'Gỡ vướng' cho Hà Nội bằng luật Thủ đô sửa đổi?

22/04/2024 08:59 GMT+7

Trao quyền, phân cấp mạnh hơn cho thủ đô, theo nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, cần được quy định rõ ngay trong luật Thủ đô sửa đổi, để cán bộ Hà Nội dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, đưa thủ đô Hà Nội trở thành thành phố "văn hiến - văn minh - hiện đại".

Chính sách vượt trội giúp thủ đô phát triển xứng tầm

Theo nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, luật Thủ đô lần đầu được Quốc hội thông qua vào năm 2012, là cơ sở về mặt pháp luật giúp khẳng định thêm vị trí, vai trò đặc biệt của thủ đô Hà Nội.

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại hội nghị đóng góp ý kiến vào dự thảo luật Thủ đô sửa đổi

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại hội nghị đóng góp ý kiến vào dự thảo luật Thủ đô sửa đổi

KHẮC HIẾU

Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; là nơi đặt trụ sở của các cơ quan T.Ư của Đảng và Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế và là nơi diễn ra các hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng nhất của đất nước.

Do có vị trí, vai trò đặc biệt nên thủ đô cần có những cơ chế, chính sách riêng, đặc thù, vượt trội so với những quy định cho các đô thị khác và luật Thủ đô sửa đổi có vai trò quan trọng, cấp thiết cho sự phát triển của thủ đô trong giai đoạn hiện nay và sắp tới.

Đất nước đang trong giai đoạn tiếp tục thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế. Cùng với đó là truyền thống văn hiến hàng nghìn năm của thủ đô, nên Hà Nội rất cần có một cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, được quy định thành luật để thành phố có đủ điều kiện về mặt pháp lý để xây dựng phát triển thủ đô theo đúng vị trí, vai trò vốn có của mình.

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, để thủ đô Hà Nội thực hiện được những mục tiêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị thì dự thảo luật Thủ đô sửa đổi rất cần những cơ chế, chính sách vượt trội, bao trùm trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội… Có như thế, mới đáp ứng nhu cầu phát triển và xây dựng thủ đô, cũng là đáp ứng nhu cầu phát triển chung cho đất nước.

"Nói một cách khái quát, trên lĩnh vực nào thì Hà Nội cũng mang tính chất đại diện cho đất nước. Cho nên, cả nước vì Hà Nội và Hà Nội cũng vì cả nước. Hà Nội phát triển thì không chỉ đem lại sự phát triển cho riêng thủ đô mà cũng đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước. Ngược lại, nếu Hà Nội không phát huy được tiềm lực sẽ hạn chế nguồn lực chung của cả nước. Cho nên, mục tiêu cao nhất của luật Thủ đô là phục vụ cho sự phát triển của Hà Nội, đồng thời cũng tạo điều kiện cho Hà Nội đóng góp ngày càng lớn hơn cho sự phát triển chung của đất nước", ông Nghị nêu quan điểm.

Tăng quyền để Hà Nội tháo gỡ những tồn tại, hạn chế

Trong hơn 10 năm thực hiện luật Thủ đô 2012, ông Phạm Quang Nghị nhận xét, thành phố đã làm được nhiều việc nhưng cũng còn không ít tồn tại, hạn chế, trong đó bao gồm cả việc chưa tìm ra lời giải cho những "bài toán" dân sinh bức xúc như quy hoạch, ùn tắc giao thông, ô nhiễm, ngập úng… Chỉ riêng một việc mà ai cũng thấy là cấp bách, cần phải làm, đó là cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ nhưng vì còn vướng mắc rất nhiều vấn đề liên quan đến chính sách nên "bàn mãi, bàn mãi mà không làm được".

