Thêm hay bớt 0,5% bội chi đều khó

24/10/2009 01:11 GMT+7

* Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục: Phải minh bạch các khoản tiền đóng góp * Tổng bí thư Nông Đức Mạnh: Chấp nhận bội chi nhưng phải an toàn

Một số đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) muốn "ép" mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2010 xuống 6%, trong khi Chính phủ cho rằng như vậy sẽ khó đảm bảo yêu cầu an sinh xã hội và đầu tư.

Hôm qua, Quốc hội thảo luận tổ về tình hình thực hiện ngân sách năm 2009 và phương hướng phân bổ ngân sách Trung ương năm 2010.

“Tôi tán đồng ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Ủy ban Kinh tế là bội chi năm 2010 ở mức 6%”, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch bày tỏ quan điểm và nhận được sự chia sẻ của nhiều ĐB khác, trong khi Chính phủ đề nghị mức bội chi 6,5%.

"Tôi tán đồng ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Ủy ban Kinh tế là bội chi năm 2010 chỉ ở mức 6%" - ĐB Trần Du Lịch, TP.HCM - ĐB Trần Du Lịch, TP.HCM

-

"Nếu giảm bội chi xuống 6% thì chỉ có tăng thu từ ngân sách địa phương, còn cắt thì chỉ có cắt giảm đầu tư, hoặc cắt an sinh xã hội, hoặc cắt lương” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh

52 tỉnh "thiếu ăn"

"Cả nước có 63 tỉnh thành nhưng chỉ có 11 tỉnh thành đủ và dư ăn, tức là thu đủ hoặc thừa so với số chi ngân sách. Cũng như một gia đình, có 63 người con thì chỉ có 11 đứa con đủ ăn và dư ăn, còn lại phải bấu víu vào bố mẹ. Đấy là điều đáng suy nghĩ. Nhiều tỉnh chưa biết lúc nào phấn đấu làm đủ ăn. Tôi cho rằng phải có mục tiêu, trước hết là đủ ăn, sau đó mới có trang trải mà sắm sửa. Ví dụ, Thanh Hóa là tỉnh rất lớn, thu ngân sách năm nay là 2.300 tỉ nhưng dự kiến chi tới 5.700 tỉ, thiếu tới 3.400 tỉ; Nghệ An cũng là tỉnh lớn, dự kiến thu 2.300 tỉ, chi tới 4.800 tỉ, Trung ương phải bù tới 2.500 tỉ." (
ĐB Nguyễn Thanh Toàn - Thừa Thiên-Huế)

Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Toàn bày tỏ lo ngại về bội chi ngân sách và nợ Chính phủ: “Bội chi ngân sách rất lớn, cứ tăng theo kiểu này rất nguy hiểm. Nợ Chính phủ cũng tăng, từ 36.000 tỉ đồng năm 2007, đến 40.000 tỉ năm 2008, lên 44.000 tỉ năm 2009. Cứ đà này thì năm 2010 lên 48.000 tỉ, rồi 2012 là 52.000 tỉ đồng... Như vậy nguy cơ an ninh tài chính rình rập rất lớn. Đề nghị Chính phủ phải có giải pháp, có lộ trình cụ thể để chặn đứng rồi giảm nợ, Chính phủ và QH giám sát lộ trình này”. 

Để trấn an các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh nói: “Các nước kể cả các nước phát triển đều tranh thủ bội chi để chi đầu tư phát triển. Điều quan trọng là bội chi nhưng dư nợ quốc gia trong giới hạn an toàn. Nợ của Chính phủ không có một khoản nào mà chúng ta bị quá hạn”. Bộ trưởng Ninh cho biết, năm 2010 nguồn thu tiếp tục khó khăn do kinh tế phục hồi nhưng chưa tăng trưởng cao trở lại. Bên cạnh đó, chúng ta lại có nhiều chính sách khoan sức dân. Việc thực hiện các cam kết quốc tế về cắt giảm thuế cũng sẽ giảm đi một nguồn thu đáng kể. Theo Bộ trưởng Ninh, để thực hiện các cam kết quốc tế, bình quân mỗi năm phải cắt giảm 1.000 - 1.700 dòng thuế. Năm 2010 sẽ giảm khoảng 3.000 tỉ đồng do cắt giảm các nguồn thuế. “Còn nữa, khi trình đề án tăng lương là lúc tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Tăng một đồng tiền lương thì quỹ lương tăng cực kỳ lớn”, Bộ trưởng Ninh tiếp tục và dứt khoát: “Nếu giảm bội chi xuống 6% thì chỉ có tăng thu từ ngân sách địa phương lên chứ không biết tăng ở đâu nữa, còn cắt thì chỉ có cắt giảm đầu tư, hoặc cắt an sinh xã hội, hoặc cắt lương”.

