Giao lưu ra mắt sách ‘Đi qua trăm năm’ của nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư

24/02/2024 14:19 GMT+7

Buổi giao lưu, ra mắt cuốn sách 'Đi qua trăm năm' của nhà nghiên cứu tuổi ngoài bách niên Nguyễn Đình Tư do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM tổ chức vừa diễn ra tại Đường sách TP.HCM sáng 24.2, mang đến cho bạn đọc nhiều cảm xúc và sự ngưỡng mộ đặc biệt, nhất là các bạn đọc trẻ.

Tới dự buổi ra mắt sách có PGS.TS Trần Hoàng Ngân, trợ lý Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Phó chánh Văn phòng UBND TP.HCM (cựu Giám đốc/ Tổng biên tập NXB Tổng hợp TP.HCM) Đinh Thị Thanh Thủy cùng nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo và đông đảo bạn đọc quan tâm tới sự kiện nổi bật này.

Giao lưu ra mắt sách ‘Đi qua trăm năm’ của nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư- Ảnh 1.

Buổi giao lưu ra mắt cuốn sách Đi qua trăm năm tổ chức tại Đường sách TP.HCM sáng ngày 24.2.2024

H.M

Tại buổi ra mắt sách, tác giả Nguyễn Đình Tư và PGS.TS Trần Hoàng Ngân, chị Đinh Thị Thanh Thủy đã ôn lại câu chuyện cơ duyên ra mắt cuốn sách như kỷ niệm thật vui và ý nghĩa chia sẻ cùng bạn đọc. Theo đó, tự truyện Đi qua trăm năm nằm trong ấp ủ ghi lại cho con cháu và độc giả về "Một kiếp người" (tựa sách ban đầu) mà tác giả Nguyễn Đình Tư đã trải từ đầu thế kỷ 20 đến đầu thế kỷ 21. Phác thảo này tác giả dự định sẽ viết sau khi hoàn thành khoảng chục tựa sách nghiên cứu đã lên kế hoạch. Nhưng hữu duyên, tác phẩm Đi qua trăm năm đã được ưu tiên viết sớm hơn theo lời "đặt hàng" của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trong lần đến thăm tác giả cao niên mẫn tuệ và hồn hậu hiếm có của vùng đất Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM tại ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm nhỏ có nhiều mộ cổ của Q.Bình Thạnh vào ngày 16.7.2022. Và lời khích lệ đó đã tạo động lực để "ông Bụt" 103 tuổi ngồi gõ máy tính trong 6 tháng liên tiếp để kể chuyện đời mình. Từ một cậu bé sinh ra ở vùng đất Thanh Chương xứ Nghệ, dòng chảy lịch sử đã đưa Nguyễn Đình Tư xuôi về Nam, bước vào nghiệp cầm bút và trở thành nhà biên khảo nổi tiếng.

Giao lưu ra mắt sách ‘Đi qua trăm năm’ của nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư- Ảnh 2.

Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM mừng sinh nhật cụ Nguyễn Đình Tư nhân buổi giao lưu, với tiếng hát Happy birthday của đông đảo người tham dự

H.M

"Cuộc sống nhiều khó khăn, trải qua nhiều biến cố nhưng tôi luôn lạc quan để sống, học tập, làm việc, cứ vậy mà đi qua những khó khăn, cứ thế thôi. Đến ngày hôm nay, đất nước phát triển tôi cảm thấy rất vui" - mở đầu buổi giao lưu, cụ Nguyễn Đình Tư chia sẻ với nụ cười hồn nhiên, yêu đời, dung dị.

Được biết, bước vào nghiệp cầm bút hơn 80 năm qua - cụ Nguyễn Đình Tư có tác phẩm truyện dài đầu tiên Nguyễn Xí đăng trên báo Truyền bá số 85, ra ngày 10.6.1943; được bạn đọc biết đến với bộ tiểu thuyết dã sử Loạn 12 sứ quân - cụ trở thành nhà biên khảo bình dân nổi tiếng, miệt mài nghiên cứu với hơn 60 tác phẩm, trong đó đã nhận giải thưởng cao với các công trình: Từ điển địa danh hành chính Nam bộ - giải Bạc sách hay của Hội Xuất bản VN, 2009; Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954) (2 tập) - Giải A giải thưởng Sách Quốc gia lần 1 năm 2018; Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020) (2 tập) - Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu lần thứ 11 năm 2023.

