Hào khí miền Đông: Con sông linh thiêng

26/11/2023 09:00 GMT+7

Hơn bốn chục năm làm cư dân Biên Hòa, tôi đã ngồi ngắm sông Đồng Nai nhiều lần, trong lòng băn khoăn tự hỏi, vì sao nhà văn Hoàng Văn Bổn lại gọi sông Đồng Nai là "con sông linh thiêng"? Rồi tôi dần giải mã được điều bí ẩn ấy. Sông Đồng Nai chảy qua nhiều tỉnh, đoạn qua TP.Biên Hòa mở ra mênh mông, giữa làn nước hồng sắc phù sa nổi lên hòn cù lao có cái tên rất đẹp: Cù lao Phố. Từ đây đã ra đời Nông Nại đại phố, một thương cảng sầm uất, nhộn nhịp. Nhà văn hóa Trịnh Hoài Đức từng miêu tả Nông Nại đại phố: "Mái ngói tường vôi, lầu cao quán rộng… ghe thuyền lớn ở biển và ở sông đến đậu neo, có những sà lan liên tiếp nhau".

Sông Đồng Nai đẹp một vẻ rất riêng. Nó không trong vắt, biếc xanh như nhiều dòng sông khác. Vẻ đẹp của nó là ăm ắp đầy cả trong mùa khô nước chảy liu riu hay mùa mưa tràn bờ, nó khiến người ta nghĩ đến sự nở nang, căng tràn sức sống của người thiếu nữ. Cù lao Phố gợi cảm đến độ một nhà thơ đã thốt lên đầy cảm xúc: "Phải giận hờn mà sông chia hai ngả. Đi chưa xa thương nhớ lại chung dòng" (Xuân Sách).

Hào khí miền Đông: Con sông linh thiêng - Ảnh 1.

Một góc TP.Biên Hòa bên dòng sông Đồng Nai

Lê Bình

Trữ lượng nước và phù sa dồi dào, sông Đồng Nai đã miệt mài bồi đắp nên những xóm ấp trù mật nơi nó đi qua, hình thành một vùng văn hóa đặc sắc, hun đúc nên tâm hồn, khí phách người miền Đông. Có thể nói, tất cả những gì giá trị nhất của xứ "Đồng Nai khoai củ" (chữ dùng của nhà văn Hoàng Văn Bổn) đều hình thành bên dòng sông xinh đẹp này.

Hơn ba trăm năm kể từ khi xứ Đồng Nai được khai phá, thời gian và những trầm luân của lịch sử đã khiến Nông Nại đại phố lụi tàn. Nhưng thay vào cảnh trên bến dưới thuyền xưa bây giờ là đô thị Biên Hòa sầm uất với hơn 30 khu công nghiệp đang hoạt động. Thành phố có trên 1,3 triệu dân thì quá nửa là công nhân ngoại tỉnh. Giờ tan tầm, tràn ngập màu áo thợ với giọng nói mang âm sắc đủ các vùng miền. Nhưng dù đã dang tay đón cư dân mọi miền đất nước, Cù lao Phố vẫn bảo toàn những giá trị vĩnh hằng riêng có của vùng đất Phật. Đó là 3 di tích lịch sử cấp quốc gia, 1 di tích cấp tỉnh, 11 ngôi đình, đền lưu giữ sắc phong của nhà Nguyễn, 40 ngôi mộ hợp chất. Đó là lễ hội đua thuyền tưng bừng mỗi độ xuân về, là lễ cúng đình Tân Lân, chùa Ông, chùa Đại Giác ngập tràn màu sắc, là những đêm liên hoan đờn ca tài tử ở đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh rộn ràng xàng xê cống líu… Phù sa thơm thảo của dòng sông tích tụ, kết thành hương vị ngọt ngào thanh tao của giống bưởi Tân Triều. Bên dòng sông này, Trường Bá Nghệ, ngôi trường dạy làm gốm đầu tiên đã hình thành nhờ thứ đất sét dẻo đặc biệt riêng có của Biên Hòa. Vô vàn sản phẩm tinh tế đã từ những làng gốm ven sông tỏa đi khắp thế giới. Những địa danh Văn miếu Trấn Biên, Hiệp Hòa, Nhứt Hòa, Bình Qưới, làng đá Bửu Long, rạch Lò Gốm… tự hào kết tụ bề dày lịch sử và tinh túy của vùng đất phương Nam.