Trước việc Bộ trưởng Bộ Tài chính dự báo nguồn thu năm 2010 vẫn khó khăn, ĐB Trần Du Lịch cho rằng khâu dự báo của các cơ quan chức năng còn yếu kém: “Từ chỗ dự báo giảm thu mấy chục nghìn tỉ nên tại kỳ họp thứ 5, Chính phủ đề xuất bội chi ngân sách 7% GDP nhưng chỉ trong vòng có mấy tháng, thực tế hiện nay tổng thu không những không giảm mà còn tăng”. ĐB Lịch đề nghị phải làm rõ vì sao tổng thu ngân sách tăng mà bội chi 2009 vẫn ở mức 6,9%, đó là chưa kể khoản phát hành trái phiếu. ĐB Lê Quang Bình hưởng ứng: “Các khoản chi khác tăng tới 1.800%, chi khác là những khoản nào mà nó vượt lớn như thế?”.

ĐB Nguyễn Thanh Toàn cho rằng, hầu hết các địa phương đều thu vượt so với kế hoạch đăng ký, một trong những nguyên nhân đằng sau chuyện này là vì... lợi ích địa phương. “Trong thống kê, tôi thấy nhiều địa phương thu ngân sách vượt kế hoạch, như Sơn La cũng thu vượt, kế hoạch thu 470 tỉ đồng, ước thực hiện thu đạt tới 625 tỉ đồng; Thừa Thiên-Huế cũng vậy, dự kiến thu 2.000 tỉ nhưng thực ra khả năng thu tới gần 2.500 tỉ. Đó là điều đáng mừng, nhưng vì sao có chuyện này? Địa phương nào cũng muốn để lại một phần ngân sách để trang trải cho địa phương và một phần để hưởng trợ cấp của trung ương. Trong việc thu chi ngân sách, có nơi, có lúc, có chỗ thiếu minh bạch. Khi bảo vệ ngân sách với Bộ Tài chính, nhiều địa phương vẫn muốn bảo vệ mức thu ngân sách địa phương thấp xuống một tí, để rồi thu vượt và sử dụng số vượt này để chi tại địa phương. Có nơi, có lúc, có chỗ, có lĩnh vực còn vì quyền lợi ngành, quyền lợi địa phương mà không đưa lợi ích quốc gia lên trên hết”, ĐB Toàn nhấn mạnh.

Tổng bí thư Nông Đức Mạnh: Chấp nhận bội chi nhưng phải an toàn

“Từ Trung ương đến cơ sở thì việc tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Chủ trương, chính sách rất hay nhưng để đi vào cuộc sống vẫn là khoảng cách. Phải thấy được hết các yếu kém trong điều hành chỉ đạo”, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh khi phát biểu tại buổi thảo luận tổ về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2009 và phương hướng phân bổ ngân sách Trung ương năm 2010. Tổng bí thư dẫn chứng: “Việc hỗ trợ bà con nghèo ăn Tết rất có ý nghĩa nhưng có nơi làm rất tốt, có nơi làm không tốt. Điều này làm cho chủ trương đúng lại bị xã hội phê phán”.

Về ngân sách, Tổng bí thư cho rằng: “Một ngân sách lành mạnh là phải giảm bội chi, cân bằng thu chi và tiến tới bội thu”. Tổng bí thư bày tỏ: “Trong hoàn cảnh hiện nay thì phải chấp nhận bội chi, nhưng phải đảm bảo được an toàn và nhất định phải phấn đấu giảm bội chi”.

Tổng bí thư cho biết, ông vô cùng trăn trở làm sao để giảm được tỷ lệ hộ nghèo, trăn trở này theo ông vào cả giấc ngủ. "Hằng đêm tâm tưởng của tôi là vậy”, ông nói. Theo Tổng bí thư, việc đầu tư để giảm hộ nghèo cũng phải tính toán kỹ, nếu không tính kỹ thì đầu tư không đúng mục tiêu. “Đưa xuống cho bà con thì bà con được làm chủ, được kiểm tra, giám sát. Nếu không, đường bê tông 20 phân, ông làm 15 phân thì ai giám sát”, Tổng bí thư lưu ý.


Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục: Phải minh bạch các khoản tiền đóng góp

Hôm qua, Chính phủ trình QH dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục với đề xuất sửa đổi 27 điều khoản. Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng (UBVHGDTNTNNĐ) của QH cho biết, ủy ban này chỉ đồng ý với luận cứ của 12 điều khoản.

Dự thảo luật đề nghị: “Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định thành lập đối với trường đại học. Trong trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương thành lập trường”. Nhưng Chủ nhiệm UBVHGDTNTNNĐ Đào Trọng Thi cho biết: “Tình trạng phát triển ồ ạt các trường đại học không hội đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo trong thời gian qua đang làm dư luận xã hội rất lo ngại. Nếu tập trung cả trách nhiệm thẩm định và thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường đại học cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì e rằng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng này”. Ông Thi đề nghị chưa nên giao thẩm quyền này cho bộ trưởng.

Không nằm trong các nội dung đề nghị sửa đổi, nên UBVHGDTNTNNĐ đề nghị Chính phủ cần bổ sung các quy định nhằm cụ thể và minh bạch các khoản tiền đóng góp, các loại quỹ, các loại phí dịch vụ trong các cơ sở giáo dục và cơ chế thu, quản lý, sử dụng các khoản thu đó nhằm thiết lập lại kỷ cương, phòng chống tiêu cực trong nhà trường.

X.T

 Xuân Toàn - Káp Thành Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.