Về nguyên nhân, ông Nghị chỉ ra, là do Hà Nội chưa khai thác, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh vốn có của mình. Cạnh đó, một yếu tố rất quan trọng khác, đó là cơ chế, chính sách không đầy đủ, không đồng bộ nên nhiều vấn đề "bị vướng". Mặt khác, UBND TP.Hà Nội và chính quyền các cấp ở Hà Nội không đủ thẩm quyền để xử lý kịp thời những vấn đề của thành phố.

Có rất nhiều vấn đề, nhiều công trình, dự án mà Hà Nội phải thỏa thuận, báo cáo xin ý kiến các bộ, ngành. Và việc thiếu sự sâu sát, thấu hiểu của các bộ, ngành cũng là nguyên nhân làm chậm quá trình phát triển của thủ đô Hà Nội.

"Bây giờ, trong luật Thủ đô sửa đổi, chúng ta đang rất quan tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế đó. Tôi nhận thấy lần này, sự đồng thuận của Quốc hội, dư luận rất cao về việc phân cấp, tăng quyền mạnh hơn và đi kèm là tăng trách nhiệm cho chính quyền thành phố. Tôi cho rằng, phương hướng tháo gỡ bằng cách phân cấp, tăng quyền như vậy rất là đúng đắn", ông Nghị nhìn nhận.

Đáng chú ý, theo nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, việc phân cấp, tăng quyền cho Hà Nội mạnh hơn sẽ tăng thêm quyền hạn, trách nhiệm, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

"Trước đây có việc không giải quyết được thì có thể đổ lỗi chậm trễ là do cơ chế, chính sách. Sắp tới, cơ chế chính sách đã có đủ hết nếu chậm thì chỉ có thể do lỗi của đội ngũ cán bộ thành phố. Vì vậy, việc phân cấp, tăng quyền mạnh hơn sẽ khuyến khích cán bộ Hà Nội phát huy tính năng động, chủ động, và cũng đặt lên vai cán bộ trách nhiệm lớn hơn", ông Nghị nói.

Làm lãnh đạo đừng tính toán điều gì riêng tư

Chia sẻ với Thanh Niên, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị ví von làm lãnh đạo thành phố như "đẽo cày giữa đại lộ Thăng Long".

Ý nghĩa của câu thành ngữ được "cải biên" để nói về cái khó của công việc ở Hà Nội. Nhiều người đi qua đi lại, mỗi người thêm vào một ý, rất khó cho người phải ra quyết định.

"Đẽo cày giữa đường đã khó, đẽo cày giữa đại lộ Thăng Long càng khó hơn nhiều", ông Nghị nói vui.

Sự góp ý của dư luận bên cạnh mặt tích cực là đem lại ý kiến phong phú nhưng cũng gây ra khó khăn vì "chín người mười ý", làm cho người tổ chức thực hiện rất khó đưa ra quyết định. Nói ngắn gọn, câu thành ngữ trên mang hàm ý làm việc ở thủ đô Hà Nội có rất nhiều áp lực và rất khó đáp ứng được ý của mọi người.

"Những lúc rơi vào tình huống như vậy, tôi sẽ thường chọn những ý kiến được đa số tán thành, hoặc ý kiến của chuyên gia, của người am hiểu nhất về lĩnh vực ấy. Trên cơ sở đó, bản thân sẽ phải cân nhắc, chọn lọc để tìm ra ý kiến đúng nhất", ông Nghị chia sẻ.

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội nói rằng không thể chiều theo ý tất cả mọi người được; càng không thể vì quá nhiều ý kiến mà "gác" việc đó lại, không dám giải quyết.

"Mình phải thể hiện bản lĩnh, kiến thức, trí tuệ thì mới đưa ra quyết định đúng đắn được. Để đưa ra quyết định đúng đắn thì trước hết, mọi suy nghĩ, cân nhắc phải vì công việc, vì cái chung, đừng tính toán điều gì riêng tư trong đó. Nếu tính toán điều gì riêng tư thì sẽ không đưa ra quyết định đúng đắn được", ông Nghị khẳng định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.