Hàng ngàn người lao động Việt Nam sắp được học điều này miễn phí

Thúy Hằng
Thúy Hằng
29/03/2021 17:45 GMT+7

Không chỉ được học miễn phí, hàng ngàn người lao động Việt Nam sẽ được cấp chứng chỉ. Những kiến thức này đảm bảo kỹ năng cho công việc tốt hơn, chất lượng cuộc sống nâng cao, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19.

Chiều nay 29.3, tại TP.HCM, dự án “Tăng cường khả năng tiếp cận đào tạo kỹ năng số cho lao động trẻ tại Việt Nam” chính thức được khởi động. Theo đó, dự án sẽ mang lại lợi ích cho hàng ngàn sinh viên học nghề, người lao động tại Việt Nam, đặc biệt là lao động di cư đang làm việc nhiều tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.
Đại diện Tổ chức di cư quốc tế (IOM) Việt Nam cho biết trong giai đoạn thí điểm, dự án sẽ xây dựng một nền tảng học trực tuyến. Từ đó, người lao động trẻ, sinh viên học nghề chỉ cần truy cập vào địa chỉ này để được học miễn phí. Nội dung chương trình học về kỹ năng số cơ bản, cần thiết phục vụ cho công việc và tiếp cận vào xã hội số. Sau khi kết thúc khóa học, học viên sẽ được cấp chứng chỉ.
Bà Lê Bình, thuộc IOM Việt Nam, cho biết dự án hướng tới khoảng 3.000 công nhân lao động di cư trong nước và sinh viên học nghề tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai, song nếu nhiều hơn con số 3.000 người là điều rất vui mừng. Bên cạnh những kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin, học viên sẽ được tìm hiểu những kỹ năng số cần thiết như cách thức tìm việc trực tuyến, phân biệt tin thật tin giả
Trao đổi tại sự kiện, bà Mihyung PARK, trưởng phái đoàn IOM Việt Nam, nhấn mạnh các kỹ năng số cơ bản là những kỹ năng cần thiết trong xã hội hiện đại. Trong bối cảnh Covid-19, nếu người lao động không được dễ dàng tiếp cận những cơ hội nâng cao kỹ năng này, rất có thể họ sẽ bị bỏ lại phía sau. “Kỹ năng số còn là kỹ năng cần thiết để kiến tạo cuộc sống khỏe mạnh, thư thái và bình an cho người di cư vì kỹ năng đó giúp họ hòa nhập tốt trong cộng đồng mới”, bà Mihyung PARK nói.
Dự án “Tăng cường khả năng tiếp cận đào tạo kỹ năng số cho lao động trẻ tại Việt Nam” do tập đoàn Microsoft và IOM Việt Nam thực hiện.

(Từ trái qua) Bà Phan Tú Quyên, Mihyung PARK, bà Lê Bình trao đổi tại sự kiện

Ảnh Thúy Hằng

Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp thời gian tới.
Đồng quan điểm, bà Phan Tú Quyên, Giám đốc Marketing và vận hành của Microsoft Việt Nam, cho biết năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó người thất nghiệp nhiều hơn.
Đứng trước thực trạng này người lao động nhất thiết phải trang bị những kỹ năng mới phù hợp với nền kinh tế số, để có thể tìm kiếm việc làm hay thậm chí là duy trì công việc hiện tại. Nền kinh tế chỉ có thể phục hồi một cách toàn diện khi người mất việc làm được tạo cơ hội tiếp cận học hỏi những kỹ năng số. Họ chính là những người có thu nhập thấp, phụ nữ, những nhóm thiểu số trong xã hội.
Nhưng những người lao động Việt Nam có thu nhập thấp, những nhóm thiểu số trong xã hội thì có thể học kiến thức về kỹ năng số ở đâu khi mà không phải ai cũng có máy tính, điện thoại di động thông minh? Chúng tôi đặt câu hỏi trên cho ban tổ chức.
Bà Lê Bình cho hay đây cũng là một vấn đề mà những người thực hiện dự án phải giải quyết. Cơ sở vật chất, phương tiện máy tính phục vụ cho các khóa học trên, theo bà Lê Bình cần sự hỗ trợ từ các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, các trường đào tạo nghề… Theo đó, mọi người có thể học tập trong những không gian học tập cộng đồng của các khu công nghiệp.

Đại biểu và các khách mời tại sự kiện chiều nay 29.3

Ảnh Thúy Hằng

“Chúng tôi thật sự mong muốn dự án sẽ mang lại lợi ích tích cực cho những lao động di cư Việt Nam, nhất là những người đang làm việc tại các khu công nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai, các sinh viên trường nghề tại TP.HCM. Người được hưởng lợi sau chương trình học miễn phí không chỉ là họ, mà còn là con em họ. Khi cha mẹ có kiến thức về kỹ năng số sẽ quản lý, giáo dục con em mình dễ hơn trên môi trường mạng”, bà Lê Bình nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.