Gieo mưa nhân tạo gây tranh cãi về rủi ro

Khánh An
Khánh An
23/04/2024 06:18 GMT+7

Công nghệ gieo mưa nhân tạo lại làm dấy lên tranh cãi, nhất là sau khi mưa lũ diễn biến bất thường và nghiêm trọng ở một số nước.

Tổng cục Phòng vệ Ả Rập Xê Út ngày 22.4 dự báo mưa lớn xảy ra tại nhiều khu vực ở nước này kéo dài đến ngày 23.4, đồng thời khuyến cáo người dân nên ở nhà, tránh đến những khu vực thung lũng và ngập nước.

Những bồn nước muối được đưa lên máy bay quân sự để làm mưa nhân tạo ở Malaysia

Những bồn nước muối được đưa lên máy bay quân sự để làm mưa nhân tạo ở Malaysia

AFP

Theo trang Al Arabiya News, khuyến cáo được đưa ra sau khi một số nước vùng Vịnh như Oman, UAE và Bahrain chứng kiến mưa lớn kỷ lục, trong đó UAE hứng lượng mưa trong vòng 24 giờ nhiều nhất kể từ khi bắt đầu ghi nhận vào năm 1949. Một số thông tin cho rằng công nghệ gieo mưa là tác nhân, dù Trung tâm Khí tượng quốc gia UAE bác bỏ.

Điều khiển thời tiết

Gieo mây là công nghệ điều chỉnh thời tiết nhằm thay đổi lượng hoặc hình thức giáng thủy (mưa, mưa đá, tuyết). Mục đích phổ biến là tăng lượng mưa trong thời gian mong muốn, hoặc tránh xảy ra vào những ngày sau đó. Theo trang Earth.org, mây được phun lên iod bạc (AgI), các hạt muối siêu nhỏ như NaCl, CaCl2 hoặc các hóa chất khác để ngưng tụ, lắng đọng hơi nước, khiến chúng rơi xuống dưới dạng tuyết hoặc mưa.

Việc gieo mây đã được tiến hành tại khoảng 50 nước. UAE nổi tiếng về chương trình gieo mây tinh vi kể từ thập niên 1990, thực hiện khoảng 1.000 giờ bay gieo mây hằng năm để tăng nguồn nước, theo tờ Daily Mail.

Xe hơi chìm trong nước lũ ở Dubai ngày 19.4

Xe hơi chìm trong nước lũ ở Dubai ngày 19.4

AFP

Mỹ cũng có lịch sử gieo mây lâu đời, bắt đầu từ năm 1947 với Chiến dịch Cirrus, khi quân đội Mỹ trút gần 90 kg đá khô xuống một trận bão ngoài khơi bang Florida. Dù chưa có bằng chứng sứ mệnh thành công, một số người dọa kiện chính quyền bang vì cơn bão chuyển hướng ngoài dự kiến. Việc nghiên cứu tiếp diễn và nhiều bang ở Mỹ thường xuyên tiến hành gieo mây để tăng lượng mưa. Úc đã thử nghiệm từ năm 1947 và tiếp tục gieo mưa đến ngày nay. Trung Quốc cũng gieo mây để đối phó hạn hán, chống cháy rừng và tránh mưa vào những ngày duyệt binh.

Tờ Nhân Dân nhật báo đưa tin Trung Quốc từng thực hiện 241 chuyến bay và phóng 15.000 rốc két từ tháng 6 - 11.2022, tăng thêm 8,56 tỉ tấn nước mưa ở lưu vực Trường Giang. Trong khi đó, Pháp thường gieo mây để tạo mưa, trước khi mưa đá nghiêm trọng có thể hình thành.

Mưa nhân tạo có gây ra bão lớn, ngập lụt ở Dubai?

Lo ngại rủi ro

Trước đây, lo ngại về tác hại của công nghệ gieo mây chủ yếu là về các vấn đề môi trường. Dù gây tranh cãi, iod bạc vẫn là chất được sử dụng phổ biến nhất nhờ đặc tính tạo mầm băng hiệu quả. Tuy nhiên, theo trang Earth.org, chất này gây lo ngại về sinh thái vì có thể độc hại đối với sự sống trên cạn và dưới nước. Do đó, có những nghiên cứu đang được tiến hành về việc sử dụng các chất ít gây hại hơn nhưng vẫn đảm bảo tính hiệu quả.

Ở một khía cạnh khác, nhà khí tượng học Johan Jaques của Công ty Kisters (trụ sở tại Bỉ, hoạt động đa lĩnh vực, trong đó có theo dõi mưa đá và giảm thiểu thiệt hại) nhấn mạnh hoạt động gieo mây có nhiều nguy cơ vì chưa biết hết tác động.

"Chúng ta ít kiểm soát được tác động chính xác về việc nơi sẽ xảy ra mưa", tờ Daily Mail dẫn lời ông Jaques phân tích và cho rằng điều này có thể dẫn đến một số nơi mưa quá to, còn một số nơi hạn hán. Ngoài ra, gieo mưa nhân tạo có thể làm leo thang mâu thuẫn khu vực, khi các nước cáo buộc nhau "đánh cắp mưa". Tổ chức Khí tượng thế giới hồi năm 2017 ra hướng dẫn khuyến cáo các thành viên không tiến hành các hoạt động điều khiển thời tiết mà không cân nhắc mức độ khó lường cao về tính hiệu quả cũng như nguy cơ tác hại liên quan.

Nhiều lần bị nghi ngờ

Theo tạp chí Time, đợt mưa kỷ lục tại UAE không phải là lần đầu tiên công nghệ gieo mây bị nghi ngờ. Hồi tháng 2, nhiều cư dân mạng cáo buộc các quan chức phụ trách một chương trình thí điểm gieo mây về việc gây ra mưa giông và lũ lụt tại phía nam bang California (Mỹ), dù công nghệ này chưa được sử dụng trước đợt mưa. Tại Úc, sau đợt mưa kỷ lục vào năm 2022, nhiều người lại thắc mắc về nghi vấn việc gieo mưa có liên quan.

Một nghiên cứu tại UAE vào năm 2021 cho thấy hoạt động gieo mây làm tăng lũ lụt đô thị. Sau trận bão tuyết lớn phía bắc Trung Quốc vào năm 2009 và lũ lụt nghiêm trọng phía nam nước Anh vào năm 2001, nhiều người cũng nghi vấn nguyên nhân do gieo mây, dù cơ quan chức năng luôn bác bỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.