Người dân mua xăng dầu bị "móc túi" 540 tỉ đồng/năm

10/10/2006 23:24 GMT+7

Gian lận trong đo lường và chất lượng xăng dầu đã "móc túi" người tiêu dùng một số tiền khổng lồ hằng năm.

Tại hội thảo công bố "Kết quả khảo sát chất lượng xăng bán lẻ ở 4 tỉnh, thành phía Nam và TP.HCM" do Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN (Vinastas), Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng khu vực 3 (Trung tâm 3) tổ chức ngày 10/10, kết quả cho thấy gian lận trong đo lường và chất lượng xăng dầu đã "móc túi" người tiêu dùng một số tiền khổng lồ hằng năm.

"Siêu móc túi"

Theo kết quả khảo sát của Trung tâm 3 sau khi kiểm tra 105 mẫu xăng (RON 90; 92; 95) tại các đại lý của Petrolimex, Petechim, Công ty Xăng dầu quân đội, PDC, Petromekong, Comeco, Saigon Petro, Công ty TM Kiên Giang trên địa bàn Vũng Tàu, Kiên Giang, Bến Tre, Tây Ninh và TP.HCM có tới 37% mẫu xăng không đạt mức quy định tại Tiêu chuẩn VN 6776:2000. Tại TP.HCM, tỷ lệ xăng 95 không đạt yêu cầu chất lượng chiếm 25%; xăng 92 là 19%. Đặc biệt, tại tỉnh Bến Tre và Tây Ninh, tỷ lệ xăng 95 không đạt chất lượng chiếm tới 67%; con số tương tự của Vũng Tàu là 40% với xăng 92; 20% với xăng 95... Cá biệt ở Kiên Giang, kết quả khảo sát 12/12 mẫu đều không đạt yêu cầu chất lượng.

Con số đánh giá chất lượng theo nguồn cung cấp còn khủng khiếp hơn. Cụ thể, xăng do các cửa hàng, đại lý của Petromekong cung cấp có tỷ lệ không đạt chiếm tới 82%; Saigon Petro 71%; PDC 67%; Xăng dầu quân đội 60%; Petrolimex "khiêm tốn" nhất cũng lên tới 24%. Theo báo cáo kết quả khảo sát tháng 8.2006, sai lệch cấp chất lượng của các loại xăng là 38%. Ông Nguyễn Nam Vinh, Chủ nhiệm Vinastas phía Nam đặt vấn đề, nếu chênh lệch 1 cấp chất lượng thiệt hại khoảng 300 đồng/lít thì với khối lượng tiêu thụ hằng năm tại khu vực phía Nam khoảng 3 tỉ lít, số tiền người tiêu dùng bị thiệt hại lên tới 342 tỉ đồng (3 tỉ lít x 38% x 300 đồng/lít = 342 tỉ đồng). Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP.HCM cũng công bố, tại TP.HCM có tới 12,71% các trạm xăng vi phạm về đo lường với sai số khoảng 6%. Nếu lấy bình quân cả khu vực phía Nam có số trạm vi phạm khoảng 12% và sai số là 5% (thấp hơn TP.HCM) thì lượng xăng đong thiếu cho người tiêu dùng hằng năm lên tới 18 triệu lít (3 tỉ lít x 12% x 5% = 18 triệu lít), tương đương với 198 tỉ đồng (giá xăng 11.000 đồng/lít). Như vậy, thiệt hại cả về đo lường và chất lượng đã khiến người tiêu dùng bị "móc túi" tới 540 tỉ đồng (khoảng 34 triệu USD). 

Phải triệt phá những thủ thuật gian lận

Theo báo cáo của cơ quan Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bình Dương, tỷ lệ gian lận đo lường tại các cây xăng trên địa bàn tỉnh này đang ngày càng tăng cao. Nếu năm 2005 kiểm tra 100 DN phát hiện 52 DN vi phạm tiêu chuẩn đo lường thì chỉ từ tháng 8 - 10.2006 đã xử lý 16 DN trong số 26 DN bị kiểm tra. Ông Nguyễn Thành Danh, Phó chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Bình Dương cho biết: "Số lượng DN kiểm tra giảm nhưng tỷ lệ vi phạm lại tăng lên. Điều đáng nói là các thủ thuật gian lận của các DN ngày càng tinh vi, khó phát hiện". Một trong những thủ thuật gian lận là chỉnh sửa mạch điện tử trong trụ bơm xăng dẫn đến sai số trên 5%. Mạch điện tử này được gắn công-tắc cơ hoặc bộ điều khiển từ xa để đối phó với cơ quan QLTT. Một thủ thuật khác nữa là nối công-tắc với IC trong trụ bơm để làm thay đổi chương trình làm việc của IC dẫn đến sai số trên 4% đối với các trụ bơm. Khi có đoàn kiểm tra, chủ cây xăng chỉ cần cúp cầu dao điện là trụ bơm được trả về tiêu chuẩn ban đầu khiến các lực lượng kiểm tra không có bằng chứng để xử lý. Biện pháp xử lý gian lận kiểu này là... thuyết phục chủ cây xăng thừa nhận vi phạm. Tinh vi hơn, theo ông Hoàng Lâm, Phó giám đốc Trung tâm 3, thời gian vừa qua, trung tâm  đã phát hiện việc sửa đổi phần mềm trong trụ bơm xăng tại một số cây xăng. Trên bảng điều khiển sẽ có một tổ hợp phím tắt, mỗi lần bơm xăng, các nhân viên bơm xăng sẽ bấm vào tổ hợp phím này để ăn gian lượng xăng bán cho khách. Khi không bấm vào các phím này thì trụ bơm vẫn ở mức tiêu chuẩn...

Ăn cắp xăng dầu của người tiêu dùng với số lượng khổng lồ nêu trên là sự việc hết sức nghiêm trọng, và đã đến lúc không thể xử lý nhẹ theo kiểu phạt hành chính, các cơ quan chức năng cần thiết mạnh mẽ ra tay triệt phá.

Nguyên Hằng - Trung Bảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.