Dòng sông như một chứng nhân lặng thầm chứng kiến sự hình thành và phát triển của vùng đất này, nó can dự vào đời sống của người Biên Hòa - Đồng Nai như một tri âm tri kỷ, một ân nhân, với những đóng góp lớn lao khó lòng kể xiết.

Ngược lên thượng nguồn, sông Đồng Nai mang vẻ đẹp dữ dội của chú ngựa hoang, tung bờm vượt qua những bãi đá lô xô của các huyện vùng cao, nơi quây quần những xóm ấp hiền hòa của đồng bào Mạ, Stiêng, Chơ ro… Và, sự hiện diện của Cát Tiên với thảm cây xanh ngút ngàn, nơi có những thân cổ thụ hàng trăm năm tuổi mới thật kỳ diệu, xứng đáng là niềm tự hào của người miền Đông. Bên sông Đồng Nai, Chiến khu Đ - "đại bản doanh" của những người kháng chiến giờ đây đã trở thành địa chỉ đỏ hút khách du lịch trong và ngoài nước… Rừng sác và những trận đánh tàu chiến Mỹ trên sông Lòng Tàu - một chi lưu của sông Đồng Nai - sẽ mãi là chiến công của lòng dũng cảm, của tài trí và sự sáng tạo tuyệt vời của người VN.

Sông mẹ Đồng Nai và những nhánh sông con đã len lỏi dọc ngang, đắp bồi, hình thành vựa trái cây nổi tiếng miền Đông Nam bộ, nuôi sống hàng triệu sinh linh bốn phương hội tụ. Dòng sông quý giá còn là con sông thơ, sông nhạc, nguồn cảm hứng vô tận cho văn học, nghệ thuật. Đất và người Đồng Nai hào sảng, nghĩa tình đã tiếp nhận, cưu mang, trở thành quê hương máu thịt của "Gia Định tam gia" những danh nhân văn hóa gốc gác là người Hoa. Và một điều thật phi thường, chỉ một khúc sông "ngắn chẳng tày gang" đã sinh ra nhiều tướng lĩnh kỳ tài, nhiều tác giả của những " tuyệt bút" tiêu biểu cho văn chương đẹp và lạ miền Đông Nam bộ. Đó là Bình Nguyên Lộc tài hoa với Đò dọc, Nhốt gió, là "thi tướng" Huỳnh Văn Nghệ với bài thơ Nhớ Bắc nổi tiếng, là Lý Văn Sâm với Truyện đường rừng ly kỳ cuốn hút, là Hoàng Văn Bổn với những thiên tiểu thuyết đậm chất sử thi… Những vui buồn trầm tích bên sông đã vào vở kịch múa Chuyện tình bên thác Trị An, thành giai điệu bài hát Trị An âm vang mùa xuân (Tôn Thất Lập)… Cũng bởi yêu sông mà nhạc sĩ Trương Quang Lục đã viết nên ca khúc Dòng sông Đồng Nai với những giai điệu dịu dàng, sâu lắng: "Man mác dòng sông Đồng Nai êm trôi, nghe tiếng hò ơ chiều vàng mênh mông…".

Tôi yêu đất và người Đồng Nai khởi nguồn từ tình yêu những câu ca dao: "Nhà Bè nước chảy chia hai. Ai về Gia Định - Đồng Nai thì về…". Tôi còn yêu Biên Hòa - Đồng Nai bởi có dòng sông hiền hòa đã cùng tôi chia sẻ bao kỷ niệm ngọt ngào…

Hào khí miền Đông: Con sông linh thiêng - Ảnh 2.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.