Dân khổ vì sân golf

31/10/2008 00:26 GMT+7

Bài 1: Mất đất, mất đường và… thất học Theo quyết định của chính quyền tỉnh Hòa Bình, năm 2004, trên 300 hộ dân xã Lâm Sơn, H.Lương Sơn rời bỏ nơi họ đã sinh sống hơn nửa thế kỷ để nhường lại hơn 300 ha đất nông, lâm nghiệp cho việc xây dựng một sân golf 54 lỗ do Tập đoàn Charmvit (Hàn Quốc) đầu tư. Đổi lại, không phải là một cuộc sống sung túc ấm no như họ từng hy vọng mà là thất nghiệp, là ô nhiễm môi trường, là bất trắc...

Mất đường và nguy cơ thất học

Con đường dẫn đến xóm Thung Dâu (thuộc xã Lâm Sơn), nơi cư ngụ của khoảng 20 hộ dân với gần 100 nhân khẩu phải đi qua cửa chính của sân golf 54 lỗ mang tên Phượng Hoàng. Sau khi xuất trình giấy tờ và phải xin phép bảo vệ để được vào xóm, chúng tôi mò mẫm theo con đường mòn cách cổng sân golf chừng 300m để ngược lên Thung Dâu. Con đường vừa nhỏ, vừa dốc, lại trơn tuột. Nhiều đoạn xe máy không thể đi được, phải xuống xe, cài số một rồi dắt vượt lên đoạn dốc ngược kéo dài cả trăm mét. Mất cả tiếng đồng hồ chúng tôi mới vào được xóm.

 

Nước dân sử dụng thường có mùi hôi thuốc trừ sâu

Ông Nguyễn Xuân Lộc, trưởng xóm Thung Dâu, cho biết con đường trước kia đến Thung Dâu từ quốc lộ 6 chỉ chừng 2 cây số và rất dễ đi, nhưng từ sau khi sân golf được xây dựng, Thung Dâu trở thành một “ốc đảo”. Con đường cũ bị chủ sân golf cho chặn lại, muốn ra vào Thung Dâu người dân chỉ còn cách đi theo con đường mòn kéo dài gần 10 km vòng vèo qua núi. "Đi lại giờ khó khăn lắm, người dân xóm mỗi lần thu hoạch nông sản đem xuống xã bán phải gồng gánh đến 2-3 tiếng đồng hồ vượt dốc núi mới đem được dăm ba buồng chuối xuống Lâm Sơn để bán. Nhiều cháu ở xóm này đã phải bỏ học vì đường đi quá xa. Đứa nào học sáng phải dậy từ 3 giờ để ăn uống, chuẩn bị sách vở đến trường; cháu học chiều thì gần 7-8 giờ tối mới về đến nhà, mà bố mẹ phải bỏ công việc đi đón vì sợ không an toàn", ông Lộc kể.

Sau khi nhượng lại đất để xây dựng sân golf, anh Bạch Công Thiềm, 31 tuổi, chuyển ra khu tái định cư (TĐC) ở xóm Rổng Vòng, gần đường quốc lộ sinh sống. Thế nhưng gia đình anh vẫn còn ruộng nương ở phía sau sân golf. Từ hai năm nay, gần như hôm nào anh cũng phải lội bộ ra vào hơn 20 km để đi làm nương. Đến mùa thu hoạch, anh Thiềm lại bươn bải quang gánh mỗi ngày hai lượt, vượt tới gần 40 km đường núi để đem mấy buồng chuối xuống xã bán được khoảng 100 nghìn đồng.

Không chỉ cuộc sống của người dân Thung Dâu gặp những khó khăn, mà khoảng 20 trang trại của người dân trong xã đến vụ thu hoạch cũng không có cách nào vận chuyển ra ngoài. Anh Lê Trung Dũng, người xóm Rổng Vòng, chủ một trang trại ở Thung Dâu, cho biết vì không có đường nên hàng trăm gốc keo, luồng của anh vẫn đành bỏ phí mà không thể khai thác được. "Chúng tôi là dân vùng 3, nói là được ưu tiên đấy, nhưng không hiểu là ưu tiên nỗi gì. Làm được củ khoai củ sắn gánh xuống đường bán được bao nhiêu đâu mà khốn khổ quá. Có người đã đầu tư không biết bao nhiêu tiền vào trang trại mà đến giờ vẫn chưa thu được tiền. Có khi phá sản đến nơi", anh Dũng cám cảnh nói.

