Sự đồng nhất quý giá

28/09/2005 00:35 GMT+7

Ngày 20.9 vừa rồi, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã tổ chức một cuộc hội thảo khoa học tại Nhà tưởng niệm cố Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình (TP.HCM) về hai sự kiện lịch sử của Giáo hội: 40 năm Công đồng Vatican 2 kết thúc và 25 năm Thư chung của các giám mục Việt Nam.

Nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ, các dòng nam nữ tu, nhiều học giả quan tâm đến đạo Thiên Chúa đã tham gia cuộc hội thảo. Đức Hồng y Tổng giám mục giáo phận TP.HCM có mặt và phát biểu. Công đồng Vatican 2 là sự chuyển hướng quan trọng của đạo Thiên Chúa trên phạm vi toàn cầu, đặt những cơ sở cho nhu cầu thích ứng của Giáo hội với xu thế phát triển của thế giới đương đại. Còn ở Việt Nam, Thư chung của các giám mục là một bước ngoặt, thể hiện khẩu hiệu "Sống phúc âm giữa lòng dân tộc" - một sáng tạo hài hòa được ý Chúa với lòng giáo dân người Việt Nam. Tôi nhớ, trong kháng chiến chống Pháp, ở Nam Bộ, Liên đoàn Công giáo kháng chiến nêu cao khẩu hiệu "Thiên Chúa và Tổ quốc", sức mạnh liên kết nội bộ giáo dân, các "chủ chăn", "con chiên" và cộng đồng người theo đạo Thiên Chúa với phong trào kháng chiến của toàn dân. Đó cũng là động lực kháng chiến của tín đồ theo đạo Chúa khắp đất nước. Tại TP.HCM, sau ngày đất nước hoàn toàn độc lập và thống nhất, những người từng tham gia ở các mức khác nhau cuộc đấu tranh vì chính nghĩa của dân tộc đã xuất bản tờ Công giáo và Dân tộc - chính là sự nối tiếp truyền thống ấy, không chỉ trên mặt truyền thông đại chúng. Tóm lại, xu thế "đồng hành với dân tộc" chưa bao giờ vắng mặt trong những người "kính Chúa, yêu nước", bởi đó là cái lẽ đương nhiên.

Nếu thừa nhận rằng đạo Thiên Chúa được truyền bá đầu tiên vào Việt Nam năm 1533 - niên lịch này chắc có xê dịch ít nhiều - thì đến năm 1980, những thừa sai truyền bá Phúc âm đặt chân lên đất nước Việt Nam chính xác là 447 năm. 4 thế kỷ rưỡi ấy, chuyện buồn vui lẫn lộn. Tuy nhiên, chính cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, hai cuộc kháng chiến của dân tộc cực kỳ oanh liệt mà cũng cực kỳ gian khổ đã là "bà đỡ" cho cộng đồng người theo đạo Chúa ngẩng cao đầu trong đội hình người Việt Nam trên mặt trận đấu tranh của cộng đồng rộng lớn - đất nước, nhân dân và dân tộc nơi người theo đạo Chúa sinh ra, lớn lên, chung sống, cùng số phận với quê hương mình, đồng bào mình. Danh sách các giám mục, linh mục, tu sĩ - nam và nữ, tín đồ có mặt trong các bia đá, bia liệt sĩ như mọi chiến sĩ, người yêu nước Việt Nam.

Năm 1950, các giám mục Việt Nam có ra một Thư chung mà nội dung là chống Cộng, tức chống kháng chiến, chống Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nhắc đôi điều trên để có thể đánh giá chân xác Thư chung năm 1980 cùng 25 năm Thư chung ấy đi vào đời sống Phúc âm và xã hội của tín đồ đạo Thiên Chúa. 25 năm chỉ bằng 1/18 thời gian đạo Thiên Chúa có mặt ở Việt Nam, nhưng nó đã làm được một công việc mà nhiều năm tháng trước đó cộng lại không thể làm được.

