Hà Nội sẽ có tàu điện một ray?

24/07/2010 08:17 GMT+7

Hiện tại, Chính phủ đang giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu về đề xuất xây dựng tuyến tàu điện một ray nam Hồ Tây - Hòa Lạc (Hà Nội). Nếu được chấp thuận, đây sẽ là tuyến tàu điện một ray đầu tiên ở Việt Nam.

Theo đề xuất, tuyến tàu điện một ray (còn gọi là monorail) này dài 38km, xây dựng trên dải phân cách các tuyến đường từ nam Hồ Tây đến đường Phạm Hùng, sau đó đi dọc theo đường cao tốc Láng - Hòa Lạc.

Sẽ có khoảng 60 toa tàu được đưa vào sử dụng với tổng công suất lên đến 6.000 khách/lượt. Các nhà ga đặt tại những siêu thị, khu vui chơi giải trí, khu công nghệ cao, trường đại học... tạo sự thuận lợi cho sự di chuyển của người dân.

Ông Trần Quang Việt Hà, cán bộ dự án của Vinaconex Xuân Mai cho rằng: monorail là sự lựa chọn phù hợp để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội hiện nay.

“Các hình thức vận tải công cộng hiện chưa phát huy được tác dụng, làm giảm mật độ phương tiện lưu thông, đầu tư xây dựng các loại phương tiện khác rất tốn kém và tốn thời gian trong khi thi công monorail nhanh hơn, tốn ít tiền hơn”, ông Hà nói.

Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng) cũng phân tích rằng, xe buýt hiện là phương tiện công cộng phổ biến, đầu tư không lớn nhưng do phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng hiện có nên tốc độ không cao, khả năng giải quyết triệt để ách tắc rất thấp và tiềm ẩn rủi ro tai nạn. Trong khi đó, tàu điện ngầm, tàu ray nhẹ, tàu điện từ là phương tiện hiện đại, tốc độ cao, khối lượng vận chuyển lớn nhưng kỹ thuật phức tạp, tổng mức đầu tư rất cao.

Ông Liêm đưa ra so sánh: để xây dựng 1km đường sắt trên cao tốn cả vài chục triệu USD, trong khi xây dựng 1km tàu điện một ray tại Hà Nội chỉ tốn khoảng 8 triệu USD.

Tại hội thảo “Tàu điện một ray - một giải pháp cho giao thông đô thị tại Việt Nam” vừa được tổ chức hôm 21.7, các chuyên gia đến từ Mỹ, Malaysia và Trung Quốc cũng đều cho rằng, việc xây dựng và vận hành hệ thống tàu điện một ray tại Hà Nội trong thời điểm này là cần thiết và hữu ích.

Theo các chuyên gia quốc tế, monorail có nhiều ưu điểm nổi trội so với các loại hình vận tải công cộng khác như chiếm ít diện tích (do xây dựng trên cao) nên không tốn kém trong giải phóng mặt bằng, bán kính đổi hướng chỉ 30 - 40m nên tàu có thể chạy luồn lách quanh những tòa nhà, chạy dọc theo các giải phân cách, vượt lên trên các công trình giao thông hiện hữu hay hạ xuống ngầm tùy từng khu vực.

Ngoài ra, monorail chạy bằng nguồn điện một chiều hoặc động cơ hybrid nên không gây ô nhiễm môi trường; sử dụng bánh lốp chạy trên dầm bê tông nên không gây tiếng ồn. Tốc độ trung bình của tàu đạt tới 60 - 90km/giờ, một toa loại lớn có thể vận chuyển gần 200 người. Các hệ thống monorail của một loạt thành phố lớn tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ... được chứng minh rằng đã phát huy tác dụng trong việc giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, phục vụ phát triển du lịch.

Nên tính toán kỹ

PGS.TS Hồ Uy Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam cho rằng tàu điện một ray là "cũ ở người nhưng mới ở ta", vì thế để đưa vào triển khai tại VN, cần có nhiều nghiên cứu sâu hơn về giải pháp công nghệ, xây dựng, cũng như đặt tàu điện một ray vào tổng thể quy hoạch giao thông bài bản thì mới phát huy được hiệu quả của công nghệ này.

TS. Khuất Việt Hùng, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giao thông vận tải (ĐH GT-VT Hà Nội) cũng lưu ý: Tầm nhìn của đường sắt là 100 năm chứ không phải 10 - 20 năm rồi gỡ đi. “Với ưu điểm đang có, thì đường sắt một ray đang chiếm ưu thế nhưng nó có phải giải pháp dài hạn hay không thì đó là câu hỏi ngỏ”, ông Hùng nói. Theo ông Hùng: “Tôi ủng hộ việc làm nghiên cứu nhưng khi quyết định thì cần phải thẩm định kỹ”.

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.