Hàng trăm sà lan kẹt cứng trên sông

26/10/2010 06:55 GMT+7

Đến chiều 25.10, hàng trăm sà lan vẫn còn kẹt cứng trên sông Sài Gòn (đoạn thượng và hạ lưu cầu Bình Lợi giáp ranh Q.Bình Thạnh và Thủ Đức). Nguyên nhân do triều cường dâng cao kéo dài, khiến cho tĩnh không cầu Bình Lợi vốn đã thấp lại càng thêm hạn chế, nên các sà lan không thể lưu thông qua khu vực này.

Ùn tắc trên sông

Theo một số chủ sà lan, khoảng 2 ngày qua, nhiều sà lan chở cát cùng các tàu thuyền loại nhỏ khác của các chủ phương tiện ở Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Bình Dương lưu thông theo sông Sài Gòn (hướng cửa ngõ phía bắc thành phố) đến TPHCM và ngược lại đều bị ùn lại tại khu vực thượng và hạ lưu cầu Bình Lợi. Ban đầu, số lượng phương tiện thủy ùn ứ chỉ vài chục chiếc, nhưng sau đó do số lượng phương tiện cũ nằm chờ chưa được giải tỏa nên số lượng phương tiện mới tiếp tục đổ dồn về, dẫn đến tình trạng hàng trăm phương tiện thủy nằm chật cứng trên sông.

Trao đổi với PV Lao Động, trung tá Phan Văn Mẫn – Đội trưởng Đội CSGT đường thủy số 2 – cho biết, nguyên nhân do đang vào đợt triều cường lớn (mức triều cường đạt 1,5m - PV), mực nước sông dâng cao kéo dài, trong khi thời điểm nước ròng diễn ra trong thời gian ngắn. đã làm giảm tĩnh không thông thuyền của cầu Bình Lợi. Cầu Bình Lợi được xây dựng cách nay đã hơn 100 năm, đây là cây cầu có tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy bên trên.

Vào thời điểm bình thường, tĩnh không thông thuyền của cầu Bình Lợi khoảng 2m, các sà lan và một số tàu thuyền loại nhỏ có thể lưu thông qua lại, nhưng ghi nhận thực tế của PV vào ngày 25.10, mực nước triều cường dâng cao đã làm cho tĩnh không thông thuyền của cầu giảm xuống còn khoảng 1,2-1,5m. Dù vậy, một số tài công vẫn cố tình cho sà lan chui qua cầu, sau khi lưu thông được một đoạn thấy có dấu hiệu bị vướng vào gầm cầu đành phải lui ra.

Nguy cơ sà lan đội cầu

Theo trung tá Phan Văn Mẫn, hiện CSGT đường thủy phối hợp với đơn vị quản lý tuyến sông thường xuyên có mặt tổ chức điều tiết, phân luồng cho các phương tiện lưu thông khi triều cường xuống. Tuy vậy, trung tá Phan Văn Mẫn vẫn lo ngại, tình trạng có nhiều phương tiện đang nằm chờ trên trên sông, gần khu vực cầu Bình Lợi và chỉ cần sơ sẩy để đứt dây neo hoặc tài công cố ý cho phương tiện lưu thông là có thể xảy ra tai nạn sà lan vướng vào gầm cầu và triều cường dâng cao làm mặt cầu bị lên. Những lo ngại này hoàn toàn có cơ sở, bởi trước đây đã xảy ra ít nhất 4 vụ sà lan bị mắc kẹt, đội mặt cầu Bình Lợi làm gián đoạn lưu thông của các đoàn tàu lửa và thành phố phải huy động cả trăm nhân viên cứu hộ đánh chìm hoặc cắt phần sà lan bị vướng để giải cứu cầu Bình Lợi.

 
Các lực lượng chức năng túc trực điều tiết giao thông thuỷ tại khu vực cầu Bình Lợi. Ảnh: Hà Anh Chiến

Theo cảnh báo của một số chuyên gia giao thông và thủy văn, từ nay đến Tết Nguyên đán, tình hình triều cường trên địa bàn TPHCM tiếp tục diễn biến phức tạp, thường xuyên đạt ở mức cao, do đó tình trạng các phương tiện giao thủy ùn tắc tại khu vực đoạn sông cầu Bình Lợi chắc chắn còn tiếp diễn. Nhằm đảm bảo an toàn cho cầu Bình Lợi và không làm gián đoạn hoạt động của tuyến đường sắt, nhất trong dịp tết, Ban ATGT thành phố đã yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức điều tiết giao thông hiệu quả, bố trí nơi cho các phương tiện neo đậu an toàn khi triều cường dâng cao, không thể lưu thông qua đoạn sông cầu Bình Lợi.   

Theo Lao Động 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.