Giữ di sản trong cộng đồng

09/03/2012 03:50 GMT+7

“Mấy năm gần đây, giữ di sản trong cộng đồng đã thành khẩu ngữ. Nhưng cộng đồng đó là ai và cơ chế để cộng đồng tham gia quyết định bảo tồn di sản thì không phải lúc nào cũng được nhận thức đúng”, PGS Nguyễn Văn Huy - Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia nói.

“Mấy năm gần đây, giữ di sản trong cộng đồng đã thành khẩu ngữ. Nhưng cộng đồng đó là ai và cơ chế để cộng đồng tham gia quyết định bảo tồn di sản thì không phải lúc nào cũng được nhận thức đúng”, PGS Nguyễn Văn Huy - Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia nói. 

 
Tái hiện trang phục của hát xoan nhờ những người lớn tuổi cung cấp tư liệu - Ảnh: Quang Quyết

Hiểu thế nào về cộng đồng với di sản?

Tại hội đền Trần đầu năm vừa qua, trong khi các nhà khoa học đề nghị trả lễ hội cho cộng đồng thì một chuyện chưa từng xảy ra đã xảy ra. Nhà đền tuyên bố hết ấn sau mấy ngày đầu không hề có chen lấn, xô đẩy cướp ấn như một vài năm trước. Ngay lập tức, ấn đền Trần lại sốt giá. Nhà đền tuyên bố chỉ có từng đó ấn và sẽ không có chuyện đóng thêm. Liệu nhà đền có phải là cộng đồng mà các công ước của UNESCO đều khuyến cáo nên để họ giữ di sản hay không?

Một câu chuyện khác cũng đầu năm - kỷ lục quan họ. Những người đồng tình cho rằng đây chính là cách tốt nhất để cộng đồng hát quan họ thể hiện lòng yêu quý, tôn vinh quan họ. Tất nhiên, nhiều nhà nghiên cứu không cho đó là tôn vinh.

 
Di sản cần được quảng bá sao cho cộng đồng có thể tự nói lên họ đang làm gì, giá trị cái họ làm ra sao.  
TS Lê Thị Minh Lý

“Trường hợp kỷ lục ở Bắc Ninh, huy động tới 3.000 người - đó là một hình thức làm việc cộng đồng. Nhưng cách làm việc của họ, mục tiêu làm việc và cách thức làm việc đều sai”, TS Lê Thị Minh Lý nói. “Người ta đã sử dụng cộng đồng vào việc quảng bá di sản một cách thiếu chuyên môn. Bởi di sản không thể quảng bá theo kiểu số đông. Di sản cần được quảng bá sao cho cộng đồng có thể tự nói lên họ đang làm gì, giá trị cái họ làm ra sao”.

Còn theo PGS Nguyễn Văn Huy: “Nói đến cộng đồng cũng phải nhắc tới phạm vi của cộng đồng. Chẳng hạn, lễ hội có yếu tố hiến sinh vừa rồi tại Bắc Ninh. Đấy chỉ là một phong tục của cộng đồng nhỏ, chuyện riêng của cộng đồng họ mà thôi. Hà cớ gì rất đông người kéo đến rồi lại phản đối tập tục đó”. 

Biết cách làm việc với các già làng

“Cộng đồng chính là yếu tố quyết định bảo tồn di sản văn hóa, hạn chế tối đa sự can thiệp của nhà nước thông qua công tác quản lý tới nhiều di sản. Nhưng vấn đề bây giờ là cộng đồng ở nông thôn đã không còn như ngày trước”, PGS Huy phân tích.

“Cộng đồng đó giờ phức tạp hơn. Dân làng tham gia nhiều ngành nghề khác nhau, nhu cầu khác nhau. Có những người không bao giờ ra khỏi làng. Có những người đã ra đi lâu ngày rồi trở về. Những cán bộ về hưu. Những cựu chiến binh. Cách suy nghĩ của họ giống cán bộ quản lý văn hóa hơn do đã thấm tư duy “tự kiểm duyệt” theo hướng bảo tồn có chọn lọc, về thành tố văn hóa này là tiêu cực, cái kia là tích cực. Họ nghĩ giống “cán bộ văn hóa” hơn cộng đồng sống lâu dài ở địa phương, gắn bó cả đời với di sản của mình”.

“Cộng đồng, theo tôi, nay rất đa dạng, gồm nhiều lớp người, tham gia các tổ chức xã hội và nghề nghiệp khác nhau, nhưng nòng cốt là những người thực sự am hiểu các phong tục tập quán - những người mà ta gọi thực sự là già làng. Các già làng đó nắm tri thức địa phương, có uy tín trong xã hội và hiểu được nhu cầu của người dân để thỏa mãn cho người dân. Cần phải xây dựng cơ chế để cộng đồng có thể tham gia một cách hữu hiệu vào công cuộc bảo tồn di sản”.

Theo TS Lý, cần chú ý hơn nữa đến phương pháp làm việc với cộng đồng - điều UNESCO luôn nhấn mạnh. “Nên có đủ các bên. Có nhà nghiên cứu, nhà tài trợ. Có cộng đồng, nhà quản lý. Nhà nghiên cứu bảo vệ bằng tư vấn khoa học. Các bác có ý tưởng này sai, nên nghĩ lại làm cho tốt hơn. Nhà quản lý bảo vệ di sản bằng chính sách. Nhà tài trợ bảo vệ bằng hỗ trợ kinh phí. Người dân trực tiếp bảo vệ bằng cách tiếp tục thực hành đúng di sản” - TS Lý nói

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.