Tôi chia sẻ nỗi day dứt với đức giám mục Bùi Tuần trả lời trên Báo Công giáo Dân tộc nhân ngày Quốc khánh nước ta. Đức giám mục Bùi Tuần nói rõ về những khó khăn riêng của lương tâm một "chủ chăn": "Một đàng, độc lập và hòa hợp dân tộc luôn là lý tưởng tôi khao khát. Một đàng, chống Cộng lại là một mệnh lệnh của Bề trên trong đạo mà tôi phải vâng. Khó khăn lớn nhất là ở chỗ: thời điểm lịch sử tập trung vào việc giành độc lập và xây dựng đoàn kết chống ngoại xâm lại do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Có những lúc, lương tâm tôi cảm thấy diễn ra những xung đột gay gắt. Xung đột có chiều sâu thăm thẳm và có chiều rộng mênh mông. Xung đột lại kéo dài từ năm này sang năm khác. Vì thế, xin thú thật là quá khứ của tôi trong quá khứ của đất nước có nhiều nỗi nặng nề và đau đớn riêng khó tả". Chân thành, dũng cảm, nhìn thẳng sự thật - tôi đánh giá suy nghĩ và tình trạng của đức giám mục Bùi Tuần. Điều hiển nhiên và giải đáp tất cả là đức giám mục Bùi Tuần đã có thể trả lời trên báo chí nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Quốc khánh Việt Nam với tư cách là Giám mục Giáo phận An Giang.

Cũng xin được nhắc, trong những người ký tên Thư chung năm 1980 có giám mục Bùi Tuần và không chỉ có giám mục Bùi Tuần mà tất cả các giám mục thuộc Giáo hội Việt Nam vào lúc đó. Khi nhìn lại quá khứ, chúng ta có thể ít nhiều ngạc nhiên về ngày tháng ra Thư chung năm 1980, trước năm đất nước chúng ta chọn đường lối đổi mới đến 6 năm. Nói cách khác, sự chuyển động của những người theo đạo Chúa bắt nhịp với sự chuyển động đổi mới đang manh nha trong Nhà nước và lãnh đạo Việt Nam. Cái tất yếu dẫn đến Thư chung, xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng người theo đạo Chúa và từ sự phát triển của đất nước. Đương nhiên, Nhà nước mong muốn giáo hội tại Việt Nam tham gia tích cực vào sự nghiệp chung của dân tộc, song ý định kia phải có được khả năng đáp ứng thuận lợi. Thư chung là sự gặp gỡ giữa hai phía. Trên ý nghĩa ấy, chúng ta xem Thư chung như bản lĩnh của Giáo hội Việt Nam, một nét đặc sắc của Việt Nam, một thái độ dũng cảm. Đó là sản phẩm mang dấu ấn Việt Nam, mà hai cuộc kháng chiến đã thành môi trường bồi dưỡng cho những thay đổi lớn lao - người theo đạo Chúa ở Việt Nam trước hết là người Việt Nam.

Từ Thư chung ra đời đến nay, đã 1/4 thế kỷ, người Công giáo sống Phúc âm trong lòng dân tộc tiếp tục cuộc hành trình ngày mỗi an toàn hơn. Nếu nói rằng chặng đường đó và chặng đường sắp tới hoàn toàn thong dong là không đúng, bởi cuộc sống thật bao giờ cũng khúc khuỷu, trong tư thế tín đồ hay trong tư thế công dân. Những mặt tích cực của xã hội tác động thuận cho đời sống tâm linh của giáo dân và mặt tiêu cực cũng có tác động nghịch tương tự, như Giám mục Bùi Tuần nói: "Thời nào cũng có những khó khăn của thời đó". Tuy nhiên, ta có thể nói được, về cơ bản, Giáo hội Công giáo Việt Nam với Nhà nước "không có vấn đề" - về cơ bản, còn về chuyện cụ thể, cần nỗ lực của cả hai phía. Tôi đặc biệt xúc động khi giám mục Bùi Tuần - với tôi, là một người bạn khá thân - đã đồng nhất những khó khăn nguy hiểm nhất đang âm ỉ "rình phá đất nước và Hội thánh, như xung đột giai cấp, xung đột quyền lợi, xung đột cũ mới, xung đột thiện ác, xung đột khát vọng, xung đột giàu nghèo...". Giám mục đã tìm được mẫu số chung của lợi ích đất nước và giáo hội, như giám mục nhận xét: "Chẳng có chiến thắng nào dễ cả... Quốc khánh hẳn là vui và tự hào, nhưng vui cũng đừng quên cảnh giác và rơi vào ảo tưởng. Bằng con mắt Đức tin, tôi thấy dòng đời vẫn là một luồng sáng pha trộn bóng tối. Với nhận thức trên, tôi cầu nguyện để người Công giáo chúng ta biết đồng hành với dân tộc, đi về phía trước với những chứng tá của niềm hy vọng". Thật rõ ràng. Và, cũng thật rõ ràng, Thư chung mang đến sự đồng nhất quý giá ấy...

9.2005

Trần Bạch Đằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.