Giao chìa khóa xe cho người giữ, coi chừng rước họa: Mất xe, ai chịu bồi thường?

Phan Thương
Phan Thương
11/03/2019 08:11 GMT+7

Câu hỏi đặt ra là khách đến nhà hàng, quán cà phê, giao xe cho nhân viên quán rồi xảy ra mất xe thì ai phải bồi thường?

Theo luật sư (LS) Hà Hải, Đoàn LS TP.HCM, trong trường hợp này quan hệ giữa khách hàng và nhà hàng, quán ăn… là quan hệ gửi giữ tài sản.
Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản phải bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng; bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.
“Hợp đồng gửi giữ tài sản có thể có hợp đồng hoặc thỏa thuận “ngầm” giữa các bên, trừ trường hợp chính nhà hàng có bảng thông báo khẳng định nhà hàng không nhận giữ xe và khách hàng phải tự bảo quản xe của mình. Khi đó, chủ nhà hàng cũng phải dán thông báo ở những nơi khách hàng dễ dàng nhìn thấy”, LS Hải cho hay.
Với những trường hợp khách hàng “trao tay” chìa khóa xe cho bảo vệ quán dẫn đến mất xe, LS Hải cho hay chủ quán buộc phải bồi thường cho khách hàng dựa vào các quy định của bộ luật Dân sự 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng gửi giữ tài sản.
“Điều 557 bộ luật Dân sự 2015 quy định nghĩa vụ của bên giữ tài sản là phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng”, LS Hải nói và dẫn chứng một vụ kiện tại TAND Q.Phú Nhuận (TP.HCM), tuy khách hàng chưa mất xe nhưng phát sinh quan hệ bồi thường giữa các bên do bảo vệ làm hư hỏng xe của khách: “Đó là việc khi khách hàng tới khách sạn, giao chìa khóa xe cho bảo vệ nhưng bảo vệ lấy xe của khách đi mua đồ thì tông vào xe khác dẫn đến xe của khách hàng lẫn xe bị tông hư hỏng nặng. TAND Q.Phú Nhuận đã tuyên buộc chủ khách sạn phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng, còn phát sinh quan hệ giữa bảo vệ và chủ khách sạn là quan hệ dân sự, thỏa thuận khác, phía khách sạn phải tự giải quyết…”.
Về thực tế tại một số quán ăn, nhà hàng, dù khách giao xe, giao luôn chìa khóa xe nhưng nhà hàng không giao phiếu giữ xe, LS Hải cho rằng, việc có thẻ hoặc phiếu giữ xe hay không không làm mất đi quan hệ gửi giữ tài sản giữa các bên cũng như trách nhiệm bồi thường của chủ quán khi tài sản gửi bị mất hoặc hư hỏng.
“Hợp đồng gửi giữ tài sản có thể được giao kết bằng hợp đồng, miệng hoặc thỏa thuận “ngầm” tự hiểu giữa các bên, trừ trường hợp các tổ chức cung ứng dịch vụ phải có thông báo rõ ràng nơi mình kinh doanh dịch vụ không nhận gửi giữ tài sản”, LS Hải nhấn mạnh.
Trường hợp khách quên không lấy phiếu giữ xe, trong khi quy định tại quán ăn, nhà hàng là phải có phiếu, nếu mất xe hoặc hư hỏng tài sản thì chủ quán có phải chịu trách nhiệm? LS Vũ Quang Đức, Đoàn LS TP.HCM, cho rằng nếu cá nhân, tổ chức nhận giữ xe thừa nhận có nhận xe thì vẫn phát sinh quan hệ gửi giữ và bên giữ xe phải chịu trách nhiệm bồi thường.
“Nếu khách hàng không đưa ra được thẻ, phiếu giữ xe và phía cá nhân, tổ chức nhận giữ xe phủ nhận việc đã nhận tài sản gửi giữ thì khách hàng phải chứng minh đã đưa xe vào quán, bãi xe gửi, khi đó mới phát sinh quan hệ bồi thường thiệt hại”, LS Đức cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.