Lo ngại về nghị quyết trừng phạt CHDCND Triều Tiên

16/10/2006 23:55 GMT+7

*Mỹ xác nhận CHDCND Triều Tiên đã thử vũ khí hạt nhân Nghị quyết của LHQ sẽ chặn đứng tham vọng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên hay chỉ khiến người dân nước này thêm khổ sở và tình hình khu vực cũng như thế giới căng thẳng thêm?

Mục đích của HĐBA LHQ trong việc ra nghị quyết trừng phạt CHDCND Triều Tiên rất rõ ràng. Đó là chặn tham vọng hạt nhân của quốc gia này, ngăn ngừa các hành động vi phạm Hiệp ước không phổ biến hạt nhân trên thế giới và buộc Bình Nhưỡng trở lại vòng đàm phán 6 bên. Tuy nhiên, sau khi nghị quyết được thông qua, dư luận quốc tế tỏ ra lo ngại về những "hiệu ứng" của nó. Giới phân tích cho rằng trong quá khứ, Hiệp ước không phổ biến hạt nhân và các nghị quyết tương tự đã tỏ ra không mấy hiệu quả. Tình hình liên quan đến hạt nhân và vũ khí hạt nhân trên thế giới vẫn hết sức rối ren. Trong khi các cường quốc hạt nhân không ngừng củng cố sức mạnh thì một số nước bên ngoài lại chực chờ nhảy vào "câu lạc bộ hạt nhân". Tranh cãi liên quan đến chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và Iran cho thấy điều đó. Hôm qua, Hãng tin AP còn cho biết Tổng giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế M.ElBaradei cảnh báo rằng hiện có tới 30 quốc gia có đủ công nghệ để phát triển hạt nhân "trong một thời gian rất ngắn".

Vậy lần này, với quyết tâm của cộng đồng quốc tế, liệu nghị quyết của LHQ sẽ tác động thế nào tới CHDCND Triều Tiên? Hiện chưa có dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng sẽ nhượng bộ. Chính phủ của ông Kim Jong-il cũng chưa có tuyên bố chính thức rằng họ sẽ bất chấp nghị quyết của LHQ để tiếp tục chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, những "phát biểu bên lề" gần đây cho thấy Bình Nhưỡng có thể sẽ phản ứng cứng rắn. Có lẽ vì lo ngại điều đó, giới chức Nhật Bản đã đề cập đến khả năng điều tàu chiến từ Ấn Độ Dương về vùng biển gần lãnh hải CHDCND Triều Tiên.
Hôm qua, Trung Quốc đã kiểm tra các xe tải chở hàng trên đường từ nước này vào lãnh thổ CHDCND Triều Tiên. Trung Quốc cũng bắt đầu xây dựng tường rào bê tông và kẽm gai giữa biên giới nước này và CHDCND Triều Tiên. Cùng ngày, Úc tuyên bố cấm tất cả tàu bè của CHDCND Triều Tiên cập cảng nước mình. Chính phủ Nhật Bản cho biết đang xem xét áp dụng thêm biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

Một điều đáng lưu ý nữa là sau khi đã được thông qua, bản nghị quyết của LHQ vẫn còn khiến các nước lúng túng. Chẳng hạn như với điều khoản cấm bán hàng xa xỉ cho CHDCND Triều Tiên, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Vương Quang Á phân vân: "Thế nào là hàng xa xỉ? Tôi thấy có những món hàng được coi là xa xỉ với người này nhưng lại bình thường với người kia". Nhiều người lo ngại lệnh cấm của LHQ sẽ liên quan đến cả hàng gia dụng và một số nhu yếu phẩm. Chẳng hạn như nhôm có thể là vật liệu để sản xuất tên lửa nhưng cũng có thể được dùng để làm xe đạp, nồi chảo; một loại hóa chất có thể vừa được làm thuốc nổ vừa có thể dùng làm thuốc trừ sâu. Vậy thì đối với những vật liệu như thế, các nước có được quyền bán cho CHDCND Triều Tiên hay không? Theo Hãng tin AP, vẫn cần thêm những văn bản hướng dẫn cụ thể trong việc thực thi nghị quyết của LHQ.

Chính vì còn những điều bất cập trên cũng như có dấu hiệu cho thấy tình hình có thể sẽ căng thẳng hơn sau khi nghị quyết có hiệu lực, Mỹ đã gia tăng các hoạt động ngoại giao. Ngoại trưởng Mỹ C.Rice hôm nay sẽ đến Đông Á để hội đàm với giới lãnh đạo Hàn Quốc, Nhật Bản nhằm nối lại đàm phán 6 bên. Hôm qua, Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ đã xác nhận việc CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân là có thực, vụ nổ có sức công phá “thấp hơn 1kiloton”.

Đ.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.