Giang Trang ‘thiền hóa’ nhạc Trịnh Công Sơn

18/07/2016 13:09 GMT+7

Tinh thần Thiền đã giúp Giang Trang mang đến những bước chân vui trong đời khi bước vào nhạc Trịnh. Đêm Nguyệt hạ của cô là vậy.

Tiếng chim ríu rít rất lâu trước khi tấm rèm đen kéo hết để mở ra sân khấu đêm Nguyệt hạ, đêm nhạc Trịnh Công Sơn tối 17.7 tại L’Espace Hà Nội. Giang Trang ngồi đó, tóc xõa, áo dài sẫm màu. Cô hát Nắng thủy tinh “Màu nắng hay là màu mắt em” trong không gian của ánh trăng hạ dội về từ quá khứ.
Đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh đã tạo ra không gian đó bằng một vầng trăng vàng sậm hình quả cầu buông xuống sân khấu. Tấm vải đỏ lẫn đốm sáng trắng phủ lên tất cả bàn ghế, bục bệ. Còn có cả những vật dụng xưa cũ. Chiếc TV vỏ đỏ quý hóa như một gia sản. Chiếc quạt tai voi cổ. Tấm gương như để ca sĩ nhìn vào chính mình. Cây đèn chụp như cách đây hàng chục năm.
Sân khấu được trang trí tạo cảm giác hoài cổ nhưng an nhiên Ảnh NVCC
Nghệ sĩ guitar Lê Thu đã đệm đàn cho Giang Trang hát nhạc Trịnh hàng chục năm Ảnh NVCC
Nghệ sĩ flute Thư Hương Ảnh NVCC
Trong không gian Nguyệt hạ ấy, Giang Trang và những người bạn của mình, Thư Hương và tiếng flute, Lê Thu guitar kể câu chuyện nhạc Trịnh như họ đã từng thế từ cách đây cả chục năm, ở quán Nhạc Tranh năm nào. Trong câu chuyện ấy, cả ba đã trưởng thành hơn, nhiều trải nghiệm hơn để tiết chế cả niềm vui lẫn nỗi buồn mà nhạc Trịnh mang lại. Ba người bạn gái lâu năm, trong cả cuộc đời lẫn âm nhạc, gặp nhau trong một căn phòng cũ để chuyện trò.
Chính vì thế, kể cả trong những câu hát tưởng gợi sự chia tan nhất như “Tóc người dòng sông xưa ấy đã phai, đã lênh đênh biển khơi” (Có một dòng sông đã qua đời), “Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu” (Diễm xưa), “Tình yêu như trái phá con tim mù lòa” (Tình sầu)… thì cả ba vẫn từ chối kể thanh âm buồn bi lụy. Người nghe vẫn nghe thấy trong mất mát đó là trải nghiệm cuộc đời, rằng đến độ nào đó, thì trong đắng cay vẫn có bước chân vui an nhiên.
Vì thế cách ngắt nhịp đều đặn trong nhiều câu nhạc dường như được chen nhiều quãng nghỉ hơn “Tóc người/ dòng sông/ xưa ấy/ đã phai/ đã lênh đênh/ biển khơi” cho thấy cả ba đã tìm thấy cách thảnh thơi để đón nhận mọi thăng trầm. Cảm giác, cô vừa hát, vừa ngắm lại cuộc đời đã qua…
Nguyệt hạ có "vẻ đẹp" của người nhẹ nhõm nhìn lại quãng đời đã qua Ảnh NVCC
Nguyệt hạ còn có những câu chuyện tình xen giữa, kể chỉ để kể cho lòng nhớ… Đó là khi giữa Diễm xưa, Lê Thu đã hát một đoạn bài ca này bằng tiếng Nhật. Những người yêu nhạc Trịnh hẳn nhớ nhạc của ông từng được hát nhiều ở đất nước mặt trời mọc. Thậm chí, có một người con gái đã vì thế mà đi theo ngành Việt Nam học. Hầu như hội thảo Việt Nam học quốc tế nào bà cũng có mặt với một báo cáo về ca từ Trịnh Công Sơn. Cũng còn một đoạn radio bài ca Hãy nói đi khi nào anh quay về (Dis, quand reviendras-tu) của ca sĩ nổi tiếng người Pháp Barbara với lời ca và chất hoài cổ ngọt như mật.
Sau đó, Giang Trang hát Tình sầu, Rừng xưa đã khép… và kết lại bằng niềm vui trẻ thơ Em sẽ là bông hồng nhỏ. Bài ca tưởng như chỉ là cho em thơ, qua Giang Trang, cũng mang thêm trải nghiệm về cách nhìn đời qua con mắt hồn nhiên từ tâm hồn từng xáo trộn “Tim mỗi người là quê nhà nhỏ/ Tình nồng thắm như mặt trời xa”.
Nguyệt hạ có một vài sự cố âm thanh. Nhưng các nghệ sĩ không ai bị điều đó pha loãng tâm trí. Cả khán giả (đêm diễn đã cháy vé từ trước đó cả tháng - NV) cũng không phiền muộn phàn nàn. Cuộc đời là thế, âm nhạc cũng vậy. Nếu đến để nghe bằng tâm hồn, thì lòng bao dung với cuộc đời sẽ mở… Chất Thiền nằm ở đó. Nói như Giang Trang sau đêm diễn: “Trịnh Công Sơn, theo tôi nghĩ, mang đậm chất của một thiền sư”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.