Giảm trí nhớ do căng thẳng và lo âu, làm sao để điều trị?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
26/03/2022 09:12 GMT+7

Căng thẳng và lo âu là một phần của cuộc sống. Có nhiều nguyên nhân gây căng thẳng, lo âu và phần lớn được xem là bình thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài hoặc quá mức sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe .

Trong ngắn hạn, căng thẳng và lo âu sẽ làm tăng nhịp tim, tăng lưu lượng máu lên não. Mức độ nặng có thể gây buồn nôn, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Căng thẳng, lo âu trong thời gian dài có thể làm suy giảm trí nhớ

SHUTTERSTOCK

Căng thẳng, lo âu kéo dài sẽ khiến não tiết ra nhiều hoóc môn căng thẳng một cách thường xuyên. Tình trạng này sẽ làm tăng tần suất bị đau đầu, chóng mặt, suy giảm trí nhớ.

Để giảm suy giảm trí nhớ cũng như các tác hại khác của căng thẳng, điều quan trọng là cần nhận biết và kiểm soát căng thẳng, lo âu.

Để nhận biết căng thẳng mọi người cần chú ý đến các dấu hiệu đặc trưng của căng thẳng như căng cơ, mệt mỏi, nhức đầu. Sau đó, hãy xác định xem các yếu tố nào gây căng thẳng và điều chỉnh lại lối sống. Ví dụ nếu bạn phát hiện mình căng thẳng do cố ôm quá nhiều việc thì hãy tìm cách san sẻ lại cho người khác. Nếu có thể thì hãy sắp xếp lại cuộc sống và ưu tiên những thứ quan trọng nhất.

Kiểm soát được cẳng thẳng và lo âu có thể giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, trong đó có cả trí nhớ. Để làm được việc này, mọi người có thể áp dụng những cách sau:

Ăn uống lành mạnh

Ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy các món ăn lành mạnh như rau củ, trái cây có thể giúp cải thiện tâm trạng. Đây là những món cung cấp lượng vitamin, khoáng chất dồi dào cho não bộ. Ngoài ra, mọi người cần phải trách rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác.

Tập luyện thể thao

Hãy cố gắng thiết lập và duy trì thói quen tập thể dục vì chúng giúp giảm căng thẳng rất hiệu quả. Thậm chí, nếu bạn quá bận rộn và không thể đến phòng gym thì chỉ cần ra ngoài hít thở không khí trong lành, đi bộ đến tiệm tạp hóa mua ít vật dụng cũng có tác động tích cực đến tâm trạng.

Ngủ đủ giấc

Dù có bận rộn thế nào thì hãy đảm bảo ngủ ít nhất 7 tiếng/đêm. Mất ngủ hay ngủ quá ít cũng là nguyên nhân gây khiến cơ thể mệt mỏi, căng thẳng.

Đừng quá khắt khe với bản thân

Quá khắt khe với bản thân dễ khiến chúng ta cảm thấy không hài lòng và tự trách mình. Điều này chỉ gây thêm căng thẳng và lo âu. Nếu cảm thấy điều gì đó không hài lòng thì mọi người cũng không nên quá chê trách mình. Nếu có thể hãy dành một ít thời gian trong ngày để thiền định, nhờ đó mà giúp giảm căng thẳng, lo âu và cải thiện khả năng tập trung, theo Healthline.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.