Giám sát phát triển năng lượng: Thiếu điện là nguy cơ hiện hữu

Lê Hiệp
Lê Hiệp
12/10/2023 10:18 GMT+7

Ngành năng lượng (điện, xăng dầu, than) ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu do năng lượng sơ cấp Việt Nam ngày càng cạn kiệt, nên khả năng thiếu điện trong ngắn hạn, trung và dài hạn (tới năm 2050) là nguy cơ hiện hữu.

Sáng 12.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng 2016 - 2021.

Giám sát phát triển năng lượng: Thiếu điện là nguy cơ hiện hữu - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy, Phó trưởng đoàn giám sát, báo cáo kết quả giám sát

GIA HÂN

Báo cáo kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy đánh giá, năng lượng Việt Nam giai đoạn 2016 - 2021 đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống hàng năm tăng, năm sau cao hơn năm trước. Hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định.

Tuy nhiên, qua giám sát, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong phát triển năng lượng Việt Nam khiến mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đối mặt nhiều thách thức.

"Chỉ tiêu chủ yếu đánh giá đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia biến động theo chiều hướng bất lợi. Khả năng thiếu điện trong ngắn hạn (2024 - 2025), trung hạn (2025 - 2030) và dài hạn (2030 - 2050) là nguy cơ hiện hữu", báo cáo giám sát nêu.

Ông Huy cho biết, nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu dẫn đến phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Tài nguyên năng lượng sơ cấp Việt Nam ngày càng cạn kiệt khi thủy điện cơ bản đã khai thác hết, sản lượng dầu và khí ở một số mỏ lớn suy giảm nhanh.

Những bất cập trong cung ứng năng lượng, nhất là việc chuẩn bị nhiên liệu sơ cấp cho cung ứng, vận hành hệ thống điện hằng năm, cùng với việc mất cân đối giữa cung - cầu năng lượng trong nước, nguồn phát điện giữa các vùng và một số dự án nguồn điện chậm vận hành hoặc dừng triển khai… dẫn tới tình trạng thiếu điện ở miền Bắc đầu năm 2023.

Tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB) tại báo cáo công bố hồi tháng 8, Việt Nam thiệt hại khoảng 1,4 tỉ USD do thiếu điện, tương đương khoảng 0,3% GDP.

Giám sát phát triển năng lượng: Thiếu điện là nguy cơ hiện hữu - Ảnh 2.

Hồ sơ kết quả giám sát khá đồ sộ với 10 quyển, tổng số khoảng 9.000 trang tài liệu

GIA HÂN

Còn với xăng dầu, hiện Việt Nam mới có hệ thống kho dự trữ xăng dầu thương mại, chưa có kho dự trữ quốc gia xăng dầu của Nhà nước và chưa có hệ thống dự trữ quốc gia về than, khí thiên nhiên. Dự trữ quốc gia dầu mỏ, sản phẩm xăng dầu mới chỉ dừng ở quy hoạch. Cả 3 kho dự trữ dầu thô quốc gia trong quy hoạch đều chưa được thực hiện.

Dự trữ xăng dầu mỏng nên khi thị trường thế giới biến động mạnh, ảnh hưởng tới trong nước, hệ quả là tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ xảy ra cuối 2022.

Bất cập trong phát triển năng lượng tái tạo

Bên cạnh đó, ông Huy cũng cho biết, việc triển khai quy hoạch các phân ngành năng lượng còn hạn chế, nhất là trong thực hiện Quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh với phát triển điện mặt trời, điện gió và thủy điện nhỏ.

Dẫn kết luận của Thanh tra Chính phủ, báo cáo của đoàn giám sát cho hay, việc phê duyệt bổ sung tổng số 168 dự án điện mặt trời (tổng công suất 14.707 MW), 123 dự án điện gió (công suất 9.047 MW), phê duyệt riêng lẻ 390 dự án thủy điện nhỏ (tổng công suất 4.138 MW) vào quy hoạch phát triển điện lực các cấp trong giai đoạn 2016 - 2020 đã gây ảnh hưởng đến phát điện và truyền tải điện lên hệ thống.

Giám sát phát triển năng lượng: Thiếu điện là nguy cơ hiện hữu - Ảnh 3.

Giám sát về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 là một trong 2 chuyên đề giám sát trong năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

GIA HÂN

Trong giai đoạn 2016 - 2021, qua thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế 15.170 tỉ đồng, 5.960 m2 đất, xử lý hành chính 246 tổ chức, 724 cá nhân và chuyển cơ quan điều tra tiếp tục, xem xét, xử lý 23 vụ.

Ngoài ra, việc đầu tư nguồn điện và lưới điện giai đoạn 2016 - 2021 chưa đồng bộ, cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn nhiều bất cập.

Ông Huy cũng cho biết chính sách giá điện còn nhiều bất hợp lý về cơ cấu phát điện, chưa bảo đảm minh bạch. Giá điện được điều chỉnh nhưng chưa bù đắp được chi phí đầu vào và đảm bảo lợi nhuận hợp lý của doanh nghiệp. Trong khi đó, giá truyền tải điện quá thấp, không thu hút được nhà đầu tư làm dự án lưới điện.

Trong lĩnh vực xăng dầu, thị trường trong nước còn bị động, thiếu hụt nguồn cung và vướng mắc trong cơ chế điều hành. Hiện, Việt Nam có tỷ lệ nhập khẩu xăng dầu khoảng 20 - 30%. Hai doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước đáp ứng 70 - 75% nhu cầu nội địa, nếu bị ngừng sản xuất do duy tu, bảo dưỡng kéo dài thì ảnh hưởng ngay đến thị trường trong nước.

"Thị trường xăng dầu trong nước bị động và thiếu nguồn cung, gặp vướng mắc trong cơ chế điều hành giá", báo cáo đoàn giám sát nêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.