Giảng viên trẻ nghiên cứu vật liệu thay thế cát san lấp

19/10/2023 07:00 GMT+7

PGS-TS Huỳnh Trọng Phước (35 tuổi), giảng viên Trường Bách khoa, Trường ĐH Cần Thơ, đã công bố hơn 60 bài báo khoa học nghiên cứu các vật liệu mới từ phụ phẩm công nghiệp.

Với thành tích nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới, anh Huỳnh Trọng Phước là 1 trong 10 nhà khoa học trẻ được nhận Giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng năm 2023, do T.Ư Đoàn phối hợp Bộ KH-CN tổ chức.

Thành tích nghiên cứu khoa học đáng ngưỡng mộ

Anh Phước tốt nghiệp Trường ĐH Cần Thơ với 2 tấm bằng kỹ sư xây dựng dân dụng - công nghiệp và kỹ sư xây dựng cầu đường. Thành tích tốt nghiệp loại giỏi giúp anh được giữ lại trường công tác. Năm 2013, anh giành được học bổng toàn phần sang Đài Loan (Trung Quốc) du học thạc sĩ, thực hiện đề tài nghiên cứu về chất kết dính không xi măng.

Giảng viên trẻ nghiên cứu vật liệu thay thế cát san lấp - Ảnh 1.

Anh Phước đã công bố hơn 60 bài báo khoa học nghiên cứu các vật liệu mới từ phụ phẩm

Thanh Duy

Theo kế hoạch, chương trình thạc sĩ kết thúc thì anh Phước sẽ về Trường ĐH Cần Thơ giảng dạy. Song, các giáo sư tại Đài Loan khuyên anh nên tiếp tục việc học, vì lĩnh vực nghiên cứu vật liệu còn nhiều triển vọng, khả năng mở rộng cao. Bằng sự cố gắng, trong thời gian ngắn, anh xin được học bổng tiến sĩ toàn phần. Điều kiện tốt nghiệp mỗi học viên có một bài báo quốc tế (thuộc danh mục Q1), nhưng anh Phước đã xuất bản được tới 4 công trình nghiên cứu. Vì vậy, chỉ dành khoảng thời gian không quá 3 năm, anh đã hoàn thành luận án tiến sĩ.

Trở về Trường ĐH Cần Thơ công tác vào năm 2016, thì đến năm 2022, anh Phước được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư. Đến nay, anh sở hữu bảng thành tích nghiên cứu khoa học đáng ngưỡng mộ với 2 bằng độc quyền giải pháp hữu ích quốc gia (sản xuất gạch không nung không xi măng từ tro bay và trấu), chủ nhiệm một đề tài cấp bộ, chủ biên một sách tham khảo chuyên ngành được xuất bản rộng rãi trên toàn quốc. Ngoài ra, anh đã công bố 63 bài báo (39 bài là tác giả chính - PV) trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế. Đáng kể là 19 bài báo quốc tế danh mục Q1 và 13 bài thuộc Q2. Nội dung các bài báo liên quan 3 lĩnh vực nghiên cứu chính gồm: ứng dụng phụ phẩm công - nông nghiệp trong chế tạo vật liệu xây dựng bền vững, phát triển vật liệu không xi măng bằng phương pháp kiềm/sulfate hoạt hóa và vật liệu xây dựng nhẹ.

Nghiên cứu nhiều vật liệu mới

Theo đó, từ các loại phụ phẩm công nghiệp (bùn lắng, tro xỉ nhiệt điện than, xỉ lò đốt rác…), anh Phước nghiên cứu các giải pháp xử lý thành những vật liệu mới (gạch lát vỉa hè, bê tông, gạch không nung…). Nhiều cấu kiện đúc sẵn làm từ vật liệu nhẹ có khối lượng giảm đáng kể, ít hơn 400 - 500 kg/khối so với các loại thông thường cùng cường độ. Anh cho biết đây là hướng nghiên cứu nhằm góp phần thích ứng với đặc điểm nền đất yếu và điều kiện khí hậu nóng ẩm ở khu vực ĐBSCL.

Giảng viên trẻ nghiên cứu vật liệu thay thế cát san lấp - Ảnh 2.

Anh Phước là 1 trong 10 nhà khoa học trẻ được nhận Giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng năm 2023

Năm 2015, anh Phước cộng tác thực hiện dự án tận dụng bùn lắng của một nhà máy xử lý nước ở Đài Bắc (Đài Loan) để sản xuất vật liệu có thể ứng dụng thay thế cát san lấp. Công trình tiếp theo anh nghiên cứu độc lập trên bùn đỏ, là phụ phẩm công nghiệp của các nhà máy khai thác nhôm ở Tây nguyên. Năm 2018, anh tiếp tục làm nghiên cứu tại Hồ Nam (Trung Quốc), thử nghiệm vật liệu san lấp từ bùn lắng trên diện tích hơn 1.000 m2. Kết quả độ bền, độ ổn định trong môi trường đảm bảo đến nay.

Tương ứng với phụ phẩm công nghiệp ở mỗi nguồn sẽ có công thức xử lý, tỷ lệ kết hợp các thành phần khác nhau. Trong các phạm vi nghiên cứu, anh Phước đều đã xác định được thông số thiết kế tối ưu và xây dựng hệ cơ sở dữ liệu phong phú. Hay nói khác đi, vật liệu mới thay thế cát san lấp có thể được điều chỉnh các tính chất theo từng mục đích ứng dụng khác nhau.

Theo anh Phước, với những kết quả nghiên cứu đã công bố, việc sản xuất vật liệu thay thế cát san lấp từ phụ phẩm công nghiệp là rất có tiềm năng nhân rộng vào thực tiễn. Vấn đề cốt lõi là nguồn nguyên liệu đầu vào phải có chất lượng ổn định và phải đảm bảo đủ số lượng cho sản xuất ở quy mô công nghiệp. Sắp tới đây, từ hàm lượng lớn tro bay nhiệt điện than, anh sẽ thực hiện thử nghiệm công trình trải bê tông cho lớp mặt của tuyến đường nông thôn dài khoảng 200 m tại TT.Cái Tắc (H.Châu Thành A, Hậu Giang). 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.