Đề xuất mô hình chính quyền mới ở Hà Nội, bỏ HĐND cấp quận, phường

Lê Hiệp
Lê Hiệp
05/03/2023 09:42 GMT+7

Chính phủ đề xuất bỏ HĐND cấp quận, phường, cho phép chủ tịch UDND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm chủ tịch, các phó chủ tịch UBND cấp dưới và nhiều chính sách đặc thù trong luật Thủ đô sửa đổi.

Chính phủ vừa có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chương trình xây dựng luật năm 2023, trong đó đề nghị sửa luật Thủ đô vào kỳ họp thứ 6, tháng 10.2023.

Hà Nội đề xuất bỏ HĐND quận, chủ tịch TP trực tiếp bổ nhiệm chủ tịch quận - Ảnh 1.

Chính phủ đề xuất nhiều cơ chế, chính sách mới, đặc thù trong luật Thủ đô sửa đổi

THÀNH TRUNG

Tờ trình của Chính phủ cho hay, Chính phủ đề xuất xây dựng luật với 9 nhóm chính sách. Theo đó, đầu tiên là tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Trong tờ trình xây dựng luật, Chính phủ đề xuất tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng không tổ chức HĐND phường (hiện đang được thí điểm từ 2019 tới nay). Chính phủ cũng đề xuất một phương án khác là không tổ chức HĐND cả cấp quận, huyện và phường, xã trên toàn thành phố.

Theo báo cáo đánh giá tác động, khi thực hiện các phương án này, bộ máy chính quyền Thủ đô sẽ tinh gọn, hiện đại, giảm được các cấp trung gian, tăng hiệu quả hoạt động.

Cùng đó, chủ tịch UBND cấp trên sẽ được trực tiếp bổ nhiệm chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp dưới, góp phần đảm bảo sự thống nhất giữa các cơ quan hành chính.

Báo cáo đánh giá tác động cũng cho hay, TP.HCM cung đang thực hiện bỏ HĐND cấp quận, huyện, phường, xã và đang thu được nhiều kết quả.

Tuy nhiên, báo cáo tác động cũng cho biết, "khó khăn" của việc không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường có thể dẫn đến việc phải chi trả sắp xếp lại bộ máy, giải quyết chế độ, tinh giản biên chế với khoảng 180 người là cán bộ chuyên trách ở các HĐND ở các cấp hiện nay.

Tăng mức phạt hành chính gấp đôi ở nhiều lĩnh vực

Cùng với 2 phương án bỏ HĐND ở các cấp quận, huyện, phường, Chính phủ đề xuất cho phép chính quyền TP.Hà Nội được phân quyền về công tác cán bộ như điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn cơ quan chuyên môn thuộc UBND; quy định số lượng, tên gọi, biên chế, chức năng, nhiệm vụ cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp dưới trực thuộc.

Chính phủ cũng đề xuất cho phép chính quyền thành phố được thành lập một số cơ quan chuyên môn đặc thù; thành lập và tổ chức lại các cơ quan thuộc thẩm quyền của thành phố; đề xuất cho phép người đứng đầu cơ quan, đơn vị của Thủ đô được ký hợp đồng lao động ở một số vị trí việc làm khi có nhu cầu; được tuyển dụng, bổ nhiệm từ cấp phó trở xuống và chịu trách nhiệm cá nhân về chất lượng đội ngũ công chức, viên chức thuộc quyền.

Chính phủ cũng đề xuất thống nhất một chế độ công vụ, chức trong các cơ quan, tổ chức các cấp của Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội thuộc Thủ đô, không phân biệt cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên. 

Đáng lưu ý, Chính phủ đề xuất được phân quyền trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính, được phép quy định mức tiền phạt cao tối đa 2 lần mức tiền phạt do Chính phủ quy định với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo, phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm và áp dụng trên toàn thành phố

Bên cạnh đó, cho phép TP.Hà Nội ban hành các biện pháp hành chính như yêu cầu dừng hành vi vi phạm, cưỡng chế dừng hành vi vi phạm hành chính, thuyết phục, lao động công ích, dừng cấp phép… hoặc biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính như yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết yếu ngừng cung cấp, thu hồi đăng ký kinh doanh, giấy phép hoạt động… đối với 3 lĩnh vực: đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy.

Theo luật Thủ đô hiện hành, TP.Hà Nội được phép quy định mức phạt cao hơn gấp đôi đối với các vi phạm hành chính tại các quận nội thành trong 3 lĩnh vực: văn hóa, đất đai, xây dựng.  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.