Những câu hỏi đầy thách đố

24/11/2008 10:30 GMT+7

Cố tổng thống Mỹ John F. Kennedy bị bắn chết cách đây 45 năm nhưng nhiều câu hỏi liên quan đến cái chết này vẫn chưa có câu trả lời. Cứ vài năm lại phát hiện thêm tư liệu và chứng cứ mới làm rắc rối thêm tấn thảm kịch được xem là một trong những sự kiện gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử nước Mỹ, đồng thời cũng là đề tài của vô số thuyết âm mưu.

Đúng 12 giờ 30 phút ngày 22-11-1963, tổng thống (TT) thứ 35 của nước Mỹ, ông John F. Kennedy, 46 tuổi, bị bắn tại thành phố Dallas, bang Texas. 13 giờ, TT Kennedy được thông báo đã qua đời. Lee Harvey Oswald, 24 tuổi, vốn là lính thủy quân lục chiến Mỹ đào thoát sang Liên Xô rồi quay trở về Mỹ làm nhân viên kho sách giáo khoa Texas, bị bắt sau đó vài giờ và được cho là hung thủ dùng súng nấp trong kho sách trên lầu 6 một cao ốc bắn vào chiếc xe chở TT Kennedy và đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy.

Oswald bị truy tố về tội giết chết TT Kennedy và một cảnh sát viên. Nhưng hai ngày sau, Oswald bị Jack Ruby, một ông chủ hộp đêm giao du với giới xã hội đen, bắn chết ngay tại tầng hầm trụ sở cảnh sát Dallas trước ống kính truyền hình quốc gia.

Một âm mưu động trời

Đã có chính thức ba cuộc điều tra đại quy mô về vụ ám sát làm rúng động lịch sử Mỹ này. Từ năm 1963 đến 1964, cuộc điều tra kéo dài 10 tháng của Ủy ban Warren đi đến kết luận Lee H. Oswald là thủ phạm duy nhất. Cuộc điều tra của Cảnh sát Liên bang Mỹ (FBI) cũng có kết luận tương tự. Lúc đầu (từ năm 1964 đến 1966), dư luận đồng tình với kết luận này. Nhưng một cuộc thăm dò dư luận của Viện Gallup uy tín hồi năm 1966 lại cho thấy có đến 80% những người được hỏi không tin vào báo cáo của Ủy ban Warren và FBI.

Dư luận càng nghi ngờ nhiều hơn nữa khi, vào năm 1979, HSCA, một ủy ban của Hạ viện chuyên về các vụ ám sát, cho rằng cuộc điều tra của Ủy ban Warren và FBI “có thiếu sót nghiêm trọng”. Theo HSCA, có ít nhất bốn phát súng chứ không phải ba phát như điều tra ban đầu. Do đó, có thể có ai đó âm mưu ám sát TT Kennedy. Oswald chỉ là một con cờ hoặc bị bắt lầm như y đã từng kêu oan với cảnh sát.

Chính những kết quả điều tra tréo cẳng ngỗng nói trên đã khiến dư luận Mỹ càng tin vào giả thuyết TT Kennedy là mục tiêu của một âm mưu động trời. 45 năm đã trôi qua và từ đó đến nay đã có hơn 2.000 quyển sách nói về vụ ám sát TT Kennedy và khoảng 60.000 nhà điều tra tội phạm chuyên nghiệp và nghiệp dư vẫn tiếp tục đào sâu vụ án này, đưa ra hàng ngàn giả thuyết khác nhau nhưng chẳng có giả thuyết nào được minh chứng một cách thuyết phục.

Một trong những giả thuyết gây chú ý nhiều nhất là bộ phim JFK của đạo diễn Oliver Stone với dàn diễn viên ngôi sao thượng thặng: Kevin Costner, Tommy Lee Jones và Jack Lemmon. Bộ phim nói về vụ khởi tố doanh nhân Clay Shaw tình nghi tham gia vụ ám sát TT Kennedy của Jim Garrison, luật sư quận New Orleans.

 

 Lee Oswald (giữa) bị Ruby bắn chết ngay tại trụ sở cảnh sát Dallas

JFK đưa ra một giả thuyết theo đó phó TT Lyndon Johnson, FBI, CIA, mafia và cơ quan tình báo quân đội Mỹ âm mưu ám sát TT Kennedy. Oswald chỉ là một gã khờ. Trong thực tế, Shaw được tha bổng hồi năm 1969 nhưng trong phim, đạo diễn cho Shaw là kẻ có tội. Cho đến nay, Shaw là người duy nhất bị khởi tố trước tòa vì liên quan đến vụ án Kennedy. Cuốn phim gây tranh cãi rất dữ nhưng lại rất ăn khách, đoạt hai giải Oscar.

Chiếc két sắt bị bỏ quên

Trong 45 năm qua, thỉnh thoảng lại lòi ra thêm một số chứng cứ mới. Tuy nhiên, thay vì làm rõ hơn vụ án, nó lại làm tăng thêm phần bí ẩn.

Tháng 2 năm nay, Craig Watkins, luật sư quận Dallas, tuyên bố tìm thấy trong một két sắt quần áo của Oswald, một bao súng ngắn bằng da của Ruby và một mớ tư liệu cũ. Két sắt này bị bỏ quên hơn 40 năm nay.

Trong số tài liệu có một đoạn văn ghi lại cuộc gặp gỡ giữa Oswald và Ruby tại một hộp đêm bàn thảo việc ám sát TT Kennedy. Một số chuyên gia kết luận rằng đó là một phần của kịch bản phim. Nhưng việc chiếc két sắt khóa cẩn thận bị bỏ quên trên tầng 10 tòa án quận Dallas hơn 4 thập niên không khỏi gây thắc mắc.

Càng lạ lùng hơn nữa, trong két sắt còn có cả một lá thư của FBI gửi cảnh sát trưởng Dallas nói rằng em gái của Ruby cho biết gia đình cô nhận được một bản báo cáo của cảnh sát về chuyện chuẩn bị đón tiếp TT Kennedy viếng thăm Dallas. Tại sao bản báo cáo này nằm trong nhà của Ruby? Đây cũng là một bí ẩn.

Những bí ẩn khác cho tới nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng, theo nhà nghiên cứu Tom Lord, gồm có những điểm sau đây: Tại sao chiếc xe limousine của TT, một vật chứng quan trọng trong vụ án, lại được chở về Detroit ba ngày sau sự cố và được cấp tốc tân trang lại hoàn toàn? Tại sao bộ óc của TT Kennedy bị mất tích? Tại sao TT Gerald Ford thừa nhận rằng ông nhận được một bản báo cáo theo đó vết thương ở sau lưng TT Kennedy được mô tả khác bản mô tả của báo cáo Warren? Tại sao Jack Ruby, kẻ bắn chết Oswald, không được di lý khỏi Dallas đến một nơi khác mặc dù hắn hứa sẽ khai hết sự thật nhưng tại một nơi khác ngoài nhà tù Dallas? Chính những điểm bí ẩn này là cơ sở để dựng nên những giả thuyết ly kỳ nhất.

Vẫn theo Tom Lord, có thể vào thời điểm kỷ niệm 50 năm ngày TT Kennedy mất, những câu hỏi kể trên sẽ có câu trả lời mà cũng có thể là chẳng bao giờ được làm sáng tỏ.

Theo Nguyễn Cao / NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.