Nhà sáng lập WikiLeaks bị bắt

07/12/2010 23:14 GMT+7

WikiLeaks tuyên bố sẽ tiếp tục tung ra đều đặn các mật điện ngoại giao mới, bất chấp việc nhà sáng lập website này đã bị cảnh sát Anh bắt vào hôm qua.

Như tuyên bố trước đó, nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange đã nộp mình cho cảnh sát Anh vào hôm qua sau khi Thụy Điển phát thêm lệnh bắt mới có hiệu lực tại châu u. Ông Assange, cùng với các luật sư là Mark Stephens và Jennifer Robinson, đã đến sở cảnh sát tại London vào 9 giờ 30 sáng giờ địa phương (16 giờ 30 giờ VN) theo đúng lịch hẹn. Tại đây, người làm khuynh đảo chính trường thế giới đã bị bắt theo lệnh châu u. Giới chức Thụy Điển đã yêu cầu ông trình diện để làm rõ cáo buộc về xâm hại tình dục đối với 2 nữ tình nguyện viên của WikiLeaks hồi tháng 8, điều mà ông luôn bác bỏ. Trước đó, cảnh sát Anh biết được nơi ở của Assange nhưng không truy bắt vì lệnh “cảnh báo đỏ” của Interpol không thể buộc cảnh sát địa phương tham gia vào vụ bắt giữ một nghi can. Chỉ sau khi Thụy Điển đưa ra lệnh bắt ở châu u, ông Assange mới xuất đầu lộ diện.

Cho đến tối 6.12, ông Assange và đội ngũ luật gia liên tục thay đổi địa điểm ra trình diện để tránh tình trạng hỗn loạn về truyền thông, theo Guardian. Sau khi trình diện cảnh sát, nhà sáng lập WikiLeaks xuất hiện trước tòa địa phương tại thành phố Westminster để quyết định thời gian dẫn độ về Thụy Điển. Tòa sẽ có 21 ngày để xác định có dẫn độ ông này hay không. Trong trường hợp phán quyết bất lợi, ông Assange có thể đệ đơn kháng cáo lên tòa cao hơn và ông sẽ làm điều này, theo luật sư bên bị. Trước đó, luật sư người Anh Mark Stephens nói ông Assange có thể dựa trên lý lẽ rằng giới chức Thụy Điển có thể tra hỏi thông qua điện thoại truyền hình trực tuyến từ Stockholm, hoặc tại sứ quán nước này ở London và khẳng định rằng lệnh dẫn độ có động cơ chính trị. Luật sư Stephens cho biết thêm thân chủ của ông cũng đang muốn nghe trực tiếp từ giới công tố Thụy Điển về các cáo buộc mà ông phải đối mặt, cũng như chứng cứ chống lại ông.

Tờ The New York Times dẫn thông cáo của cảnh sát Anh rằng ông Assange đối mặt với cáo buộc từ chính quyền Thụy Điển về tội ép buộc phi pháp, 2 tội về quấy rối tình dục và một tội cưỡng hiếp. Theo đó, 2 phụ nữ cho hay họ ban đầu đã đồng ý quan hệ tình dục với ông Assange nhưng sau đó chống cự khi ông này không chịu sử dụng bao cao su.

Tương lai vô định

Dù vẫn còn nhiều tranh cãi, vụ bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks đã mở ra một loại các câu hỏi mới xung quanh tương lai của ông Assange, khi mà Bộ Tư pháp Mỹ tại Washington cho hay đang tiến hành một cuộc điều tra vô cùng nghiêm trọng đối với vấn đề WikiLeaks. Trong hơn 10 ngày qua, WikiLeaks đã tung ra hơn 1.000 trong số hơn 250.000 điện tín ngoại giao của Mỹ. Ông Assange từng khẳng định sẽ tiếp tục tung thêm nhiều tài liệu gây sốc mới nếu mình hoặc website WikiLeaks bị vướng vòng vây của pháp luật. “Hơn 100.000 người” đã nhận được toàn bộ dữ liệu của 251.287 điện tín đã được mã hóa và bất cứ chuyện gì xảy ra cho ông Assange, những phần chủ chốt nhất sẽ tràn ngập internet, theo Guardian dẫn lời ông này hôm 3.12. Cũng theo tờ báo này, ông Assange hiện thời vẫn chưa có ý định tung ra “át chủ bài” như đã cảnh báo.

