Giám sát trách nhiệm nhà mạng

31/03/2023 04:01 GMT+7

Hôm nay (31.3) là thời hạn cuối cùng để người dùng điện thoại di động đăng ký chuẩn hóa thông tin đối với thuê bao điện thoại di động. Qua ngày mai (1.4), thuê bao nào chưa chuẩn hóa thông tin sẽ bị khóa chiều gọi đi, rồi sau đó tiến đến khóa cả 2 chiều.

Trả lời báo chí, lãnh đạo Bộ TT-TT cũng đã khẳng định sẽ không có bất cứ "ân huệ" nào để kéo dài thời gian khóa thuê bao nếu chưa chuẩn hóa thông tin, dù sát thời hạn cuối vẫn còn đến gần 2 triệu thuê bao chưa được chuẩn hóa thông tin. Sự quyết liệt này hoàn toàn đáng hoan nghênh và đây có thể xem là một trong những nỗ lực quan trọng để xử lý vấn đề SIM "rác". Sự tồn tại của SIM "rác" không chỉ là nguồn cơn gây ra vô số phiền toái của các cuộc gọi "rác", tin nhắn "rác", mà còn là phương tiện của nhiều đối tượng lừa đảo, tội phạm.

Thế nhưng, đây không phải là lần đầu tiên "tối hậu thư" về việc chuẩn hóa thông tin được đưa ra. Vì vậy, vấn đề là làm sao để sau ngày 31.3 nạn SIM "rác" thực sự được xử lý triệt để, chứ không tái phát như những lần trước.

Thanh Niên cũng như dư luận đã nhiều lần chỉ ra, sự tồn tại của SIM "rác" gắn liền với tình trạng các nhà mạng thiếu kiểm soát việc phân phối loại SIM trả tiền trước. Cụ thể hơn, cách thức phân phối SIM cho các kênh đại lý rồi thu tiền về mà không kiểm soát hiệu quả việc các SIM trả trước được bán cho ai, có đăng ký thông tin đúng quy định hay không. Trong khi đó, các đại lý thì chỉ miễn sao bán cho được SIM rồi đăng ký thông tin lấy lệ. Nhờ vậy, nhiều người dễ dàng mua SIM trả trước rồi dùng để gọi điện, nhắn tin quảng cáo và nghiêm trọng hơn là để thực hiện hành vi lừa đảo.

Với tài khoản tiền được kèm theo thường không lớn, nên việc sử dụng hết tiền trong SIM khá nhanh. Đến đợt rà soát như đợt 31.3 lần này thì vô số SIM cũng đã không còn hạn mức sử dụng, có bị khóa thì các chủ thuê bao cũng chẳng quan tâm. Do đó, chẳng hề khó hiểu khi sắp đến hạn cuối mà vẫn còn hàng triệu thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin.

Từ thực tế trên, để nạn SIM "rác" được giải quyết thực sự triệt để, thì song hành cùng biện pháp khóa thuê bao, cần có quy định để xử lý trách nhiệm của các nhà mạng nếu sau hạn chót mà vẫn còn những thuê bao phát tán cuộc gọi "rác", tin nhắn "rác" hay thực hiện các phi vụ lừa đảo qua điện thoại. Việc xử lý trách nhiệm nhằm đảm bảo khi xảy ra các sự vụ trên, nhà mạng liên quan không thể "phủi" trách nhiệm rằng không thể tra cứu thông tin "chính chủ" của thuê bao, như nhiều vụ việc lâu nay.

Chỉ đến khi kiểm soát và quy trách nhiệm hữu hiệu đối với nhà mạng trong vấn đề quản lý thông tin thuê bao điện thoại di động, thì nạn SIM "rác" mới mong chấm dứt. Nếu không, rồi sau này sẽ lại có "tối hậu thư" để chuẩn hóa thông tin thuê bao điện thoại di động, còn người dân vẫn sẽ phải chịu khổ vì SIM "rác".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.