Giao lưu ra mắt sách ‘Đi qua trăm năm’ của nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư- Ảnh 3.

Độc giả chụp ảnh lưu niệm cùng tác giả Nguyễn Đình Tư với niềm tự hào và ngưỡng mộ

H.M

Trong buổi giao lưu, nhắc về những ngày sau giải phóng phải ngồi bơm sửa xe đạp kiếm sống, cụ Nguyễn Đình Tư vẫn nhẹ nhàng và khiêm tốn trải lòng, đối với ông, chỉ có sự chăm chỉ, cần cù, lạc quan để sống thì có thể "đi qua tất cả". Cụ "mong thanh niên ngày nay chịu khó học hành, làm những việc tốt để sau này nghĩ lại không phải hối tiếc ân hận", và say sưa bày tỏ những dự định sắp tới của mình. Theo đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 sẽ tiếp tục các công trình đang ấp ủ với khoảng 10 cuốn sách nữa về các vấn đề lịch sử địa lý, từ điển dư địa chí, sự thành lập của các tỉnh Nam bộ, Bắc Trung bộ, Tây nguyên. Cụ cũng "bật mí" dự định viết sách về các loại văn tế, mà như cụ chia sẻ: "Ngày xưa có loại văn tế viết rất bi ai, bi thương, xúc động, ai đọc cũng chảy nước mắt, nhưng sau này không còn nữa, tôi sưu tầm loại văn đó để hậu thế biết về thể loại đó và biết cha ông ta ngày xưa sống tình cảm như thế".

Cụ cũng chia sẻ hiện nay vẫn làm việc 10 tiếng/ ngày, đến 11 giờ 30 đêm mới đi ngủ, không hề bị mỏi lưng, mắt không phải đeo kính. Phó giám đốc, Phó tổng biên tập NXB Tổng hợp TP.HCM Trần Đình Ba - người thực hiện biên tập cuốn sách Đi qua trăm năm của cụ Nguyễn Đình Tư chia sẻ trong buổi giao lưu: "Có nhiều kỷ niệm khi làm việc với bác Tư, và tôi nhận thấy ngoài sự cẩn thận, cực kỳ kỹ lưỡng, khi so sánh những chi tiết nội dung bản thảo, bác Tư cũng rất cầu thị, không giữ riêng ý kiến của mình, chính nhờ đó mà sách của bác Tư có dung lượng kiến thức rất lớn".

Giao lưu ra mắt sách ‘Đi qua trăm năm’ của nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư- Ảnh 4.

Giao lưu ra mắt sách ‘Đi qua trăm năm’ của nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư- Ảnh 5.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư 104 tuổi ký tặng độc giả trong buổi giao lưu tại Đường sách TP.HCM ngày 24.2.2024

H.M

Bạn đọc tham gia buổi giao lưu cũng mong muốn được tác giả ngoài bách niên Nguyễn Đình Tư chia sẻ về bí quyết trường thọ và sự khỏe mạnh, mẫn tiệp đáng ngạc nhiên của cụ, cụ rất hồn hậu bày tỏ: "Tôi tập thể dục buổi sáng, đi bộ buổi chiều. Trước kia còn đi ngoài đường phố, nhưng nay tuổi cao, đường nhà tôi đông đúc chật hẹp, tôi tập bằng cách leo cầu thang 36 bậc, ngày xưa 20 vòng, giờ thì 10 vòng. Thứ hai, là ăn uống điều độ, không nghiện ngập rượu, thuốc lá, cà phê… những thứ có hại. Và quan trọng là tinh thần, tôi tiếp thu giáo lý đạo Phật từ bi hỉ xả, ai cũng có sai lầm, nói xong thì thôi, không chấp, không để lòng, nên khi nào tôi cũng vui; sống không ích kỷ, luôn quan tâm đến đồng bào, xã hội, như xem ti vi, nghe tin nông dân làm ra tiền thành triệu phú, tôi rất vui".

Buổi giao lưu ra mắt tự truyện Đi qua trăm năm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã để lại ấn tượng khó quên với người tham dự, lan tỏa năng lượng tích cực về một tấm gương lao động nghiên cứu miệt mài; sự rèn luyện thể chất, tinh thần rất đáng ngưỡng mộ để thế hệ trẻ noi theo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.