Giữa lúc đó, WikiLeaks tuyên bố trên trang Twitter rằng sẽ tiếp tục tung ra nhiều thư tín ngoại giao bất chấp thực tế nhà sáng lập trang đang bị tạm giam. Nội dung tin nhắn trên Twitter là: “Chuyện xảy ra đối với nhà sáng lập Julian Assange sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của WikiLeaks: chúng tôi sẽ tiết lộ thêm nhiều thư tín tối nay như thường lệ”. Trước đó, Ngân hàng PostFinance của Thụy Sĩ đã đóng băng tài khoản của Assange với lý do ông này cung cấp thông tin sai lệch về nơi ở của mình khi mở tài khoản. Với sự rút lui đồng loạt của các nhà cung cấp máy chủ là Amazon.com, EveryDNS.net, và công cụ trả tiền qua mạng PayPal.com, ông Assange và WikiLeaks đã mất 100.000 euro/tuần. Hôm qua, đến phiên nhà cung cấp dịch vụ thẻ tín dụng MasterCard từ chối các giao dịch điện tử có liên quan đến WikiLeaks. Đường đóng góp duy nhất hiện nay là thông qua nhà cung cấp dịch vụ thẻ tín dụng Visa đến một website ở Iceland.

Theo The New York Times, loại tư liệu điện tín ngoại giao Mỹ đầu tiên đã được tung ra gần hết và 5 cơ quan truyền thông có được toàn bộ dữ liệu này tuyên bố chưa có kế hoạch công bố thêm. Còn kho tài liệu trên mạng vẫn chưa được bẻ khóa bất chấp cố gắng của các chuyên gia Mỹ.

NATO lên kế hoạch chống Nga

Theo tiết lộ mới của WikiLeaks đăng trên tờ Guardian, lần đầu tiên kể từ thời Chiến tranh lạnh, NATO đã đồng ý thông qua những kế hoạch bí mật với mục tiêu bảo vệ phần đông bắc châu u trước cái mà họ gọi là đe dọa từ phía Nga. Sau cuộc chiến giữa Nga và Georgia hồi tháng 8.2008, các nước láng giềng Nga tỏ ra sợ hãi và yêu cầu NATO bảo vệ. Đức và các quốc gia Tây u trước đây liên tục phản đối các kế hoạch tăng cường bảo vệ cho các quốc gia vùng Baltic, với lo ngại có thể làm phật lòng Nga. Tuy nhiên, sau xung đột giữa Nga và Georgia, Đức cuối cùng đã đề xuất ý kiến triển khai kế hoạch Eagle Guardian (tạm dịch là Đại bàng Bảo vệ). Cũng theo tờ Guardian, giới lãnh đạo NATO được cho là đã thông qua chiến lược mới nhằm bảo vệ những khu vực dễ tổn thương của Đông u trong vòng bí mật tại một hội nghị ở Lisbon (Bồ Đào Nha) hồi tháng rồi.

Bức điện cũng cho biết, trong những cuộc đối thoại với Warsaw, Washington đã đề nghị trợ giúp Ba Lan tăng cường khả năng phòng thủ trước đối thủ Nga hùng mạnh. Theo đó, Lầu Năm Góc sẽ triển khai các lực lượng hải quân đặc biệt đến những cảng chiến lược ở vùng Baltic là Gdansk và Gdynia, đặt phi đội chiến đấu cơ F-16 tại Ba Lan và luân chuyển các máy bay vận tải C-130 từ căn cứ quân sự Mỹ tại Đức đến quốc gia láng giềng của Nga. Guardian dẫn thông tin từ báo Ba Lan Gazeta Wyborca cho hay 9 sư đoàn của NATO đã xác định rõ các chiến dịch trong trường hợp Nga điều quân tràn qua biên giới Ba Lan hoặc khu vực Baltic. Khi đó, các cảng cụ thể tại Bắc Ba Lan và Đức sẽ tiếp nhận các lực lượng hải quân cũng như tàu chiến của Anh và Mỹ. Các cuộc tập trận đầu tiên của NATO theo kế hoạch trên sẽ diễn ra tại Baltic vào năm sau, theo Guardian.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.