Xác xơ vùng tâm bão

04/10/2007 23:50 GMT+7

Đêm ngày 3 rạng sáng 4.10, bão số 5 đã đổ bộ vào Hà Tĩnh, Quảng Bình. Tâm bão trên địa bàn huyện Kỳ Anh - đèo Ngang với sức gió cấp 11, giật trên cấp 11, cấp 12 kèm theo mưa lớn trên diện rộng.

Cơn bão đi qua, buổi sáng, trời dứt mưa, có lúc hửng nắng. Dọc hai bên quốc lộ 1A từ thị trấn Cẩm Xuyên trở vào tâm bão Kỳ Anh (Hà Tĩnh), cột điện, cây cối gãy đổ ngổn ngang. Những mái tôn, mái ngói bị hất tung khiến những ngôi nhà trở nên trống hoác. Tại thị trấn Kỳ Anh, nhiều ngôi nhà xây kiên cố cũng bị gió đập vỡ các cửa kính. Khách sạn Thương Mại bị gió hất tung gần như toàn bộ mái tôn. Những tấm tôn bị gió quằn xéo tấp thành đống, hắt xuống hàng chục mét. Mái ngói trên tầng 2 của trụ sở UBND huyện cũng bị tốc, cây xà cừ cỡ vài chục năm tuổi nằm trong khuôn viên cơ quan này cũng bị quật ngã trơ gốc.

Tại khoa Ngoại Bệnh viện Kỳ Anh, ông Trần Hướng (61 tuổi), ở xóm Nam Tiến, xã Kỳ Tiến, đang nằm với cái chân gãy. Cạnh giường ông là hai nạn nhân khác bị gãy tay cũng vừa nhập viện từ sáng sớm.

Chạy dọc con đường làng của các xã ven biển Kỳ Anh, không khí buồn tênh. Chỉ sau chừng 4 giờ đồng hồ cơn bão hoành hành, những rặng tre, vườn cây yên bình đã trở nên tiêu điều. Vậy nhưng còn may, vì bão tan, trời cũng ngớt mưa và buổi sáng hôm sau, bầu trời đã bình yên trở lại. Hơn 5.000 người dân sơ tán cũng đã trở về nhà. Vài ngày tới, Kỳ Anh vẫn phải sống trong cảnh "tối đèn" vì ngành điện không thể khắc phục được ngay do quá nhiều cột bị gãy đổ...

Cũng như nhiều địa bàn khác nằm dọc ven biển của huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, làng Xuân Kiều (xã Quảng Xuân) vừa trải qua một trận bão kinh hoàng. Gió giật cấp 11, 12 đã hất tung mái nhà, cây cối. Ngôi làng yên bình giờ đây điêu tàn.

Mưa vẫn rơi rải rác, nước còn ngập ngụa dưới chân nhưng người Xuân Kiều đã bắt tay thu dọn mọi thứ. Đến thăm cụ Nguyễn Xuân Nhương, không thể không xúc động trước tình cảnh của cụ. Tuổi 80, cụ không còn khỏe mạnh, tiền cũng chẳng có. Cụ sống với người vợ năm nay cũng đã gần 70 tuổi trong ngôi nhà nhỏ ven quốc lộ 1, con cái đã lập gia đình sống ở xa. Chẳng may, ngôi nhà đó giờ cũng sập, hư hỏng gần hết do một cây rất to ngã đè. Cây này có 2 nhánh to thì một làm sập nhà bếp, một chọc thủng mái nhà lớn. Cụ Nhương rơm rớm nước mắt kể: "Lúc đó khoảng 7 giờ tối, điện mất hết, gió giật ầm ầm và mưa dữ tợn lắm, hai vợ chồng tui đang ngồi ở trong gian nhà phụ thì bỗng nghe rầm một cái, tiếp theo là mấy tiếng kêu răng rắc. Tui hoảng quá. Mở cửa dòm ra thì ôi thôi cái cây đổ làm sập nhà".

Vừa bước chân ra khỏi nhà cụ Nhương, chúng tôi đã bị sụp chân xuống lớp bùn dày, nước ngập ngang gối. Từng luống khoai ngâm nước mấy ngày đã úa vàng. Giữa làng, dây điện đứt rơi tứ tung, tre cũng bật gốc, hàng cây dương và tràm như "của để dành" lúc túng thiếu của nhiều gia đình giờ đã gãy ngang thân.

Còn rất nhiều gia đình khác của Xuân Kiều cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự, nước mắt lại rơi trên từng khuôn mặt khắc khổ của người dân lam lũ.  

Khánh Hoan - Kiến Giang - Hạnh Loan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.