nhưng với những SV đã học xong và đang chờ cấp bằng thì nhà trường phải có trách nhiệm rà soát lại từng trường hợp SV của cả 5 ngành này. Với những SV mặc dù đã học xong nhưng đối chiếu với chương trình khung mà Bộ GD-ĐT ban hành, nếu chưa học đủ thời gian, chưa học đủ kiến thức chương trình của ngành đó thì phải học bổ sung để đảm bảo điều kiện mới được cấp bằng. Còn những SV đang học thì chắc chắn sẽ phải áp dụng ngay chương trình khung đó vào để tiếp tục đào tạo.

* Đối với những ngành mà trường này đào tạo khi chưa được cấp phép thì tới đây sẽ xử lý ra sao?

- Chúng tôi đã yêu cầu nhà trường phải hoàn thiện hồ sơ trình lên Bộ GD-ĐT để xin phép mở mã ngành đào tạo. Tuy nhiên, 5 ngành đó sẽ ghép lại thành 3 ngành: Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng.

Tất nhiên, hồ sơ này phải đảm bảo đủ điều kiện thì chúng tôi mới trình lên Bộ trưởng để ra quyết định mở ngành đào tạo cho trường đó. Nếu ngành nào chưa đáp ứng được đủ yêu cầu theo quy định thì sẽ kiên quyết không cho phép trường đó mở mã ngành chứ không phải chỉ làm thủ tục để "hợp thức hóa" những vi phạm.

* Những quy định đó là gì, thưa ông?

Với những SV mặc dù đã học xong nhưng đối chiếu với chương trình khung mà Bộ GD-ĐT ban hành, nếu chưa học đủ thời gian, chưa học đủ kiến thức chương trình của ngành đó thì phải học bổ sung để đảm bảo điều kiện mới được cấp bằng - Ông Ngô Kim Khôi

- Hồ sơ xin mở ngành bao gồm 12 điểm, trong đó có điều kiện về đội ngũ giáo viên, chương trình đào tạo, điều kiện về cơ sở vật chất. Ví dụ, về đội ngũ giảng viên phải đảm bảo 70% là giảng viên cơ hữu, trong đó có ít nhất 2 thạc sĩ chuyên ngành đó. Hồ sơ này sẽ được vụ chức năng xem xét và phê duyệt trong vòng 7 ngày, nếu đầy đủ các điều kiện theo yêu cầu thì Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ có quyết định cho phép mở mã ngành đối với cơ sở đào tạo đó trong vòng 30 ngày tiếp theo.

* Bộ GD-ĐT là nơi cung cấp phôi bằng cho các trường. Vậy những khóa SV trước học ở các ngành đào tạo chưa có phép nhưng vẫn được cấp bằng đầy đủ thì cũng đồng nghĩa với việc bộ phận cấp phôi bằng của Bộ có vấn đề. Bộ có xem xét trách nhiệm của bộ phận này không?

- Căn cứ để Bộ cấp phôi bằng cho các trường là quyết định giao chỉ tiêu đào tạo, chứng nhận nhập học và chứng nhận tốt nghiệp của nhà trường đối với SV. Những năm trước thì việc cấp phôi bằng cho các trường khu vực phía Nam sẽ do văn phòng Bộ ở miền Nam chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ phải xem xét cụ thể hơn về trường hợp cấp phôi bằng cho trường CĐ bán công Công nghệ và quản trị doanh nghiệp. 

Ông Trần Bá Giao - Phó chánh Thanh tra - Bộ GD-ĐT cho biết: "Sau 5 tháng tiến hành thanh tra, UBND TP.HCM đã có kết luận về những vi phạm của trường CĐ bán công Công nghệ và quản trị doanh nghiệp. Trong kết luận này có kiến nghị xử lý một số trường hợp sai phạm và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra về vi phạm hình sự đối với một trường hợp là hiệu trưởng cũ của trường".

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.