Ông Nguyễn Quang Hải, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình thừa nhận vấn đề đường đi cho người dân vào Thung Dâu phát sinh từ lúc bắt đầu xây dựng sân golf. Nhưng thay vì làm đường cho dân, tỉnh Hòa Bình lại hướng vào các "vấn đề khác", mà theo ông Hải là do nhà đầu tư lúc đó yêu cầu tập trung để kịp tiến độ giải golf quốc tế 2007.

Ám ảnh căn bệnh ung thư

Không chỉ gặp khó khăn trong việc đi lại, khoảng 4 năm nay tình trạng thiếu nước sinh hoạt là vấn đề mà người dân khu TĐC thường xuyên phải đối mặt.

Chị Hoàng Thị Thuận, xóm Rổng Tằm, cho biết sau khi được đưa đến khu TĐC, chính quyền và nhà đầu tư cam kết sẽ đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho dân. Thế nhưng chỉ được một thời gian ngắn ngủi được dùng “nước Hàn Quốc” (cách người dân địa phương gọi nước do ban quản lý sân golf cung cấp), sau đó người dân phải tự xoay xở tìm nguồn nước do sân golf bơm nước theo kiểu “bố thí”, dân kêu thì bơm, không kêu thì thôi, có khi cả tuần không bơm. Chị Thuận cũng cho biết nước do sân golf bơm cho người dân thực ra cũng chỉ là nước lấy từ suối Rổng Tằm chứ không có xử lý gì. Nhiều hôm nước rất đục, có cả váng, nhiều nhà phải dùng bình lọc nước mà vẫn không yên tâm. "Những nhà không có bình lọc nước đành phải dùng trực tiếp hoặc phải đi lấy ở khe núi về dùng. Hồi đầu họ nói nước đó chỉ bơm phục vụ xây dựng sân và tưới cỏ nhưng sau lại bơm trực tiếp cho dân ăn, tôi từng làm nhặt cỏ trong sân golf nên tôi biết rõ chuyện này”, chị Thuận nói. Theo một lãnh đạo xã Lâm Sơn, năm 2005 từng có một dự án xây dựng nhà máy nước tại xã được khởi công, dự kiến đến năm 2006 dân sẽ có nước sạch để dùng. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà sau đó dự án này ngừng hoạt động.

Đến các khu TĐC sân golf hiện nay, một hình ảnh khá trái ngược là cạnh những ngôi nhà to đẹp, khang trang là những đường ống nước lộ thiên do người dân phải tự bỏ mỗi nhà cả triệu đồng để dẫn nước từ các khe suối cách đó chừng 3-4 km về dùng. Mà nguồn nước này cũng không hề được đảm bảo. Theo tìm hiểu của chúng tôi, để giữ cho cỏ mịn, đẹp ban quản lý sân golf Phượng Hoàng thường xuyên cho phun các hóa chất diệt sâu bệnh, nấm mốc mà mùi bốc vào tận trong các xóm. Các hóa chất này theo đường dẫn của nước tưới được xả thẳng ra các suối, khe trong khu vực. Nhiều người dân ở các xóm lân cận đã có phản ánh về việc nước sinh hoạt có mùi thuốc sâu rất nặng.

 

Người dân phải chui qua hàng rào sân golf để đi tắt

"Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Hòa Bình đã cử cán bộ về đo đạc kiểm tra mức độ ô nhiễm của khu vực này, nhưng chưa thấy công bố kết luận gì. Hằng ngày phải dùng nước sinh hoạt có mùi thuốc trừ sâu, nhiều người dân ở đây luôn bị ám ảnh đến một lúc nào đó sẽ phát bệnh ung thư", bác Nguyễn Xuân Hoàng, ở xóm Rổng Tằm, lo lắng.

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhinh, Phó chủ tịch UBND xã Lâm Sơn, cũng xác nhận hiện hơn 3.000 dân thuộc các xóm Dốc Phấn, Rổng Tằm, Rồng Vòng, Rổng Cấn, Đồng Gạo và xóm 8 vẫn đang phải sử dụng nguồn nước này. “Biết là ô nhiễm, biết là có nguy cơ bệnh tật rất cao nhưng người dân ở đây không còn cách nào khác”, bà Nhinh nói.

(Còn tiếp)

Phóng sự của T.Sơn – Cẩm Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.