Nỗi buồn nghỉ việc ngồi nhà

27/12/2008 13:09 GMT+7

Tốt nghiệp đại học, thậm chí có người đã lấy bằng thạc sĩ, thế nhưng họ chấp nhận “treo bằng” để ở nhà chăm con và làm bà nội trợ.

Muôn vàn lý do!

Đang làm trưởng phòng kinh doanh một công ty tư nhân với mức lương nhiều người mơ ước, sau khi nghỉ sinh bé thứ hai, Ngân được chồng “ru ngủ” bằng điệp khúc “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ẩm” với viễn cảnh vợ đẹp con ngoan, cửa nhà tươm tất...

Nghe bùi tai, cuối cùng cô nàng quyết định giã từ công việc để ở nhà lo cho con và làm tất tần tật mọi việc trong nhà như một “osin” cao cấp. Gặp ai cô cũng hùng hồn thuyết giảng: “Nếu chồng bạn có công việc ổn định với mức thu nhập có thể nuôi cả gia đình thì bạn ở nhà là giải pháp hợp lý nhất. Các bà mẹ Nhật Bản và Hàn Quốc số đông ở nhà nuôi dạy con cái chứ không thuê người giúp việc, vì thế họ có cơ hội dành trọn tâm trí cho gia đình và con cái”.

Cô bạn Thúy Vy, nhân viên văn phòng của một công ty in ấn thì lại tính theo cách khác: “Công việc bèo bọt của tôi thu nhập mỗi tháng chỉ tầm 2 triệu đồng. Bây giờ nếu thuê người giúp việc phải mất từ 1 - 1,5 triệu đồng, chưa kể tiền ăn uống và sinh hoạt cá nhân cho họ. Con mình lại còn nhỏ, đi làm giao cho người giúp việc chăm thì không yên tâm. Vì thế tôi quyết định ở nhà làm “osin” luôn cho chắc ăn”.

Ngoài các lý do kể trên, một số nguyên nhân khách quan khác như áp lực công việc, mâu thuẫn với sếp hoặc đồng nghiệp, bị sa thải, thu nhập thấp, lười đi làm... cũng đã khiến nhiều cô gái ngậm ngùi từ bỏ cảnh đời công sở để quay về với công việc gia đình.

Nỗi niềm

Thời gian đầu khi làm “osin” tại gia, Ngọc Hạnh, thư ký tổng giám đốc, đã tỏ ra rất thích thú: “Không có gì tuyệt vời bằng cảm giác buổi sáng thức dậy không phải nghĩ đến cảnh tất tả len lỏi trong dòng người và xe ken dày để đi làm cho kịp giờ. Không phải ngược xuôi lo sắp xếp lịch họp cho sếp. Không phải báo cáo hoặc giải trình...

Tôi thấy mình chìm trong cảm giác hạnh phúc và ấm áp khi được chăm con, được dọn dẹp nhà cửa, được nấu cho chồng những bữa ăn thật ngon miệng...”. Thế nhưng, cảm giác thoải mái trôi qua rất mau, thay vào đó là những cáu gắt và bực bội: “Chỉ mới một năm mà bạn bè đã không còn nhận ra tôi. Đâu rồi cô thư ký xinh đẹp lúc nào cũng quần là áo lượt, tác phong làm việc chuyên nghiệp? Tôi bây giờ trở nên bơ phờ và bạc nhược vì chăm con và bếp núc.

Quần áo đẹp mua về cũng không có cơ hội đi đâu để diện. Trong đầu chỉ quanh quẩn mỗi việc hôm nay cho con ăn gì? Đi chợ mua món gì?... Nhiều lúc thấy tủi thân vì mệt mỏi”.

Với cô bạn Phương Như thì tình cảnh éo le hơn. Tốt nghiệp đại học loại giỏi, nói lưu loát 2 ngoại ngữ, đang làm trợ lý kiêm phiên dịch cho công ty Nhật Bản, Phương Như quyết định nghỉ làm vì bị sếp “quấy rối”. Trong thời gian tìm kiếm công việc khác thì cô lại dính bầu, sức khỏe kém. Vì thế cơ hội đi làm lại đành phải bỏ dở. Như tâm sự: “Từ ngày về làm “osin” không lương, toàn ngửa tay chờ chồng đưa tiền nuôi con nên mặc cảm lắm. Tôi stress không thể tả!”.

Thực tế cho thấy, nhiều người do ở nhà quá lâu đã nảy sinh tâm trạng buông xuôi, tự ti khi thấy mình kiến thức bị mai một, tụt hậu, cộng thêm tuổi tác cũng lớn nên khó hòa nhập lại với môi trường công sở. “Nhìn bạn bè thành đạt, kiếm được nhiều tiền, mở rộng nhiều mối quan hệ xã hội... tôi thấy chạnh lòng quá. Nhưng bây giờ bảo tôi đi làm lại cũng không phải đơn giản vì đầu óc tôi trở nên chậm chạp, giao tiếp kém, chắc chắn sẽ không còn nhiệt huyết và khả năng nhanh nhạy như lớp trẻ”, Thu Hằng, một bạn gái cùng cảnh ngộ đã tâm sự.

Đâu là giải pháp?

Đây quả là bài toán khó đặt ra cho các chị em phụ nữ khi phải lựa chọn giữa gia đình và công việc. Trên diễn đàn một trang web dành cho các bà mẹ, đề tài “Các bà mẹ nên đi làm hay ở nhà?” đã được đưa thảo luận một cách sôi nổi.

Nhiều bà mẹ an phận và hài lòng với công việc ở nhà vì quá chán ngán cảnh đi làm. Nhưng cũng có nhiều bà mẹ lại không thể chấp nhận thân phận làm “osin” tại gia vì sợ ức chế. Theo bạn gái có nick B&J thì: “Nếu ở nhà chỉ để chăm con và nội trợ thôi thì mình nghĩ không nên đâu! Đi làm bận rộn, có nhiều mối quan tâm, nhiều niềm vui khác nhau thì dễ cân bằng tâm lý hơn”.

Một số khác chọn giải pháp trung lập là bên cạnh công việc nhà hiện tại, họ sẽ sắp xếp để tìm thêm công việc khác phù hợp với khả năng như mở cửa hàng kinh doanh tại nhà, bán hàng online, nhận dạy kèm, dịch thuật, đánh máy tại nhà... “Dù biết rằng công việc này chẳng so sánh được với công việc ở chốn công sở, nhưng nó có thể giúp tôi năng động và tự tin hơn. Tôi không muốn ngồi đó để than thở, trách móc và tiếc nuối” - một thành viên bộc bạch.

Kim Oanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.